Văn hóa

Top 4 bà mẹ 'tồi' trên màn ảnh khiến khán giả rơi nước mắt

DNVN - Phim có yếu tố mẫu tử luôn là đề tài thôi thúc các nhà làm phim sản xuất ra những siêu phẩm để đời. Cùng xây dựng hình ảnh người phụ nữ yêu con vô bờ, 'Người Mẹ Tồi Của Tôi', 'Mặt Trời Mùa Đông', 'Giấc Mơ Của Mẹ' và 'Người Mẹ' (Mother 2009) có cách kể chuyện khác biệt, chạm tới trái tim của mỗi khán giả.

Lộ ảnh chứng minh nhan sắc đẹp từ tấm bé của Hoa hậu Thùy Tiên: Nhan sắc trời ban là đây! / 4 show giải trí hot nhất 2023 với loạt thành tích khủng: “Rap Việt mùa 3” có bùng nổ hơn “2 Ngày 1 Đêm”?

The Good Bad Mother (Người Mẹ Tồi Của Tôi)

The Good Bad Mother (Người Mẹ Tồi Của Tôi) là bộ phim có tỉ suất người xem cao nhất làng phim ảnh Hàn Quốc hè 2023, do Shim Na Yeon chỉ đạo, người đứng sau thành công của tác phẩm trinh thám, pháp luật, tội phạm xuất sắc nhất Baeksang 2021 - Beyond Evil (Vượt Xa Tội Ác).

Kết hợp giữa chữa lành và trinh thám - pháp lý - tội phạm, phim kể về nhân vật Jin Young Soon (Ra Mi Ran đóng) là mẹ đơn thân chèo chống qua đói nghèo và nuôi con trai Kang Ho (Lee Do Hyun đóng) theo cách của một bà mẹ phản diện. Biến cố xảy ra khi công tố viên Kang Ho lạnh lùng bỗng trở thành đứa trẻ 7 tuổi sau một tai nạn, bà Young Soon bắt đầu hành trình “nuôi lại” đứa con trai.



Tập 8 của Người Mẹ Tồi Của Tôi leo rating đỉnh điểm khi bà Young Soon phát hiện bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, bà tự chuẩn bị việc cử hành lễ tang cho chính mình, dạy Kang Ho lễ nghi quỳ lạy, tiếp khách viếng tang, những thứ cần thiết cho cuộc sống độc lập về sau. Mọi thứ trong đời đều cần được luyện tập, ngay cả là một cuộc chia tay và ngay cả khi không phải là một đứa trẻ lên 7, chia tay chưa bao giờ là dễ dàng và không đáng sợ.

Người xem khó cầm được nước mắt trước khoảnh khắc bất lực nhất của người con khi suýt mất đi mẹ. Cơn phẫn nộ thầm lặng, không thể khóc hay thốt ra bất cứ một lời nào của Kang Ho chỉ có thể dùng ánh mắt phẫn uất và căm ghét thể hiện việc cậu thực sự yêu mẹ quá nhiều. Kang Ho muốn đi đến “nơi tốt đẹp” cùng mẹ, “nơi tốt đẹp” đối với một đứa trẻ là nơi có mẹ, nơi nào có mẹ, nơi ấy là nơi đẹp đẽ nhất. Câu thoại: “Dù chúng ta đang cách xa nhau, nhưng xin hãy nhớ rằng trái tim của con luôn ở đó với những kỷ niệm về bố và mẹ, cả ba chúng ta”, khiến khán giả không thôi khắc khoải khi nghĩ về.

Lee Do Hyun chia sẻ: “Trong khi quay phim, có một cảnh khá cảm xúc giữa tôi và tiền bối Ra Mi Ran. Tôi chỉ muốn diễn cảnh nước mắt lưng tròng, không rơi lệ nhưng khoảnh khắc nhìn vào mắt tiền bối, nước mắt tôi cứ bất giác trào ra. Lúc đó, tiền bối nói với tôi rằng: ‘Sẽ ra sao nếu cậu khóc mãi như vậy chứ? Cậu cần phải biết kiểm soát nước mắt trong những cảnh khóc’”.


“Người mẹ tồi” ấy năm xưa vì mong con thành công tố viên mà khắc nghiệt sai cách để nuôi con khôn lớn. Đến khi biết mình không còn nhiều thời gian, bà quay về đúng bản ngã, không muốn là gánh nặng cho con nên đã chọn cách thức cực đoan nhất để đối diện. Với Kang Ho, thế giới sống động như thể bây giờ mới bắt đầu, với bà Young Soon, thế giới ấy lại chuẩn bị lụi tàn. Bà Young Soon tồi nhưng cũng là người yêu con hơn bất cứ ai trên đời và không có từ ngữ để diễn đạt.

Càng xem phim, khán giả càng thấm với tựa phim Người Mẹ Tồi Của Tôi vì bộ phim theo cái hướng chưa ai từng nghĩ tới. Không chỉ là tình mẹ con đơn thuần, nó là hành trình học làm mẹ, học làm con đúng cách. Trong quá trình đó, không ai trong số họ được mô tả là người tốt cả. Một người con sống lỗi và một người mẹ tồi tệ. Dù có xấu xa, cực đoan lên đến đỉnh điểm họ mang trong mình nhân cách tốt đẹp mà chính họ cũng không hay biết. Xuất phát điểm của mỗi chúng ta đều là người tốt, chỉ là khi trưởng thành, đối diện với cuộc sống khắc nghiệt, mỗi người chọn một “vỏ bọc riêng” và không phải ai cũng giữ gìn được phẩm chất quý giá này trên cuộc hành trình sống của chính mình.


Không một ai trong hai mẹ con là thiên thần, họ không được tẩy trắng tinh tươm. Họ đơn giản là đi trên một cuộc hành trình tưởng chừng đơn giản mà quá đỗi khắc nghiệt để hiểu về tình cảm mẹ con. Đó là lý do để Người Mẹ Tồi Của Tôi: Tập 2 hay hơn tập 1, tập 3 hay hơn tập 2, tập 4 hay hơn tập 3… và cứ thế càng ngày phim càng hay hơn và khiến khán giả như cuốn vào cảm xúc của nó. Ngoài ra đây cũng chính là một trong những bộ phim bất hạnh bậc nhất của Lee Do Hyun ngoài Góc Khuất Học Đường, Tuổi Trẻ Tháng Năm được tìm xem nhiều trên VieON.

Mặt Trời Mùa Đông

Mặt Trời Mùa Đông hiện đang phát sóng trên ứng dụng VieON là một trong những dự án “làm mưa làm gió” làng phim ảnh Việt Nam thu về hơn 80 triệu lượt xem trên các nền tảng. Bộ phim tạo ấn tượng tốt khi sở hữu cốt truyện gay cấn, dàn diễn viên thực lực và đan xen nhiều câu chuyện, tuyến nhân vật được xây dựng rõ nét. Bên cạnh việc lột tả rõ nét về cuộc sống hiện thực, vấn đề nhức nhối tiền trên hành trình tìm ra sự thật của Minh Huy (Steven Nguyễn đóng), Mặt Trời Mùa Đông tình mẫu tử sâu sắc.


Khác hẳn nhân vật mẹ của Người Mẹ Tồi Của Tôi là một người được làm mẹ lần hai, Minh Huy của Mặt Trời Mùa Đông có đến hai người mẹ. Trong Mặt Trời Mùa Đông, mối quan hệ giữa mẹ ruột Minh Huy - bà Quyên (NSƯT Mỹ Uyên đóng) và mẹ nuôi Minh Huy - bà Tư (Kiều Trinh đóng) lấy cạn nước mắt người khi người có công sinh thành, người có ơn dưỡng dục. Hoàn cảnh có khác nhau nhưng bà Tư và bà Quyên cùng điểm chung là tình yêu thương con vô điều kiện. Minh Huy được gia đình nông dân nghèo nhận nuôi và thay đổi tên họ sau khi được cứu khỏi một vụ án mạng. Bà Tư dồn hết tình thương vào sự lo lắng, chăm chút từng bữa ăn giấc ngủ cho con trai. Bà Quyên chịu nỗi đau mất con trai dằn vặt suốt 20 năm.

9 tập phim đầu, bà Tư trải qua nhiều xung đột tâm lý từ niềm hạnh phúc khi con trai nên người trong hoàn cảnh khó khăn đến việc đối mặt sự thật, mất mát người mình thương yêu nhất. Không mang nặng đẻ đau nhưng tình cảm suốt 20 năm của bà đủ lấy cạn nước mắt người xem. Trong diễn biến tập 20-21, hai bà mẹ gặp nhau lấy bao nước mắt của người xem. Cách diễn xuất tỉ mỉ trong từng ánh mắt, tinh tế trong từng câu thoại và những dòng nước mắt từ tận tâm can của NSƯT Mỹ Uyên và diễn viên Kiều Trinh lột tả rõ nét nỗi đau của hai bà mẹ len lỏi sâu vào tâm thức mỗi người, dễ dàng khiến khán giả cảm nhận được chiều sâu cảm xúc của nhân vật.


Mỗi phân cảnh nhớ đến con, NSƯT Mỹ Uyên và diễn viên Kiều Trinh đều diễn xuất thăng hoa và lay động trái tim khán giả, khiến người xem phải thổn thức theo những chuyển động tâm lý. Cả hai chứng minh được họ là sự lựa chọn phù hợp nhất cho vai diễn này. Riêng NSƯT Mỹ Uyên nhận xét nhân vật bà Tư của diễn viên Kiều Trinh là vai diễn khó nhất trong Mặt Trời Mùa Đông.

Là một trong những yếu tố trong bộ phim xoay quanh cuộc đấu tranh, mâu thuẫn về gia đình, tình yêu, Mặt Trời Mùa Đông thành công khi khai thác tốt về đề tài gia đình song song với hành trình trả thù, đúng thông điệp của phim chỉ có tình yêu thương giống như “mặt trời” mới có thể sưởi ấm được cho những con tim bất hạnh và lạnh giá như “mùa đông”. Dù là con ruột hay con nuôi, người mẹ vẫn luôn yêu thương, bảo bọc người thân hết mình.

Giấc Mơ Của Mẹ

Giấc Mơ Của Mẹ là một trong những bộ phim thành công của làng phim ảnh Việt năm 2022, thắng lớn với hai giải tại hạng phục phim truyền hình và hạng mục nam diễn viên điện ảnh, truyền hình tại lễ trao giải Mai Vàng thứ 28. Bộ phim kể về hành trình giãi bày nỗi lòng của mẹ và chặng đường học hỏi cách lắng nghe cha mẹ của con cái. Giấc Mơ Của Mẹ khéo léo lấy nước mắt của khán giả khi lồng ghép nhiều giá trị văn hóa và đặc biệt thể hiện rõ nét hình ảnh người mẹ chịu thương, chịu khó và hi sinh tất cả vì con.



Không bị đi theo lối mòn, khai thác một câu chuyện “xưa như diễm”, Giấc Mơ Của Mẹ kể về tình cảm gia đình mang nhiều thông điệp ý nghĩa khiến khán giả vừa khóc, vừa cười, nhẹ nhàng sâu lắng, đánh thẳng vào cảm xúc người xem. Từ góc nhìn của bà mẹ ít kiến thức học vấn sẽ khác với những người mẹ tri thức, nhân vật bà Thanh (NSND Hồng Vân đóng) chịu ảnh hưởng của dòng chảy quá khứ, của tư tưởng cũ được mặc định trong xã hội Việt Nam từ đời này sang đời khác. Cách thương con của bà chịu sự chi phối bởi hoàn cảnh, ích kỷ muốn con gái phải lấy được chồng giàu, muốn con trai trở nên hoàn hảo.

Best cut "Giấc Mơ Của Mẹ"

Vì quá thương con, mong con có được những sự tốt đẹp nhất nên bà Thanh trở nên ích kỷ, áp đặt con vào điều mà bản thân cho là đúng. Phân cảnh khiến khán giả nghẹn ngào khi bà Thanh biết thời gian của mình không còn nhiều nữa, bà nén chịu cơn đau, cố gắng hướng dẫn chồng và các con cách quán xuyến gia đình. Dù cách thương con của bà Thanh có phần méo mó, không trọn vẹn thế nhưng bằng tình yêu xuất phát từ trái bà đã thay đổi mọi người và kéo mọi người gần nhau hơn.



Nhân vật bà Thanh trong Giấc Mơ Của Mẹ là vai diễn khắc họa rõ lối diễn xuất của NSND Hồng Vân đưa cô trở thành “bà mẹ quốc dân” của làng phim ảnh Việt. Việc khai thác góc nhìn mới lạ về người mẹ, Giấc Mơ Của Mẹ phản ánh một lát cắt nhỏ trong xã hội hiện đại khiến không ít khán giả đau lòng.

Chính NSND Hồng Vân không hề muốn con trẻ phải “gánh” ước mơ của cha mẹ, trước khi áp đặt hay cho con bất cứ lời khuyên nào trong cuộc sống, các bậc phụ huynh nên lắng nghe và hiểu con mình trước. Nữ nghệ sĩ từng tâm sự: “Thay vì áp đặt và gò ép con cái vào một khuôn khổ nhất định, cha mẹ là những người nên đưa ra định hướng và cho con mình quyền được lựa chọn. Bởi sau cùng, người tiếp tục đi xa hơn cùng con cái chính là người bạn đời của họ”.

Người Mẹ - Mother (2009)

 

Người Mẹ - Mother (2009) là một trong những bộ phim của xứ Kim Chi khiến khán giả quốc tế nể phục khi liên tiếp gặt hái các giải thưởng quốc tế từ giải Phim xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Châu Á đến giải Nữ chính xuất sắc nhất tại LHP Kim Kê - Bách Hoa. Kịch bản phim được viết riêng cho nữ diễn viên kỳ cựu Kim Hye Ja. Bà xuất sắc vào vai người mẹ, xây dựng nên tượng đài của tình mẫu tử.


Là tuyệt tác về tình mẫu tử trên màn bạc Hàn, Người Mẹ kể một người mẹ (do Kim Hye Ja thủ vai) ở một ngôi làng nông thôn đang cố gắng hết sức để chứng minh sự vô tội của đứa con trai bị tâm thần Do Joon (do Won Bin thủ vai) khi cậu bị buộc tội giết một nữ sinh trung học. Như những bà mẹ khác, bà mẹ trong Người Mẹ dạt dào yêu và đức hy sinh. Bà tìm mọi cách, chạy vạy cho này chỗ kia để tìm cách minh oan cho con trai. Thậm chí bà trở thành kẻ sát nhân - một hành động phẫn uất và tình yêu con và chỉ vì muốn bảo vệ con.

Từng thước phim len lỏi tâm trí người xem bởi tình yêu người mẹ dành cho đứa con thiệt thòi. Tưởng chừng tình phụ tử, mẫu tử luôn luôn mang ý tích cực, vì nó là thứ tình cảm thiêng liêng nhất, ấy vậy tại Người Mẹ tình cảm ấy khi đi quá giới hạn bị biến thành một thứ gì đó u tối.


Ánh mắt của người mẹ trong phim, lúc nào cũng hướng về con, một ánh nhìn dại dại, vô hồn nhưng mãnh liệt và quyết đoán. Kết thúc câu truyện, bà mẹ điên cuồng nhảy theo điệu nhạc như trút bỏ mọi gánh nặng trên đôi vai nhức. Hình ảnh bà mẹ tự mình làm mất ký ức, nhảy múa trong vô thức dưới ánh chiều vàng vọt khiến người xem không khỏi đau đớn xót xa. Ngoài ra bộ phim còn rất nhiều hình ảnh ẩn dụ và các mối quan hệ khác ngoài tình mẫu tử rất đáng để tìm hiểu.

Thành công của Người Mẹ lớn đến mức diễn viên kỳ cựu Kim Hye Ja cảm giác bị mắc kẹt trong vai trò của một người mẹ mà bà đã đóng suốt 22 năm. Vai diễn đã mang lại danh tiếng cho Kim Hye Ja, đưa bà trở thành hình tượng một người mẹ yêu thương và hy sinh vô điều kiện. Nhân vật mẹ trong bộ phim hấp dẫn đến mức có thể đánh thức “những tế bào đang hấp hối” của Kim Hye Ja.

 


“Là một diễn viên, thật mệt mỏi khi phải diễn đi diễn lại cùng một nhân vật, nhưng đạo diễn và ‘Mẹ’ đã nói về những điều mà tôi chưa từng nghĩ tới. Tôi đã nghĩ rằng mình đã mất đi niềm đam mê với công việc, nhưng sau khi đi khắp vùng quê để quay phim, thật tuyệt vời khi chứng đau đầu kinh niên của tôi biến mất. Một niềm đam mê và ngây ngất mới xuất hiện. Tôi biết ơn đạo diễn vì đã thắp lại niềm đam mê đang lụi tàn”, nữ diễn viên trải lòng.

Phim có yếu tố mẫu tử không hề mới mẻ, nhưng cách triển khai mới lạ, nhiều góc nhìn khiến khán giả bất ngờ. Làm mẹ hoá ra lại là điều khó khăn nhất trên đời và không ai trên đời được học cách làm mẹ. Người mẹ nào cũng âm thầm chịu đau khổ, khó khăn để mang lại cuộc sống đầy đủ nhất cho con. Người Mẹ Tồi Của Tôi, Mặt Trời Mùa Đông, Giấc Mơ Của Mẹ và Mẹ (Mother 2009) mang đến những hình ảnh người mẹ khác biệt, tạo nhiều cảm xúc lắng đọng, bồi hồi và “chữa lành” cho mỗi người xem. Cùng theo dõi những bộ phim về tình mẫu tử sâu sắc trên trên VieON tại đây!

Mạch Nhiên
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm