Những ông chủ trong giới showbiz Nhật Bản luôn biết tạo ra đồng yên một cách nhanh nhất. Ở đó, các nghệ sĩ chỉ là con cờ mang lại doanh thu.
Hôm 18/2, mẹ nữ ca sĩ 17 tuổi Ohmoto Honoka mang theo di ảnh con gái đến tòa án ở thủ đô Tokyo. Bà đệ đơn kiện công ty quản lý H Project. Bà khẳng định công ty và những bản hợp đồng lắm ràng buộc là nguyên nhân khiến cô gái chưa tròn 17 tuổi tự sát vì áp lực.
Vụ kiện đang được tòa án Tokyo xử lý. Trong ngày xử đầu tiên, giám đốc công ty H Project không có mặt mà ủy quyền cho luật sư.
Giới quan sát nhận định vụ việc này cho thấy tại Nhật Bản, sự hào nhoáng của ngành giải trí chỉ là bề nổi. Ngành công nghiệp giải trí phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc đã tạo ra những bản hợp đồng ngầm đáng sợ.
Hợp đồng nghệ sĩ hay hợp đồng nô lệ bóc lột cả trẻ em?
Japan Times cho hay ở Nhật Bản, các nhóm nhạc thần tượng có tới hàng trăm người mỗi nhóm. Diễn viên đào tạo hàng năm cũng lên tới hàng nghìn người. Họ phải chịu cảnh bị bóc lột và lợi dụng bởi các công ty quản lý bằng những bản cam kết được gọi là hợp đồng độc quyền dài hạn.
Các thành viên cũ nhóm nhạc thần tượng Nijiro Fanfare nổi tiếng nhờ mạng trực tuyến. Nhưng sau đó, họ phải chọn cách rời bỏ nhóm nhạc khi không thể chịu được những đỏi hỏi quá lớn trong công việc.
“Sau khi đưa ra ý kiến rời nhóm, quản lý đã nói với chúng tôi rằng không còn cơ hội nào cho chúng tôi ở Nhật Bản. Cô ấy (người quản lý) nói sẽ nghiền nát tương lai của chúng tôi bằng mọi cách”, Aya Kotobano nói trên Japan Times.
Các thành viên cho biết họ phải ký hợp đồng có thời hạn 7 năm và yêu cầu bắt buộc “không thể chấm dứt hợp đồng”. Sau khi trừ các khoản đầu tư từ công ty, các cô gái chỉ thu về khoảng 350 USD hàng tháng.'
Trong trường hợp không tìm được các show diễn, họ buộc phải livestream để kiếm tiền từ mạng xã hội. Họ phải chi trả cả chi phí trang phục, thuê vũ công và nhiều chi phí khác.
Aya Kotobano đệ đơn kiện chống lại bản hợp đồng vô lý của công ty có trụ sở đặt tại Tokyo. Nhưng một luật sư cho biết nếu ra tòa, các nghệ sĩ thường thua thiệt vì công ty quản lý đã đúng về luật thông qua câu chữ trong hợp đồng.
Mẹ nữ ca sĩ Honoka khóc khi trình bày ở tòa: “Con gái tôi bị ép phải làm việc hơn 10 tiếng một ngày dù khi đó cháu mới 14 tuổi. Con bé cảm thấy khó khăn trong việc cân bằng giữa cuộc sống, công việc và gia đình. Cô đã muốn rời nhóm nhạc và bị quản lý đe dọa đánh đập”.
Tổng biên tập tờ Posse Shohei Sakakura cho biết các công ty quản lý ở Nhật thường chịu chi trong việc tìm kiếm những gương mặt chưa đủ tuổi thành niên. Họ đào tạo và ra mắt dưới hình thức nhóm nhạc. Sau đó, các cô gái, chàng trai có thể tách nhóm đóng phim, làm người mẫu.
AKB48, nhóm nhạc nổi tiếng nhất Nhật Bản, cũng ra đời như vậy. Mỗi năm, nhóm lại có những thành viên mới bên cạnh sự ra đi của các ca sĩ cũ. Sau tất cả, người có tiền là Yasushi Akimoto.
Ở Nhật, ông Akimoto được gọi là bàn tay vàng của ngành công nghiệp giải trí khi mọi thứ ông chạm vào đều ra tiền, dù rằng các nghệ sĩ trực thuộc AKB48 không giàu có như vậy.
Thao túng tình dục và ép hở hang
Ông Shohei Sakakura cho biết trong các hợp đồng ràng buộc, nghệ sĩ luôn nằm chiếu dưới. Họ đối diện vô số điều khoản bất lợi nhưng không có nhiều hứa hẹn tương lai tươi sáng.
“Đó là cách để các nghệ sĩ sau đó phải nghe theo lời công ty nếu muốn phát triển. Họ bị bóc lột, tiền ít, làm nhiều và đôi khi trở thành công cụ tình dục”, ông cáo buộc.
Nếu như ở Trung Quốc hay Hàn Quốc, các nghệ sĩ thuộc nhóm thần tượng buộc phải duy trì hình ảnh trong sáng thì ở Nhật Bản, quy định này thoáng hơn rất nhiều. Gần như 100% các nữ nghệ sĩ xứ Phù Tang đều phát hành các cuốn sách ảnh gợi cảm. Họ mặc bikini, tạo dáng sexy và phô trọn số đo ba vòng.
Doanh số từ các cuốn sách ảnh gợi cảm cũng là nguồn thu không nhỏ cho công ty. Năm 2017, nữ diễn viên Fumika Shimizu đã tuyên bố giải nghệ ở tuổi 23, gia nhập một giáo phái khi không thể chịu nổi cảnh nhận mức lương khoảng 400 USD mỗi tháng nhưng bị ép chụp ảnh bikini, làm việc 20 tiếng một ngày.
Fumika Shimizu thấy mình đáng thương khi trở thành “người tình của mọi gã đàn ông”.
Một nữ nghệ sĩ Nhật Bản giấu tên đã khóc khi chia sẻ trên On của Trung Quốc: “Tôi đã khóc khi tỉnh dậy với những cơn đau khắp người. Tôi bị chuốc rượu, ép lên giường và chẳng thể hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra với mình”, cô nói.
Cần bàn tay của chính phủ
Một cuộc khảo sát vào năm 2018 do Viện lao động Nhật Bản thực hiện cho kết quả 60% nghệ sĩ được hỏi thừa nhận từng bị tấn công tình dục, 90% số người xác nhận bị bóc lột. Nhưng rất ít phần trăm trong số đó dám thừa nhận và công bố.
Luật sư của Hiệp hội Quyền của nghệ sĩ, ông Kunitaka Kasai, trả lời Japan Times, cho biết giới chức nước này loay hoay trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến showbiz khi hợp được ký ở thời điểm nghệ sĩ không hiểu rõ các quy định được viết.
Văn phòng thanh tra tiêu chuẩn lao động cũng ngại ngần trong việc cung cấp các hướng dẫn liên quan đến hợp đồng cho nghệ sĩ.
Luật sư Tsuyoshi Fukai, người có kinh nghiệm trong các vụ tranh chấp giữa nghệ sĩ và công ty quản lý, cho hay nghệ sĩ ít dám lên tiếng vì họ bị quy định cấm yêu, cấm nói về mức lương, cấm chia sẻ với gia đình.
Họ còn bị quản lý về chỗ ở nên “rất khó để cãi thắng". Ông cho rằng chính phủ cần vào cuộc để có những biện pháp mạnh tay hơn, bảo vệ được sự lành mạnh và lao động hợp pháp ở giới giải trí.
Theo Zing
Hai ca sĩ Nhật bị đe dọa sau khi tiết lộ tiền lương và bản hợp đồng nô lệ.