Văn hóa

Vĩnh Long: Xây dựng, bảo tồn “Vương quốc lò gạch” Mang Thít thành di sản đương đại

DNVN - Nhằm tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả, bảo đảm đúng tiến độ Đề án Di sản đương đại Mang Thít, UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án Di sản đương đại Mang Thít.

Vĩnh Long đón hơn 1.100 công dân từ TP Hồ Chí Minh / Vĩnh Long: Hàng trăm người chen lấn tiêm vaccine ngừa COVID-19

Đề án do ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long làm Trưởng ban chỉ đạo; Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Quyên Thanh làm Phó ban; ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Phó Trưởng ban thường trực cùng các Ủy viên là lãnh đạo các Sở, ngành của tỉnh.

Trước đó, ngày 20/12/2021, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt “Đề án Di sản đương đại Mang Thít” với mục tiêu chung là bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành một vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm quốc tế, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của địa phương và của quốc gia trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa về hệ sinh thái địa phương.

Khu lò gạch, gốm thuộc các xã Mỹ An, Mỹ Phước nhìn từ trên cao.

Khu lò gạch, gốm thuộc các xã Mỹ An, Mỹ Phước.

Đề án cũng nhằm tạo điểm đến hấp dẫn về du lịch với chất lượng hàng đầu cả 3 khía cạnh về điểm tham quan, trải nghiệm, ăn nghỉ, lữ hành, kết nối, lan tỏa tác động tới các khu du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận tạo mối liên kết, cộng hưởng bền vững.

Việc xây dựng đề án sẽ góp phần nâng cao vị thế, tiếng vang cho địa phương, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trong lộ trình phát triển bền vững và hấp dẫn du lịch bằng sự “ lột xác” qua giá trị di sản cũ sang một sự chuyển đổi sáng tạo hài hòa với tính chất đương đại.

Ảnh: Các khu lò gạch, gốm thuộc các xã Mỹ An, Mỹ Phước … là vùng trung tâm lõi di sản sẽ được bảo tồn, phát triển để trở thành vùng Di sản đương đại Mang Thít.

Các khu lò gạch, gốm thuộc các xã Mỹ An, Mỹ Phước … là vùng trung tâm lõi di sản sẽ được bảo tồn, phát triển để trở thành vùng Di sản đương đại Mang Thít.

Dự án được triển khai đi và hoạt động sẽ tạo tiền đề và hình mẫu cho các dự án đầu tư tại địa phương trên nguyên tắc lấy hệ sinh thái và văn hóa bản địa làm chân đế cho phát triển bền vững. giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.

Đề án bao gồm toàn bộ vùng di sản (hơn 3 ngàn héc ta) thuộc 4: xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh và một phần vùng đệm di sản (khoảng 5 ngàn héc ta) thuộc 2 xã An Phước và Chánh An, huyện Mang Thít.

Đối tượng chính của đề án được bảo tồn và phát huy giá trị là các khu lò gạch, trong đó, khu lò gạch gốm Mang Thít chính là một di sản về phương thức sản xuất và công cụ sản xuất rất độc đáo, là sự kết hợp giao thoa văn hóa Khmer, Kinh và Hoa. Đây cũng chính là giá trị cốt lõi của khu di sản.

Đối tượng của đề án còn bao gồm người dân trong phạm vi đề án, cụ thể là các chủ các lò gạch thực hiện chuyển đổi sinh kế kết hợp với việc bảo tồn và phát huy giá trị các lò gạch, giảm thiểu tối đa việc di dời dân mà hướng tới tái định cư tại chỗ và gắn bó với địa phương.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, nhiệm vụ trước mắt là dừng phá dỡ các lò gạch hiện trạng, bảo vệ nguyên trạng và phát triển văn hóa, nghệ thuật, du lịch, dịch vụ dựa trên khối di sản lò gạch và nhà xưởng; Lập quy hoạch tổng thể định hướng cho toàn bộ vùng Di sản gồm vùng đệm, vùng lõi và vùng trung tâm lõi di sản; xây dựng các kế hoạch, chương trình đầu tư, tài trợ, hợp tác phát triển của chính quyền, các nhà đầu tư nhằm phục hồi và chuyển đổi công năng của hệ thống lò gạch thành một vùng Di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế; hướng tới đề nghị UNESCO công nhận sáng kiến di sản đương đại trong bối cảnh mới.

Cùng với đó là công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn lò gạch, dừng phá bỏ, xây dựng chính sách hỗ trợ người bảo tồn, duy tu lò gạch nằm trong vùng di sản; xây dựng chính sách xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ xây dựng đầu tư một số mô hình điểm như cụm lưu trú, dịch vụ homestay, xưởng nghệ thuật, nhà hàng, quán ăn, địa điểm triển lãm sự kiện, mô hình trình diễn nghệ thuật… Thực hiện đầu tư một số dự án hạ tầng cơ bản như bến tàu, nạo vét một số tuyến kênh rạch, khu đón tiếp, khu triển lãm…

Đề án Di sản đương đại Mang Thít sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2020 đến 2025, tầm nhìn năm 2030 với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, trong đó, năm 2021, đầu tư khoảng 690 triệu đồng cho công tác lập đề án, lập nhiệm vụ quy hoạch và đấu thầu tư vấn lập quy hoạch, phần lớn ngân sách còn lại sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2022-2025.

UBND tỉnh Vĩnh Long đã giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan của tỉnh để triển khai thực hiện Đề án.

Được biết, vào ngày 21/3 tới, UBND tỉnh Vĩnh Long sẽ chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện Đề án về công tác triển khai, tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Di sản đương đại Mang Thít.

Hòa Minh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm