Về nhà đi con: Ba người cha, ba tính cách, nhưng tình yêu thương con là vô hạn
Về Nhà Đi Con ai yêu vào cũng khổ: Từ Nhã Tuesday đến bố Sơn đều không thoát khỏi chữ tình / "Về nhà đi con": Ngã ngửa với thông tin Vũ đi Sài Gòn tìm người yêu cũ sau khi vỡ nợ
Cùng với kịch bản và tuyến nhân vật phong phú , đã khẳng định được vị trí vững chắc của mình trong top những bộ phim truyền hình Việt Nam ăn khách nhất năm 2019. Bộ phim đang là món ăn tinh thần của rất nhiều khán giả vào mỗi buổi tối trên kênh VTV1.
Bên cạnh những tình tiết thú vị của bộ phim xoay quanh cuộc hôn nhân hợp đồng của cặp đôi Thư - Vũ, chuyện tình "tay bốn" của Quốc - Huệ - Dương - Bảo hay cô nàng "tiểu tam" Nhã xuất hiện để trả thù người đàn ông bội bạc Vũ… thì hình ảnh người cha truyền thống như ông Sơn, hiện đại như ông Quốc hay nghiêm khắc nhưng thương con vô bờ bến như ông Luật đã chiếm được nhiều tình cảm của khán giả.
Bố Sơn (NSƯT Trung Anh) - Người cha hiền hậu, yêu thương, thấu hiểu con như một người mẹ
Chủ đề "gà trống nuôi con" không còn quá xa lạ với khán giả truyền hình thông qua các bộ phim như: Khi người đàn ông góa vợ bật khóc, Khi con là nhà… Nhưng chỉ đến Về nhà đi con, chủ đề này mới được thể hiện một cách chân thực, dễ tiếp cận người xem nhất. Điều này đã được NSƯT Trung Anh thể hiện xuất sắc qua vai diễn ông Sơn - một người đàn ông góa vợ, một mình gồng gánh nuôi ba cô con gái Huệ (Thu Quỳnh), Thư (Bảo Thanh), Dương (Bảo Hân). Ông Sơn được xây dựng là một người sống nội tâm, ít thể hiện tình cảm ra ngoài nhưng sâu bên trong lại tràn đầy yêu thương.
Bên ngoài ít nói là vậy nhưng bên trong ông Sơn lại mang trong mình một trái tim ấm áp, yêu thương các con hết lòng. Quá khứ không mấy tốt đẹp của ông đã gián tiếp gây nên cái chết của người vợ ông trong lần "vượt cạn" sinh đứa con gái thứ ba - Ánh Dương (Bảo Hân). Chính vì vậy, từ ấy, ông không ngừng day dứt, hối hận, không chịu tha thứ cho bản thân vì lỗi lầm mà mình gây ra. Ông chỉ còn biết chuộc lại lỗi lầm bằng cách hết lòng yêu thương các con, chăm sóc đến khi các con ông trưởng thành. Ông cũng không quan tâm đến việc tìm hạnh phúc cho riêng mình cho đến khi tuổi đã xế chiều.
Nhiều khán giả đã không khỏi xúc động khi thấy ở đâu đó bóng dáng của bố mình qua nhân vật ông Sơn. Mắng mỏ, thậm chí đánh con mình, nhưng bên trong thì "ruột đau như cắt". Cứ thế, ông đồng hành cùng các con trên hành trình khôn lớn và trưởng thành.
Từ trước đến nay, gia đình được vun đắp lên là nhờ sự hòa hợp giữa sự nghiêm khắc của cha và sự dịu dàng của mẹ nhưng đối với ba cô con gái Huệ, Thư, Dương, tất cả đều một tay ông Sơn nuôi nấng, dạy bảo. Ông Sơn không bênh vực các con khi họ mắc phải sai lầm. Ông quan niệm: "Muốn trách móc người khác, trước hết phải trách mình không đúng đã. Không thể là con gái của bố mà bố có thể bênh vực một cách ngu xuẩn được".
Nghiêm khắc là vậy nhưng sâu thẳm trong người cha tưởng như khô khan, giáo điều ấy lại là một tấm lòng hiền hậu bao dung và vị tha, ấm áp như một người mẹ. Trong những tập phim gần đây, người xem đã thực sự cảm động xúc động trước câu nói xuất sắc nhất của ông Sơn từ đầu phim tới giờ: "Bố chẳng có tài sản gì nhiều ngoài các con… nhưng bố có tình yêu và một ngôi nhà, để các con lúc nào cũng có thể trở về".
Ông Sơn chính là đại diện điển hình cho các ông bố vẻ ngoài cứng nhắc, khô khan nhưng bên trong lại nhân hậu, ấm áp. Cách người bố ấy suy tư, hành động, những cử chỉ và lời nói khiến người xem thật sự rơi nước mắt. Đối với Huệ, Thư, Dương thì ông chính là người xứng đáng được tôn trọng, hiếu thảo nhất.
Bố Luật (NSND Hoàng Dũng) - Nghiêm khắc, cứng rắn như một người thầy
Từng nổi tiếng với câu nói làm dậy sóng cư dân mạng trong bộ phim Người phán xử- Gia đình là thứ tồn tại duy nhất. Tất cả những cái khác, có hay không, không quan trọng, "ông trùm Phan Quân" (NSND Hoàng Dũng) quay trở lại màn ảnh nhỏ với một vai diễn mới. Cũng là một người bố, nhưng ở Về nhà đi con, người bố này có phần điềm đạm hơn.
Bố của Vũ (Quốc Trường) trong phim là một người thành đạt về sự nghiệp, thậm chí có "tên tuổi" trên thương trường. Ông và vợ - bà Giang (Ngân Quỳnh) đã vượt qua khoảng cách giữa hai miền Nam - Bắc để đến với nhau và cùng nhau gây dựng cơ đồ từ hai bàn tay trắng. Ông Luật luôn nghiêm khắc với con cái và cả những người thân của mình.
Ông Luật nghiêm khắc với Vũ không chỉ vì Vũ sẽ là người kế thừa sự nghiệp của gia đình mà còn vì ông Luật muốn Vũ phải biết cách đối nhân xử thế trong cuộc sống. Những gì ông Luật truyền đạt cho con giống như một vị quân sư, một người thầy.
Như mọi ông bố khác, ông Luật luôn mong con trai sống có trách nhiệm với mọi việc mà mình làm, sao cho ra dáng là một người đàn ông trưởng thành. Bằng những câu thoại có phần hơi phũ phàng, thậm chí khó nghe, nhưng đó lại xuất phát từ chính tính cách cương quyết và hơn cả là tình yêu thương con của ông Luật.
Nhiều câu nói của ông dành cho Vũ khiến người nghe thấm thía: "Thứ nhất, không ai cấm con làm ăn với phụ nữ. Thứ hai, không ai cấm con yêu họ. Nhưng lẫn lộn giữa hai cái ấy thì… ngu". Trong mắt người ngoài, Vũ là một anh chàng đẹp trai, sát gái, giàu có, nhưng trong mắt ông Luật, con trai mình lại là một đứa xấu tính xấu nết. Cha mẹ nào cũng vậy, dù con có trưởng thành bao nhiêu đi nữa thì trong mắt họ các con vẫn mãi là những đứa con thơ dại và cần được dạy dỗ, bảo ban.
Cứng rắn là vậy nhưng chúng ta cũng sẽ thấy có những lúc ông Luật phải rơi nước mắt. Đó là khi ông Sơn tới nhà ông Luật xin đón Thư về vì biết Vũ có nhân tình bên ngoài và tiết lộ với các con vợ chồng ông đã biết tới sự tồn tại của bản hợp đồng hôn nhân. Ông Luật van xin con dâu: "Chúng mày có thể không có trách nhiệm với chính bản thân mình, nhưng bố xin, hãy có trách nhiệm với thằng cu Bon hộ bố!". Tình tiết này chứng tỏ ông Luật không phải là một người bố lúc nào cũng chỉ biết trách móc con cái, ẩn sâu trong ông vẫn là nỗi lòng sâu nặng của một người cha thương con, một người ông thương cháu.
Bố Quốc - Trẻ trung, gần gũi, thấu hiểu con trai mình như một người bạn
Cũng giống như ông Sơn, ông Quốc là một người cha có số phận "gà trống nuôi con". Nhưng ở nhân vật này, khán giả sẽ dễ dàng nhận ra có phần khác với ông Sơn.
Quốc trong Về nhà đi conlà một doanh nhân thành đạt, phong độ và đặc biệt là rất ga-lăng với phụ nữ. Nhưng do sai lầm của tuổi trẻ, anh đã trở thành một ông bố đơn thân khi mới 18 tuổi và có một cậu con trai tên Bảo (Quang Anh) - bạn thân của Ánh Dương, con gái út của ông Sơn.
Trong phim, Quốc gần gũi với con trai của mình như một người bạn, không ngần ngại chia sẻ dù là những chuyện nhỏ nhất. Quốc luôn có những định hướng cho con trai mình để giúp Bảo không mắc phải những sai lầm mà ông mắc phải thời trẻ, bằng những lời nói chân thật và gần gũi nhất: "Đàn ông văn minh là phải có một số đồ bảo vệ trong túi, phải luôn chủ động để phòng tránh rủi ro cho mình và bạn gái mình".
Có thể nói, đây là ông bố đơn thân khá tâm lý. Anh có thể chia sẻ với con từ chuyện tán gái, giáo dục giới tính cho tới việc cư xử trong cuộc sống sao cho đúng mực. Có thể so với những ông bố khác thì độ tuổi của Quốc là khá trẻ nên việc tiếp cận và chia sẻ với con về những chuyện đó không phải là một điều quá khó.
Ba ông bố trong Về nhà đi con là ba tính cách, ba cách dạy con nhưng tựu chung lại vẫn họ đều có tình yêu thương con, mong muốn những gì hạnh phúc nhất sẽ đến với con mình. Khi theo dõi bộ phim Về nhà đi con, mỗi người chúng ta sẽ thấy đâu đó thấp thoáng hình ảnh người bố của mình trong 3 nhân vật bố Sơn, bố Luật và bố Quốc. Chính sự gần gũi, chân thật của các nhân vật trong phim đã tạo nên "cơn sốt" choVề nhà đi con.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Ba ông bố trong phim Về nhà đi con