Văn hóa

Thực hư đóng thế ở 'Người phán xử' nhận cát-xê 300.000 đồng/ngày

Cascadeur Bùi Quang Điền (Vĩnh Phúc) từng đóng thế trong phim 'Người phán xử', 'Bão ngầm'… Hành trình làm cascadeur chưa bao giờ đơn giản, với mức cát-xê không đủ nuôi gia đình.

Trò chuyện với anh Điền, điều đầu tiên dễ dàng nhìn thấy là một vết thương đầy những mũi khâu trên lòng bàn tay. Những vết thương như vậy, là điều bình thường đối với một cascadeur. Anh Điền vừa bị rách da sau một cảnh diễn trong phim truyền hình Bão ngầm sắp được lên sóng vào năm tới.

“Tôi vừa có vết thương này cách đây không lâu, mới cách đây hai tuần. Trong một cảnh quay phải diễn vẻ tức giận, tôi đã phải đấm tay xuống mặt kính. Vô tình, mảnh kính cứa vào tay khiến rách thịt. Lúc đó máu chảy ròng ròng, nhưng vì đạo diễn vẫn chưa hô cắt, nên vẫn phải nhập tâm diễn. Khi kết thúc cảnh, tôi mới thấy cảm giác đau”, anh Điền chia sẻ.

Cascadeur Quang Điền trong một buổi tập đóng thế cho phim Bão ngầm.

Cát-xê của cascadeur 300.000-500.000 đồng/ngày

Năm 2013 là năm đánh dấu việc anh Điền lần đầu bước chân vào nghề cascadeur. Trước đó, anh Điền đã dành hết tuổi thanh xuân, sức lực, vượt qua mọi khó khăn để đến với nghề võ. Anh Điền vẫn thường thầm cảm ơn vì ngày đó đã chọn võ là kim chỉ nam cho con đường sự nghiệp của mình.

Dù đã trải qua rất nhiều năm tập luyện, dạy võ nhưng đối với anh Điền, việc trở thành một cascadeur đóng những cảnh hành động trên màn ảnh vẫn là điều mới mẻ.

Võ thuật trên phim ảnh và võ thuật ngoài đời không giống nhau. Nếu ở ngoài đời thực, võ thuật là sức mạnh, là những cú đấm dồn sức lực thì trên phim, võ thuật là sự khéo léo, tinh tế, nhất là phải đề cao sự an toàn.

Cascadeur là một nghề nguy hiểm, đôi lúc phải trả giá bằng máu và tính mạng.

Chính vì thế, đối với nghề cascadeur, anh Điền phải có những phương pháp tập luyện riêng, thay đổi hoàn toàn với võ thuật ngoài đời. Để ra được những thước phim đẹp, cần sự góp ý từ giới chuyên môn điện ảnh. Những pha nhào lộn, nhảy độ cao... là cả một quá trình tập luyện tương đối khó khăn và vất vả.

Khó khăn, nguy hiểm là vậy, nhưng cát-xê của cascadeur không đủ giúp họ trang trải cuộc sống gia đình. Khi hỏi đến cát-xê của cascadeur, giọng nói của anh Điền chậm đi một nhịp. Cascadeur thường được trả theo cảnh quay và ngày quay. Mức cát-xê của diễn viên đóng thế rơi vào tầm 300.000-500.000 đồng/ngày.

“Không phải ngày nào cũng có vai cho mình diễn thế nên với mức cát-xê như vậy rất khó để trang trải cuộc sống. Tôi coi nghề diễn là niềm vui, là đam mê nên việc cát-xê không phải là vấn đề quá nặng nề. Hầu hết cascadeur đều phải có những ngành nghề khác để phục vụ nhu cầu cơm áo gạo tiền của mình”, anh Điền bộc bạch.

Trên báo đài và các phương tiện truyền thông, những thông tin về các cascadeur gặp nạn, thậm chí tử vong trên phim trường vẫn thường xảy ra.

Nghề cascadeur không có bảo hiểm, chẳng công ty nào dám bảo đảm sự sống cho một nghề nguy hiểm như vậy.

Cascadeur không chỉ diễn võ mà còn phải học cách biểu đạt cảm xúc.

Không phải cứ đi đóng phim là an toàn, luôn có những rủi ro không thể tránh khỏi. Khán giả xem những cảnh đánh đấm, nhào lộn trên màn ảnh chỉ vài phút, nhưng thực tế đó là sự nỗ lực không ngừng của diễn viên.

Sự hiểm nguy âm thầm

Đặc biệt, đối với cascadeur phải đảm nhận những pha hành động nguy hiểm thay cho diễn viên chính. Dù đã tập luyện nhiều, tròn trịa rồi nhưng vẫn không thể an toàn tuyệt đối. Tuy thế, nhưng anh Điền vẫn luôn tự hào vì bản thân đã góp phần nhỏ vào những thước phim đó.

“Tôi quyết định theo đuổi nghề diễn viên đóng thế phần lớn là vì đam mê. Những diễn viên chính tuy không biết võ nhưng vào phim lại “biết võ”, những cảnh phim đó sẽ hay và thật hơn, thuyết phục khán giả hơn”, anh Điền bày tỏ.

Sau mỗi bộ phim, điều đọng lại trong tâm trí của khán giả chính là những gương mặt diễn viên đảm nhận vai trò diễn xuất trong bộ phim đó.

Khán giả nhớ đến Phương Oanh trong Quỳnh búp bê, Quốc Trường trong Về nhà đi con hay Việt Anh trong Người phán xử... Dù tốt hay xấu, chính diện hay phản diện, ai cũng đều để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với công chúng.

Nhưng có những người âm thầm xuất hiện trong phim và cũng chẳng ai “nhớ mặt đặt tên". Họ là những cascadeur.

Khi chúng tôi hỏi anh Điền về sự âm thầm phía sau màn ảnh, anh chỉ cười, nói: “Nghề này nguy hiểm lắm, có khi phải đánh đổi bằng cả tính mạng và danh dự của mình. Khán giả chỉ biết đến diễn viên chính, chứ nào biết đến chúng tôi”.

Nhớ lại những theo đoàn phim, anh nghẹn ngào xúc động kể cho chúng tôi về những tháng ngày vất vả chạy khắp nơi, những lần chấn thương đến nỗi không dám kể cho gia đình vì sợ mọi người lo lắng.

Bị bàn sắc cứa ngay vào đầu, chảy rất nhiều máu, nhảy lộn từ trên cao dẫn đến tuột khớp vai hay cú ngã trẹo chân trong phim Người phán xử... tất cả chỉ là một phần nhỏ so với những rủi ro mà anh từng trải qua.

Cascadeur Quang Điền trong một phân cảnh phim Người phán xử.

Nhớ lại khoảng thời gian tham gia Người phán xử, anh Điền nghĩ đây là sự may mắn khi được tham gia bộ phim từng gây sốt một thời gian dài trên màn ảnh nhỏ. Việc được gặp gỡ, tiếp xúc với dàn ê-kíp chuyên nghiệp thôi thúc anh phải nhập tâm và lăn xả hơn trong phần đóng thế.

Khó khăn, nguy hiểm là thế nhưng chưa bao giờ anh nghĩ đến việc sẽ từ bỏ nghề diễn viên đóng thế. “Đã là đam mê thì rất khó để từ bỏ (cười). Chỉ khi nào sức khỏe không cho phép, tôi mới suy nghĩ đến việc gác lại đam mê này của mình”.

Góp mặt trong nhiều bộ phim đình đám như Cung đường trắng, Gia phả của đất, Người phán xử... anh Quang Điền ngày càng có chỗ đứng trong nghề diễn viên đóng thế. Bên cạnh đó, anh còn đoạt nhiều thành tích về võ thuật: HCV nội công giải quốc tế võ thuật cổ truyền lần thứ nhất, giao lưu võ thuật tại K1 châu Âu...

Ở tuổi này, người ta thường sẽ lựa chọn sự ổn định, chăm lo, vun vén cho gia đình thì anh Điền vẫn “nay đây mai đó” vì theo đuổi đam mê của mình. “Mới đầu, gia đình cũng lo lắng lắm nhưng đến khi mình đã có những thành quả nhất định, mọi người bắt đầu nhìn bằng một suy nghĩ khác và ủng hộ hết lòng”.

Lặn lội từ Vĩnh Phúc lên Hà Nội dạy võ thuật, anh Điền phải luôn cố gắng hài hòa giữa gia đình và công việc của mình. Thật may mắn, vợ anh là một người biết vun vén cho gia đình, đồng cảm với niềm đam mê của chồng.

"Để có được thành quả như ngày hôm nay, tôi muốn gửi lời cảm ơn nhiều nhất tới vợ vì đã luôn là chỗ dựa vững chắc trên con đường chinh phục đam mê võ thuật của mình”, anh Điền xúc động tâm sự.

Theo My Bùi-Quỳnh Vũ/Zing News
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo