Vụ ca sĩ Hàn tự tử: 'Ném đá hội đồng' và bi kịch tiềm ẩn với nghệ sĩ Việt
Đằng sau ánh hào quang
Trở nên nổi tiếng là giấc mơ của nhiều nghệ sĩ. Nhưng phía sau hào quang là những áp lực vô hình luôn bám riết, khiến họ phải vật lộn với cuộc sống tinh thần mà không phải ai cũng biết. Sau nhiều năm hoạt động nghệ thuật, Hồ Quang Hiếu từng đúc rút một câu đầy suy ngẫm: "Cuộc đời nghệ sĩ đôi khi giống như con vịt đang bơi trên nước vậy. Người ta chỉ thấy phía trên lưng con vịt nổi lên như vậy thôi nhưng đâu có biết dưới chân nó phải đạp liên tục thì mới giữ được thăng bằng".
Trường hợp nữ ca sĩ Hàn Quốc Sulli được phát hiện treo cổ tự tử tại nhà riêng mới đây khiến dư luận khắp châu Á bàng hoàng. Thế nhưng Sulli không phải là trường hợp duy nhất lựa chọn cách tiêu cực này sau khi không chống đỡ nổi áp lực dư luận.
Tháng 12/2017, fan Kpop đau lòng khi nam ca sĩ Jonghyun – thành viên ban nhạc SHINee tự tử tại nhà riêng. Trước đó, tháng 8/2011, nữ diễn viên Chae Won cũng tự sát do bệnh trầm cảm từ năm 2007; tháng 6/2010, Park Yong Ha treo cổ bằng dây cáp điện thoại; tháng 10/2008, Choi Jin Sil treo cổ trong buồng tắm bằng sợi dây cao su...
Ở Việt Nam rất may mắn chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra song áp lực dư luận là điều không ngành giải trí nào không có. Không ít lần các sao Việt tiết lộ họ muốn tạm dừng hoặc giải nghệ, thậm chí đã từng có ý định "đi xa" hơn: định tự tử, chấm dứt cuộc đời vì không chịu nổi áp lực công việc, áp lực dư luận.
Từ một ca sĩ underground, Sơn Tùng M-TP trở thành hiện tượng âm nhạc, rồi thành thần tượng của giới trẻ. Người yêu mến Sơn Tùng nhiều thì lượng anti cũng không ít. Sơn Tùng luôn phải đối mặt với những bình luận tiêu cực từ mạng xã hội. Trong một buổi fanmeeting, Sơn Tùng chia sẻ khi đọc những bình luận không hay của các antifan anh đã rất buồn và thất vọng, không biết phải tiếp tục thế nào khiến từng có ý định nhảy lầu tự tử.
Nhưng nhờ ý chí của bản thân, Sơn Tùng đã tự vực lại tinh thần để có được thành công như hiện tại. Nam ca sĩ từng có một câu nói nổi tiếng được đúc rút từ chính những cay đắng mà anh đã phải trải qua để có được thành công: "Muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được, phải chịu đựng những cảm giác không ai chịu được".
Ngoài Sơn Tùng, nghệ sĩ gạo cội của showbiz như NSƯT Thành Lộc cũng từng có ý định liều lĩnh như thế. Nghệ sĩ Thành Lộc từng chia sẻ, đã có thời điểm anh nản lòng và có ý định tự tử vì bị đổ vỡ niềm tin, cảm thấy hình như đôi khi mình hy sinh cho điều gì đó không có thật, từ đó bị mất đi lý tưởng sống.
Là một ca sĩ trẻ, bước lên sân khấu sáng ánh đèn từ khi còn rất sớm, Hương Tràm rơi vào tình trạng trầm cảm, tự bóc tay đến chảy máu. Nữ ca sĩ chia sẻ cô bị mất cân bằng cuộc sống, thường xuyên mất ngủ phải dùng thuốc an thần suốt 5 năm. Đồng thời rơi vào tình trạng trầm cảm, cô đơn, đỉnh điểm tự bóc tay mình đến chảy máu. Vì thế, sau 6 năm hoạt động trong showbiz Việt, mới đây, Hương Tràm đã tuyên bố chính thức tạm dừng sự nghiệp ca hát để du học Mỹ, chữa lành vết thương và học cách cân bằng lại cuộc sống.
Trong khi đó, vai Nương trong "Cánh đồng bất tận", Ninh Dương Lan Ngọc xây dựng cho bản thân một cái bóng quá lớn mà chính cô cũng không thể vượt qua. Sau khi nhận nhiều giải thưởng danh giá, cô vướng không ít thị phi, nhất là tin đồn làm gái, mua giải. Nữ diễn viên chia sẻ thời điểm đó cô chịu không được giác ngày nào đi học mọi người cũng nhìn mình bằng ánh mắt kỳ thị, nghi ngờ.
Suốt 2 năm, Ninh Dương Lan Ngọc nhốt mình ở nhà, bỏ ăn, ngại giao tiếp vì sợ. Nhận được lời mời phim cũng sợ làm xong sẽ bị chửi. Cô sụt đến 14 kg và mất phương hướng trong nghề nghiệp, thậm chí quyết tâm bỏ nghề để sống lại một cách bình thường.
Nhưng mọi việc thay đổi khi cô quyết bước ra khỏi bóng tối, sự sợ hãi và nhận lời sang Hàn Quốc quay phim. Lúc này cảm hứng nghề nghiệp trở lại, Lan Ngọc mới có thành công như hiện nay.
Áp lực vô hình là bi kịch thời công nghệ?
Chia sẻ quan điểm về vấn đề trầm cảm dưới áp lực dư luận, chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn cho rằng, không phủ nhận hiện nay nhiều người cứ theo tâm lý đám đông mà hùa vào "ném đá", ném rào rào bất cứ thứ gì họ có mà không nghĩ đến hậu quả. Mạng xã hội là ảo nhưng hậu quả là thật.
"Tuy nhiên, tôi không có ý định ném đá lại đám đông mà chỉ có lời khuyên dành cho những người bị ném là: "chó sủa đường ta ta cứ đi". Có một câu rất hay thế này, trong cuộc hành trình tiến lên phía trước bạn sẽ chẳng đến được đích nếu mỗi bước chân lại dừng lại chửi nhau với một con chó đang sủa. Việc ai người nấy làm.
Mấy cái trò ném đá cũng chỉ là trào lưu rộ lên vài ba ngày rồi sẽ tự lắng. Hãy trở nên cứng cỏi trước bão tố phong ba chứ không thể bắt phong ba đừng bão tố. Người bị "hành" lâu rồi tự khắc sẽ sinh ra đề kháng, không đá nào ném nổi. Vì thế người trong cuộc có bản lĩnh là quan trọng nhất".
Đánh giá về căn bệnh trầm cảm trong xã hội hiện nay, chuyên gia tâm lý giải thích: "Có thể hiểu đơn giản là thời nào cũng có người trầm cảm nhưng vấn đề là nặng - nhẹ khác nhau. Trầm cảm có thể hiểu đơn giản là một người phải chịu áp lực nào đó nhưng không cố được nữa thì quỵ xuống. Giống như lúc đầu gồng lên gánh mấy chục cân nhưng không cố được nữa thì khụy xuống cái gánh đè lên mình. Bệnh xuất phát từ cuộc sống mà không chống đỡ nổi. Những người có ý chí, nghị lực, có lập trường sẽ không bị rơi vào tình trạng đó. Mà vốn yếu đuối, sống nhạy cảm, để ý bên ngoài nhiều và kiệt sức".
Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn nhấn mạnh, càng nghệ sĩ thì càng dễ bị mắc trầm cảm. Vì sao? Có lẽ vốn họ làm nghệ thuật nên đã rất nhạy cảm với mọi vấn đề. Hơn nữa, nghệ sĩ sống bằng hình ảnh nên khi bị bôi xấu, bị ảnh hưởng thì họ lo lắng, dễ tổn thương hơn người thường.
Sống bằng sự nổi tiếng nên chịu áp lực từ sự nổi tiếng ấy. Chứ nếu họ chấp nhận buông bỏ chả nổi tiếng nữa, về làm người thường sống tự do thì vô lo, vô nghĩ. Trót ở trên cao thì bị ném đá dễ hơn là cứ là là mặt đất. Đó là điều tất yếu. Vậy nên sống với nghệ thuật là cần bản lĩnh".
Như trong một số trường hợp đáng tiếc xảy ra khi nghệ sĩ buộc phải tìm đến cách giải thoát tiêu cực nhiều ý kiến cho rằng những bình luận ác ý đã gián tiếp gây nên. Đặt câu hỏi rằng việc dư luận dễ dàng "ném đá hội đồng" khi nghệ sĩ mắc lỗi có phải bi kịch thời công nghệ? Chuyên gia Đinh Đoàn lý giải: "Chẳng có bi kịch nào ở đây cả. Cái gì cũng có 2 mặt: trái và phải. Hiểu đơn giản là, tiền ai cũng cần nhưng nhiều người cũng chết vì tiền. Song có phải thấy người ta chết mà từ bỏ tiền đâu.
Bao nhiêu cái lợi từ công nghệ rồi thì cũng phải có hại chứ. Người khôn, tỉnh táo chỉ tận dụng, phát triển cái lợi, không tiếp nhận hoặc hạn chế cái hại. Thời nào cũng thế. Công nghệ hay không công nghệ cũng thế. Vấn đề nằm ở bản thân, ý chí mỗi người. Đừng tự áp lực cho bản thân rồi hơi một chút là nghĩ tiêu cực".
Ông Đinh Đoàn chỉ ra rằng: "Tất nhiên chuyện "ném đá" của các anh hùng bàn phím là đáng lên án. Nhưng bấy lâu nay lên án nhiều nhưng chưa có thay đổi. Những gì vi phạm pháp luật sẽ được điều chỉnh bằng pháp luật, bằng Luật an ninh mạng. Còn cứ kêu gào, nhắc nhở, cảnh cáo đừng "cào" bàn phím, đừng ném đá thì lại càng kích thích những "anh hùng bàn phím" ném dữ dội hơn. Hiệu ứng đám đông mà. Đến nay có lẽ đây vẫn là vấn đề nan giải!"
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đàm Vĩnh Hưng chính thức lên tiếng về vụ kiện ồn ào với tỷ phú Mỹ, tuyên bố 1 câu cứng rắn
Hé lộ tình hình cuộc sống ở Mỹ của Đàm Vĩnh Hưng sau lệnh cấm diễn 9 tháng và bị tỷ phú kiện
Quỳnh Dao từng thẳng thừng nhận xét Phạm Băng Băng 'sẽ mãi là hầu gái', nhìn bức ảnh 3 mỹ nhân 'Hoàn Châu Cách Cách' là thấy rõ
Trần Quán Hy hé lộ quá khứ đen tối của Angelababy? Cư dân mạng: Thật sự xót xa cho Huỳnh Hiểu Minh
'Nữ hoàng phim Trung Quốc' Trần Xung đi rửa bát ở nhà hàng Mỹ
Phim điện ảnh “Kính vạn hoa” là câu chuyện vượt thời gian, kết nối mọi lứa tuổi