Triệu Tử Long gây tranh cãi nhất màn ảnh
Triệu Vân (168 – 229), tự Tử Long, là người Thường Sơn (nay là tỉnh Hà Bắc – Trung Quốc), ông là danh tướng thời cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Triệu Tử Long có ngoại hình hùng dũng, uy phong lẫm liệt, giỏi võ nghệ và có tài thao lược, được đánh giá là bậc hổ tướng trí dũng song toàn và là một trong số những nhân vật góp công không nhỏ vào sự thành lập của nhà Thục Hán.
Triệu Tử Long xưa kia vốn đi theo Công Tôn Toản. Khi các chư hầu kết đồng minh, Lưu Bị cũng có dịp giao hảo cùng Công Tôn Toản.Ngay từ những ngày ấy, Triệu Vân đã từng không ít lần được Lưu Bị "mượn dùng" để đi đánh giặc cùng mình. Mối quan hệ của hai người nhờ đó mà dần trở nên thân thiết. Sau khi Công Tôn Toản qua đời, Triệu Vân đã đi tìm Lưu Bị và được ông thu nhận vào tập đoàn chính trị của mình.
Tam quốc diễn nghĩa mô tả ông là mãnh tướng muôn người không địch nổi, cả đời giao chiến với không ít người và giết cũng rất ít.
Một trong những trận đánh oai phong nhất của Triệu Tử Long là đoạt lại A Đẩu (con trai Lưu Bị) trong trận Đương Dương - Trường Bản. Dù bị quân Tào Tháo vây kín song với tài võ nghệ và giỏi thao lược, Triệu Vân một mình một ngựa vẫn phá tan vòng vây quân địch, cứu ấu chúa trở về gặp Lưu Bị. Đây là trận đánh ấn tượng nhất của Triệu Tử Long vì toát lên sự uy phong, dũng mãnh và trung thành.
Chính vì vậy, các nhà làm phim luôn chú trọng tới phân cảnh này mỗi khi dựng phim về võ tướng xuất sắc nhất của Lưu Bị. Ngoài bản truyền hình còn có nhiều bản điện ảnh nói về cuộc đời ông, trong đó Triệu Tử Long do Lưu Đức Hoa thủ vai trong Tam quốc chí: Rồng tái sinh là bản gây tranh cãi nhất.
Tam quốc chí: Rồng tái sinh (tựa tiếng Anh: Three Kingdoms: Resurrection of the Dragon) hay Tam quốc chi kiến long tá giáp của đạo diễn Lý Nhân Cảng. Với kinh phí 25 triệu USD, Tam quốc chí: Rồng tái sinh tái hiện cuộc đời của Triệu Tử Long, một vị tướng nổi tiếng thời Tam quốc. Bộ phim có sự tham gia của diễn viên hàng đầu Hong Kong là Lưu Đức Hoa thủ vai chính. Tuy rằng bộ điện ảnh này cơ bản thoát ly nguyên tác cùng lịch sử, nhưng Lưu Đức Hoa đóng vai Triệu Tử Long lại rất sinh động, đem hình tượng danh tướng này trở nên vô cùng hấp dẫn.
Khi Lưu Đức Hoa được chọn vào vai Triệu Tử Long, một số ý kiến cho rằng anh đã quá già để hóa thân vào một thanh niên như Tử Long (Lưu Đức Hoa đã 46 tuổi khi vào vai này). Tuy nhiên, Lưu Đức Hoa cho rằng bộ phim mô tả lại cả cuộc đời từ tuổi thanh xuân đến lúc tuổi già của Triệu Tử Long nên điều quan trọng là diễn xuất và kịch bản chứ không phải độ tuổi của anh.
Ngoài ra tạo hình của Lưu Đức Hoa trong phim bị chê là không đúng với thời Tam quốc. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng đây là trang phục của các tướng lĩnh Mông Cổ thời nhà Minh – Nguyên.
Góp mặt trong bộ phim này còn có các diễn viên ngôi sao khác như: Hồng Kim Bảo (vai La Bình An), Maggie Q (vai Tào Anh), Ngô Kiến Hào (vai Quan Hưng), Địch Long (vai Quan Vũ), Bộc Tồn Hân (vai Gia Cát Lượng)…
Nội dung của bộ phim Tam quốc chí: Rồng tái sinh được dẫn dắt bằng lời kể của La Bình An (Hồng Kim Bảo) về Triệu Tử Long (Lưu Đức Hoa), một người đồng hương Thường Sơn của ông, vốn nhập ngũ chỉ với hi vọng thiên hạ sớm thái bình để anh có thể lập gia đình sống yên ổn. Hai người nhanh chóng trở nên thân thiết và kết nghĩa anh em. Tài năng và sự dũng mãnh phi thường đã giúp Tử Long lập được nhiều chiến công lớn, sau đó trở thành một trong Ngũ hổ tướng của nhà Thục.
Nhiều năm qua đi, chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Ngũ hổ tướng giờ đây chẳng còn ai ngoài lão tướng Triệu Tử Long. Không muốn mất đi vị tướng huyền thoại, thừa tướng Gia Cát Lượng tỏ ý ngăn ông tham gia cuộc Bắc phạt nhưng Triệu Tử Long vẫn một mực xin ra trận. Tuổi tác không cản nổi vó ngựa của ông, sức ông vẫn đủ để hạ một lúc năm tên lính trẻ. Tuy nhiên, chỉ đến khi rút quân về Phượng Minh Sơn theo lời thừa tướng căn dặn, Tử Long mới biết quân của mình chỉ có vai trò nghi binh, nhử quân Ngụy để tạo thời cơ tấn công cho các tướng khác.
Tại Phượng Minh Sơn, ông phải đối mặt với sự bao vây của Tào Anh, cháu gái Tào Tháo, kẻ năm xưa từng chứng kiến ông cứu ấu chúa A Đẩu. Tào Anh thề bắt sống Triệu Tử Long bằng mọi giá, nhưng tiếc thay người đàn bà mưu trí hơn người này không thể đạt được ước nguyện. Tử Long quyết định đấu tay đôi với Tào Anh, kết quả là vị tướng họ Triệu đã chiến thắng.
Trong bộ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa có hàng trăm nhân vật, Triệu Tử Long được cho là một trong số những nhân vật mà La Quán Trung yêu thích nhất. Dưới ngòi bút của La Quán Trung, Triệu Tử Long hiện lên với tất cả những đức tính tốt đẹp mà không ai thời đó sánh được. Ông là vị tướng thông minh, bản lĩnh, quả cảm và bất khả chiến bại. Hai đức tính của Triệu Tử Long được tác giả ca ngợi nhiều nhất là sự trung thành và lối sống đạo đức.
Tên tuổi của Triệu Tử Long lan đến các nước châu Á khác khi Tam quốc diễn nghĩa được dịch thành nhiều thứ tiếng, ở các nước còn lại trên thế giới, người ta cũng biết nhiều đến ông thông qua truyện tranh và video game. Đối với giới trẻ, ông trở thành vị tướng được ngưỡng mộ nhất trong Tam quốc diễn nghĩa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo