Văn hóa

Từ "Bố già", khẩu hiệu “ủng hộ phim Việt” cất vào kho được rồi

"Bố già" hiện cán mốc hơn 200 tỷ đồng, xô đổ kỷ lục của hàng loạt phim "bom tấn Việt" trước đó như "Cua lại vợ bầu", "Hai Phượng", "Mắt biếc"... "Khẩu hiệu 'ủng hộ phim Việt', 'giải cứu phim Việt' cất vào kho được rồi" - biên kịch Bình Bồng Bột nói.

Phim 'Bố già' của Trấn Thành lập kỷ lục doanh thu không tưởng / Trấn Thành than ngày ngủ 3 tiếng vì Bố Già, Hari Won tố "mất chồng" ngay và luôn

Những ngày này, "Bố già" (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, Trấn Thành) đang liên tục "làm mưa làm gió" trên các rạp chiếu trong cả nước. Hiện tượng vốn chỉ xuất hiện tại các thành phố lớn thì nay "phải chờ đợi mệt nghỉ để có vé" - một khán giả ở Sóc Trăng cho biết.

Giới chuyên môn vốn ít khi nhận xét về nhau nhưng với "Bố già" thì khác. Đạo diễn Charlie Nguyễn không ngần ngại dành nhiều lời khen: "Bố già hay quá", "Trấn Thành giỏi quá". Còn đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ví von: "Tiệc trăng máu (phim do anh làm đạo diễn) là cơn mưa còn Bố già là cơn bão".

Từ Bố già, khẩu hiệu “ủng hộ phim Việt” cất vào kho được rồi - Ảnh 1.

Song song với những lời khen ấy là sự thay đổi liên tục về con số trên rạp chiếu. 10,6 tỉ đồng trong ngày đầu ra rạp. Rồi 22 tỉ đồng, 30 tỉ đồng, 100 tỷ… Và tính đến cuối giờ tối 14/3, "Bố già" đã có 215 tỉ đồng tiền bán vé, tiếp tục vượt cả "Hai Phượng" khi bộ phim hành động của Ngô Thanh Vân công bố doanh thu hơn 200 tỉ đồng vào giữa năm 2019, tính cả doanh thu bán vé tại thị trường ngoài nước; vượt qua cả "Cua lại vợ bầu" 191,8 tỉ đồng năm 2019, cũng do Trấn Thành đóng vai chính.

Với đà này, "Bố già" được dự đoán sẽ tiến dần đến các mốc mới như 300 tỷ, thậm chí có ý kiến tin rằng nó sẽ là con số 500 tỷ nếu chiếu cả trên các nền tảng số, sau khoảng thời gian công chiếu tại rạp.

Từ hiện tượng này, nhà biên kịch Bình Bồng Bột (phim Tiệc trăng , cũng từng đột phá về doanh thu với 175 tỷ đồng hồi năm ngoái) cho rằng với việc liên tục tạo ra những kỷ lục về khán giả từ "Bố già", hay trước đó là "Tiệc trăng máu", "Mắt biếc", "Cua lại vợ bầu"…, khẩu hiệu "giải cứu phim Việt" với "ủng hộ phim Việt" cất vào kho được rồi.

Phân tích về kỳ tích của Bố già, nhà biên kịch này cho rằng: "Khi Trấn Thành và ê kíp làm 'Bố già', tôi tin là họ chỉ muốn kể câu chuyện của mình. Chuyện của một ông bố và một cậu con trai thương nhau nhưng không có cách nào thể hiện tình cảm ấy. Sự dồn nén ấy đã tích tụ trong người Trấn Thành mấy chục năm, cũng như đã tích tụ mấy chục năm trong lòng chúng ta. Nên khi nghe câu "lần cuối mọi người chụp hình với ba của mình là lúc nào", nước mắt ta trào ra không có gì ngăn được".

Từ Bố già, khẩu hiệu “ủng hộ phim Việt” cất vào kho được rồi - Ảnh 2.

Ba Sang che giấu bí mật về đứa cháu nội để bảo vệ tên tuổi cho con trai

Câu chuyện của "Bố già" không mới, nhưng nó đánh động vào cảm xúc của mọi người, về cái tưởng chừng rất dễ nhưng lại ít người nghĩ tới để làm với cha mẹ mình. Nói như nhà thơ Nguyễn Phong Việt, trong điều kiện chúng ta không thể làm ra những bộ phim mà cả cấu trúc lẫn cảm xúc đều tuyệt vời thì hãy tập trung vào cảm xúc để khán giả quên đi tất cả những khiếm khuyết khác của bộ phim. "Bố già" thuộc về trường hợp này, cảm xúc của phim đủ mạnh để khán giả tha thứ hết tất cả những thiếu sót còn lại.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, "Bố già" đã chọn được "điểm rơi" đầy may mắn.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng sau một thời gian dài không được đến rạp xem phim hoặc xem kịch, khi lệnh dãn cách nới lỏng người ta có tâm lý xả hơi. Đó là một yếu tố khiến người xem đến rạp đông bất thường trong thời điểm này.

Tuy nhiên phải khẳng định rằng tâm lý xả hơi ấy không phải là yếu tố quyết định cho phòng vé. Chất lượng bộ phim mới thực sự là yếu tố quan trọng. Hiện tượng người xem đến với phim Việt không chỉ có lần này. Trong 20 năm đầu của thế kỷ 21, ta đã chứng kiến nhiều kỷ lục doanh thu dành cho phim Việt. Từ "Cánh đồng bất tận", "Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Hai Phượng"... và nhiều phim Việt khác đã có được doanh thu kỷ lục, rồi lại có những phim khác phá vỡ kỷ lục đó... Đây không còn là một tín hiệu, mà là một xu hướng. Xét cho cùng, khán giả Việt không quay lưng với phim Việt bao giờ, nếu đó là một phim hấp dẫn.

Từ Bố già, khẩu hiệu “ủng hộ phim Việt” cất vào kho được rồi - Ảnh 3.

Ngoài ra, thời điểm công chiếu của "Bố già" còn có thêm một may mắn khác là không có "bom tấn" nào của phim ngoại được công chiếu. Hiện tượng "dồn sân" cho "Bố già" là không phải không có. Chính bản thân Trấn Thành cũng thừa nhận đó là một may mắn cho phim khi ra rạp. Bởi khi có phim "bom tấn" của Hollywood, đơn vị phát hành sẽ phải cân đối lịch chiếu, phòng chiếu giữa các phim. Bởi các phim bom tấn của Hollywood có một sự cam kết về suất chiếu rất lớn từ phía các nhà rạp một khi quyết định nhận phim. Đó là lý do, ngay cả trong trường hợp phim Việt có hay cách mấy, vẫn không thể bắt các phim ngoại nhường suất chiếu để tạo ra đột biến về doanh thu cho phim Việt.

 

Có ý kiến cho rằng sỡ dĩ phim có được doanh thu như hiện tại còn nhờ vào sức hút của Trấn Thành với lượng fan khá lớn. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng: "Không thể phủ nhận Trấn Thành có một lượng fan đông đảo trước khi thực hiện dự án này. Đó là một lợi thế. Tuy nhiên, quyết định doanh thu cho bộ phim không thể chỉ dựa vào lượng fan trung thành của một nghệ sĩ".

Từ Bố già, khẩu hiệu “ủng hộ phim Việt” cất vào kho được rồi - Ảnh 4.

Trấn Thành bị chê nhiều về hóa trang

Bài học này đã sảy ra với một phim mà Đàm Vĩnh Hưng đầu tư và đóng một vai trong đó (Hiệp sĩ mù). Phim đã hoàn toàn bại về doanh thu và cũng không có được danh tiếng nghệ thuật dù nó được thực hiện khá nắn nót, chỉn chu. Như vậy, để tạo nên sóng gió ở phòng vé thì trước hết câu chuyện phim phải chặt chẽ, hấp dẫn cả về mặt cốt truyện lẫn ấn tượng thị giác. Dấu ấn sân khấu có thể là một nhược điểm của diễn viên, nhưng câu chuyện hấp dẫn khiến cho khán giả vốn đã yêu mến diễn viên này sẽ bỏ qua những nhược điểm đó để nhiệt thành đón nhận bộ phim.

Về ý kiến rằng câu chuyện phim không có gì mới, thì chúng ta nên biết rằng sau hàng trăm năm lịch sử tồn tại và phát triển, điện ảnh không thể có gì mới dù công nghệ phát triển như vũ bão. Thời cổ đại Arristot đã tổng kết chỉ có 36 tình huống kịch cơ bản, sau này điện ảnh Mỹ lại tổng kết gọn gàng hơn với 9 motif truyện đủ gây hấp dẫn cho người xem.

Như vậy một câu chuyện cũ không phải là yếu điểm khiến bộ phim mất tính hấp dẫn mà cách ê kíp làm phim khiến một motif cũ có diện mạo mới mới là quan trọng. Trong thực tế những phim remack còn hấp dẫn người xem cơ mà? Vậy chốt lại là một kịch bản được đầu tư tâm huyết, khai thác tình tiết đời sống tốt trong logic tổng thể của truyện phim, với sự trợ giúp hiệu quả của công nghệ điện ảnh tiên tiến là yếu tố quyết định cho thành bại của một bộ phim.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm