Bản đồ Hà Nội đã được đặt trên những bao tải rác, rất nhiều rác. Trên đó còn có những cột màu xanh, đỏ, trắng được dựng lên. Những chùm sợi màu cũng được nối từ đó tới các địa danh khác trên... trần nhà như Nam Định, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên... Cột màu trắng thể hiện đó là những người ở Hà Nội làm nghề đồng nát. Màu xanh thể hiện những người ở Nam Định. Màu đỏ là những người ở tỉnh khác tới thủ đô làm nghề thu gom phế liệu. “Nhìn bản đồ có thể thấy người ở Nam Định tới Hà Nội làm nghề đồng nát nhiều nhất”, bà Nguyễn Phương Anh, cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển Pháp, cho biết.
Để có được bản đồ đồng nát, trong gần 2 năm, nhóm nghiên cứu do giảng viên Nguyễn Thái Huyền đứng đầu, đã huy động 350 sinh viên Đại học Kiến trúc khảo sát trên toàn địa bàn Hà Nội, với hơn 800 bãi phế liệu nằm khắp thành phố. “Mặc dù hoạt động tái chế là phi chính thức, các hoạt động này đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Khoảng 90% lượng rác tái chế, bao gồm giấy, nhựa, kim loại được tái chế để tạo ra sản phẩm mới, chỉ 10% là chất thải sau tái chế”, báo cáo nghiên cứu của nhóm cho biết.
Tại triển lãm (diễn ra tại Trường đại học Kiến trúc Hà Nội), ngành đồng nát được thể hiện lạc quan và sinh động. Các chai nhựa đỏ trước đựng nước giặt tẩy đã được kết lại thành chùm treo trên tường. Những vỏ lon bia sau khi được đập bẹp đã được ép lại thành từng khối như bê tông. Phóng sự ảnh về quá trình thu gom rác thải, mua bán rồi đưa về các làng nghề tiếp tục phân loại để tái chế có “khung ảnh” rất kỳ lạ. Đó là những tấm ván gỗ xù xì, khấp khểnh - cũng là đồ cũ tái sử dụng. Những tấm ảnh và đồ vật triển lãm đều có màu sắc tươi sáng.
Triển lãm cũng giới thiệu lại những bức ảnh chụp từ triển lãm Điểm gặp về rác nhựa của nghệ sĩ Việt kiều Trần Trọng Vũ hồi 2016. Ở đó, ông Vũ dùng nhựa kết thành nhiều chùm hoa sặc sỡ. “Các họa sĩ gọi nhựa là chất liệu con nhà nghèo vì nó không đắt tiền... Đối với tôi, nhựa thể hiện văn hóa phổ thông và làm tôi thích”, ông Vũ từng chia sẻ. Không chỉ là văn hóa phổ thông, triển lãm còn cho biết việc thu gom đồng nát còn bổ sung nguyên liệu cho ngành nhựa.
“Từ năng động trong cái tên triển lãm gợi nhiều suy tư. Rõ ràng, chúng ta không thể coi đồng nát như một nghề không tồn tại. Hơn thế, nó có tiềm năng kinh tế và giải quyết được các vấn đề môi trường… Đồng nát nên được coi là một nghề, trong hệ thống toàn cầu của những người xử lý rác thải để tái chế”, ông Luc Perrot, giảng viên kiến trúc của ĐH Normandie (Pháp), chia sẻ. Ông cũng là một người trong nhóm nghiên cứu và thực hiện triển lãm này.