Thí sinh Malaysia giành giải Nhất cuộc thi 'Tiếng hát ASEAN+3' năm 2019
Dùng rượu rửa chân, "mua nhà bỏ không", Nathan Lee giàu có cỡ nào? / Dương Yến Ngọc lại bị chê "vô duyên mất phần thiên hạ" khi bàn luận nhạy cảm về đám cưới Cường Đô La - Đàm Thu Trang
Tối 28/7, chung kết cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3 diễn ra tại Quảng Ninh. Đến dự đêm chung kết có ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Vũ Hải Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch; bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Chuyên trách, Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương.
Về phía VOV có ông Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV, các Phó Tổng Giám đốc: Trần Minh Hùng, Ngô Minh Hiển và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc VOV.
Về phía tỉnh Quảng Ninh có ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; ông Nguyễn Xuân Ký, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Đặng Huy Hậu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh.
Về phía ngoại giao đoàn, có ngài Pengiran Haji Sahari Pengiran Haji Salleh, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Brunei tại Việt Nam; ngài Ibnu Hadi, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam; ngài Prak Nguon Hong Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Campuchia tại Việt Nam; ngài Paul Vincent L.Uy, Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Philippines tại Việt Nam.
Ông Phosy Keomanivong, Tổng Giám đốc Đài Phát thanh Quốc gia Lào, ông Sophal Som, Phó TGĐ Đài Phát thanh Quốc gia Campuchia, bà Dwi Hernuningsih, Uỷ viên Hội đồng giám sát Đài Phát thanh quốc gia Indonesia, ông Koichi Okumura - Trưởng Ban Chương trình, Hiệp hội Phát thanh truyền hình châu Á – Thái Bình Dương (ABU) và Đại diện của Hiệp hội Phát thanh truyền hình Châu Á -Thái Bình Dương (ABU), Tập đoàn truyền thông KansaiTV Nhật Bản (Kansai Telecasting Corporation).
Mở đầu đêm thi, các thí sinh cùng ca sĩ Việt Tú, Hoàng Hồng Ngọc và các ca sĩ của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam hòa giọng trong ca khúc chính thức của cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3 mang tên Bài ca ASEAN.
Bài ca ASEAN do ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi sáng tác lời, âm nhạc của nhạc sĩ Doãn Nguyên. Bài ca ASEAN có nội dung về tình đoàn kết, hòa hợp và giao lưu văn hóa giữa các quốc gia.
Sau phần trình diễn mở màn của các ca sĩ và thí sinh, ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi có bài phát biểu. Trong đó, ông nhấn mạnh: "Cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3 do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần. Đây là một sân chơi, một cơ hội để các nghệ sĩ, ca sĩ gặp gỡ, thể hiện tài năng và tình cảm của mình với các đồng nghiệp".
Ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết thêm: "Sự kiện âm nhạc lớn này là một trong những hoạt động của Việt Nam chào mừng kỷ niệm 52 năm Ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN (08/8/1967 - 08/8/2019)".
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định: "Với Mong muốn và quyết tâm để Biển Đông bình yên sóng vỗ, để chúng ta cùng xây đắp hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển là chủ đề chính, quan trọng của cuộc thi này. Đêm chung kết hôm nay sẽ chọn ra được những giọng vàng xứng đáng.
Chúng tôi mong tất cả các bạn nghệ sĩ sẽ đem tinh thần của cuộc thi theo về đất nước mình, đi theo mình trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật".
Ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng các nghệ sĩ, ca sĩ tham gia vòng chung kết cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3.
Ông Trương Hòa Bình đánh giá cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3 là "một cuộc thi chuyên nghiệp và đậm đà bản sắc văn hóa của cộng đồng ASEAN", đồng thời đánh giá cao sáng kiến của Đài Tiếng nói Việt Nam trong việc tổ chức một cuộc thi ca nhạc ở tầm khu vực như thế này.
"Với vai trò là một cơ quan truyền thông lớn của Chính phủ, bên cạnh công tác truyền thông thì việc tổ chức những sự kiện văn hóa nghệ thuật như cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3 góp phần quan trọng khẳng định thương hiệu và vị trí của Đài Tiếng nói Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.
Tôi tin rằng, cuộc thi sẽ thành công về mọi mặt, nhất là về chất lượng nghệ thuật, dần dần sẽ là sân chơi thân quen cho các nghệ sĩ, ca sĩ ở lứa tuổi từ 18 đến 35 của các nước ASEAN tham dự" - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Tiếp nối thành công của cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3 lần đầu tiên được Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức tại Thanh Hóa năm 2017, cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3 lần thứ 2 - năm 2019 tiếp tục gắn kết và thúc đẩy tình hữu nghị giữa các nước ASEAN và 3 nước láng giềng Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Với quy mô của một sự kiện mang tầm quốc tế Tiếng hát ASEAN+3 là cuộc thi dành cho ca sĩ chuyên nghiệp, là sự kiện văn hóa du lịch âm nhạc lớn, hấp dẫn nhằm tăng cường sự giao lưu về văn hóa giữa các nước trong khu vực đồng thời tạo sân chơi, tìm kiếm và hỗ trợ các tài năng trẻ trong lĩnh vực âm nhạc.
Ban Giám khảo của cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3 lần thứ 2gồm có: Trưởng Ban giám khảo là nhạc sĩ - NSND Trọng Đài, Nguyên Giám đốc Hệ Âm nhạc - Thông tin - giải trí VOV3, Đài Tiếng nói Việt Nam. 4 giám khảo thành viên là giảng viên âm nhạc Thái Lan Parichat Euprasert, nhà soạn nhạc – nghệ sĩ trống đến từ Indonesia Bemby Gusti, ca sĩ Philippines Alfred Allan D. Samonte và ca sĩ - NSƯT Thanh Lam.
Sau một thời gian dài chuẩn bị và qua 2 vòng thi, ban giám khảo cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3 lần thứ 2 - năm 2019 chọn ra được 10 thí sinh có số điểm cao nhất bước tiếp vào vòng thi chung kết.
Ba thí sinh trình diễn đầu tiên trong đêm chung kết cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3 là: Soukthavy Southammavong (Lào) với ca khúc You are the reason, Y Marineth (Campuchia) với We are we và Olivia Christina (Indonesia) với Stand up for love.
NSND Trọng Đài là giám khảo đầu tiên nhận xét về các thí sinh. Ông cho biết, thí sinh Soukthavy Southammavong (Lào) có sự truyền cảm nhưng không thể hiện tốt bằng đêm bán kết. Ông khuyên thí sinh này nên hát rõ phần vocal hơn.
Còn với thí sinh Y Marineth (Campuchia), NSND Trọng Đài khuyên cần chú trọng đến giọng hát nhiều hơn khi hát ca khúc tự sáng tác và thí sinh Olivia Christina (Indonesia) thể hiện hết mình trong phần trình diễn, gây thiện cảm với giám khảo.
Giám khảo Thái Lan Parichat Euprasert cũng có những ý kiến chuyên môn tương đối giống với NSND Trọng Đài. Bà nói: “Tôi thích giọng hát của thí sinh Lào, nhưng bạn cần thêm dấu ấn cá nhân của mình nhiều hơn vào phần thi. Thí sinh Campuchia chuẩn bị phần bè quá dầy nên giọng hát bị lấn át.
Còn thí sinh đến từ Indonesia có giọng hát nội lực, nhưng nếu hát nhẹ nhàng, tình cảm ở phần đầu và đẩy cao trào lên ở phần cuối thì sẽ gây bất ngờ nhiều hơn cho khán giả”.
Ba phần trình diễn tiếp theo là của Sateanpong Klantang với một ca khúc Thái Lan The one and only King in the world, Trần Thị Hồng Nhung (Việt Nam) với Never enough và Eint Chit (Myanmar) với ca khúc Aung Myin Mhu Nout Kwel.
Giám khảo Indonesia Bemby Gusti đánh giá cao phần trình diễn của thí sinh Thái Lan, Myanmar và cảm thấy choáng ngợp với việc thể hiện một bài nhạc pop theo phong cách opera của thí sinh Việt Nam.
Còn NSƯT Thanh Lam nhận xét: “Các em rất thoải mái về tâm lý, không bị áp lực gì. Tôi thích sáng tác của thí sinh Thái Lan với tiết tấu sôi động. Hồng Nhung thể hiện tương đối hoàn thiện bài hát khó về thanh nhạc, quãng rộng. Thí sinh Myanmar vẫn giữ được phong cách hát với một chút chất dân gian bằng chất giọng đẹp”.
Kết thúc đêm chung kết là phần thể hiện của 4 thí sinh: Ng Zhen Long Desmond (Singapore) với ca khúc Never left, Naqib Hafizuddin Bun Zulfikri (Brunei) với ca khúc Memilih Kau Pergi, Aicelle Anne Conronel Santos (Philippines) với ca khúc Kapangyarihan Ng Pag – ibig và thí sinh Rosario Ninih Chamini Bianis (Malaysia) với ca khúc Run.
Nhận xét về 4 phần trình diễn cuối, giám khảo Philippines Alfred Allan D. Samonte nói: “Desmond (Singapore) có chất giọng nội lực nhưng bạn hơi vội vàng khi thể hiện điều đó ngay từ đầu bài hát.
Naquib (Brunei) hát ca khúc tự sáng tác nên phù hợp với quãng giọng, chất giọng. Bạn nên tập trung vào cách lấy hơi và điều chỉnh hơi thở của mình khi hát.
Aicelle (Phlippines) chọn bài hát thuận lợi thể hiện được toàn bộ giọng hát của mình, từ nốt trầm cho tới những nốt cao chót vót, đến âm gió.
Rosario (Malaysia) chọn bài hát giúp thể hiện tất cả điểm mạnh của mình, giọng hát bạn rất truyền lửa. Tuy nhiên, bạn nên chú ý giao lưu nhiều hơn bằng cử chỉ, ánh mắt với khán giả”.
Kết thúc đêm thi, thí sinh Rosario Ninih Chamini Bianis giành được giải Nhất. Hai giải Nhì thuộc về Trần Thị Hồng Nhung (Việt Nam) và Aicelle Anne Conronel Santos (Philippines). Hai giải ba thuộc về Olivia Christina (Indonesia) và Eint Chit (Myanmar).
Cuộc thi cũng trao thêm 05 giải phụ cho các thí sinh đến từ Brunei, Singapore, Thái Lan, Lào và Campuchia.
Các giải thưởng của cuộc thi "Tiếng hát ASEAN+3" 01 Giải nhất:Rosario Ninih Chamini Bianis (Malaysia) 02 Giải nhì: Trần Thị Hồng Nhung (Việt Nam) và Aicelle Anne Conronel Santos (Philippines)
02 Giải ba: Olivia Christina (Indonesia) và Eint Chit (Myanmar) Thí sinh có phong cách trình diễn xuất sắc nhất: Naqib Hafizuddin Bun Zulfikri (Brunei) Thí sinh triển vọng: Ng Zhen Long Desmond (Singapore). Thí sinh thân thiện: SateanpongKlantang (Thái Lan) Thí sinh ấn tượng nhất: SoukthavySouthammavong (Lào)
Thí sinh được khán giả bình chọn nhiều nhất: Y Marineth (Campuchia) |
End of content
Không có tin nào tiếp theo