Y Lâm Đăng Bing – Từ “đạo diễn” làng đến phim ngắn “triệu like”
Hoa hậu Việt - Gian nan và cạm bẫy: Nằm trong tầm ngắm của đại gia / Những nụ hôn gây sốt do các sao 'tự biên, tự diễn'
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người gọi Đăng Bing là “Đam San thời hiện đại”, bởi anh chính là người níu giữ nét đẹp văn hoá Tây Nguyên, đưa mọi người trở về với nguồn cội, về với những huyền thoại, sử thi đậm đà bản sắc và giàu ý nghĩa nhân văn qua những tác phẩm nghệ thuật của mình.
“Đạo diễn”... làng
Sinh ra và lớn lên bên hồ Lắk (Đắk Lắk) hiền hoà, thơ mộng, bên những cánh rừng già hùng vĩ; được đắm mình với những câu chuyện sử thi hào hùng trong những đêm trăng thanh gió mát, bập bùng ánh lửa, bên mái nhà sàn của đồng bào M’Nông; đã hun đúc nên tâm hồn nghệ sĩ, tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc trong trái tim Đăng Bing.
Ngay từ thuở bé, ngoài giờ đến lớp, lên nương, lên rẫy phụ cha mẹ trỉa bắp, hái măng, lấy củi…, Y Lâm đã biết khắc ghi những câu chuyện sử thi đậm chất anh hùng ca để viết tiếp bằng trí tưởng tượng của mình và rủ lũ bạn trong buôn làng “hoá thân” thành các nhân vật và lời thoại do mình “sáng tạo” ra.
Chàng đạo diễn trẻ của núi rừng Tây Nguyên
Ước mơ cháy bỏng của cậu bé người dân tộc M’Nông lúc ấy là làm sao “chuyển thể” những câu chuyện huyền thoại mình được nghe thành những thước phim đầy hình ảnh, màu sắc để có thể “mang đi” khắp nơi cho bạn bè mình cùng xem.
Niềm mơ ước ấy cứ ấp ủ, nhen nhóm và lớn dần theo thời gian. Lên cấp 3, Đăng Bing bắt đầu tập tành làm phim, viết kịch bản, nhờ bạn bè, người thân, lũ trẻ con trong buôn làng làm diễn viên, quay bằng điện thoại để dựng thành những đoạn phim ngắn nhằm thoả sức sáng tạo, đem đến món quà tinh thần giúp mang lại tiếng cười hạnh phúc, ấm áp cho đồng bào quê mình thưởng thức sau những giờ làm việc mệt mỏi.
Tốt nghiệp cấp 3, “đạo diễn” làng làm hồ sơ thi vào Trường Đại học sân khấu TP. Hồ Chí Minh nhưng bị cha một mực phản đối. Bởi theo ông, ở buôn làng thì đạo diễn ai(?) Chiều ý cha, Y Lâm theo học ngành Quản lý đất đai (Trường Đại học Tây Nguyên) trong sự tiếc nuối.
“Bén duyên” với nghề
Như một “cơ duyên”, năm 2013, Y Lâm tình cờ biết đến cuộc thi làm phim ngắn “Tôi yêu nước sạch” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nên đã thôi thúc anh tham gia với tất cả niềm đam mê cháy bỏng của mình.
Anh thể hiện thành công chủ đề “Một ngày không có nước sạch” bằng một đoạn phim dài 2 phút quay bằng máy ảnh du lịch. Anh vượt qua nhiều nhà làm phim chuyên nghiệp dự giải, nhờý tưởng sáng tạo, đầy bản sắc buôn làng. Hình ảnh người cha đau ốm, khắc khoải trong cơn khát, đứa con băng rừng vượt núi, mòn mỏi chờ từng giọt nước. Trong khi nhiều người lại đang dùng nước hoang phí đã chạm đến tâm khảm người xem.
Chàng đạo diễn trẻ luôn đau đáu với văn hoá truyền thống Tây Nguyên
Y Lâm đoạt giải Nhất cuộc thi. Anh chứng minh cho gia đình thấy ước mơ làm đạo diễn của mình là thực tế, không hề viển vông. Đây cũng là “bước ngoặt” khẳng định “ngọn lửa” đam mê, khao khát làm phim vẫn âm ỉ cháy trong trái tim anh.
Nhờ sự động viên của bạn bè, người thân, anh đã “khăn gói” xuống TP. Hồ Chí Minh để học làm phim. Ròng rã gần 3 năm trời, anh rong ruổi theo các đoàn làm phim để học hỏi kinh nghiệm, cọ xát thực tế, kết hợp tìm hiểu, nâng cao kiến thức về điện ảnh cũng như văn hoá Tây Nguyên để tích luỹ “vốn nghề” cần thiết, góp phần nuôi dưỡng và biến ước mơ thành hiện thực.
Phim ngắn “triệu like” đậm chất Tây Nguyên
Ở tuổi 26, chàng thanh niên Đăng Bing vẫn đau đáu một niềm khắc khoải là làm sao giữ gìn, phát huy truyền thống, phong tục tập quán đậm đà bản sắc dân tộc M’Nông nói riêng và đồng bào Tây Nguyên nói chung đến đông đảo bạn bè gần xa trên khắp mọi miền Tổ quốc, thông qua những thước phim sống động nhất.
Đến nay, Y Lâm đã có trên 50 phim ngắn, MV về văn hoá các dân tộc Tây Nguyên như: M’Nông, Ê Đê, K’ho, Ja Rai… độc đáo, mới mẻ, hấp dẫn bao người! Cách dựng nhà sàn dài, làm cối giã, đan gùi, đến dệt chiếu, tạc tượng nhà mồ… được anh tái hiện rõ nét, sinh động trên từng thước phim và truyền tải trên các trang mạng xã hội để đưa văn hóa Tây Nguyên vượt khỏi buôn làng.
Trăn trở, tìm hiểu những nét văn hoá núi rừng
Y Lâm chia sẻ, để bồi đắp thêm vốn văn hoá Tây Nguyên đa dạng, phong phú, tôi phải đến khắp các buôn làng để cùng ăn, cùng ở, trải nghiệm với họ. Tôi đến tận nơi để gặp các nghệ nhân làm ra cây đàng Chapi, nghe họ kể những “truyền thuyết” về loại nhạc cụ dân tộc này cũng như cách thức chơi đàn. Tìm hiểu văn hoá là một quá trình dày công ghi nhận từ nhiều nguồn để tổng hợp, so sánh, đối chiếu, chọn lọc thông tin chính xác nhất.
Cũng theo đạo diễn trẻ này, hiện nay, nhiều bạn trẻ lơ là, không mấy mặn mà với văn hoá truyền thống, nhất là của các dân tộc thiểu số. Thậm chí nhiều bạn người đồng bào không biết chơi cồng chiêng, không biết giá trị nhân văn của nhà sàn… Do đó, tôi muốn bằng cách này hay cách khác quảng bá nét đẹp quê hương, đồng bào dân tộc mình đến gần hơn với giới trẻ. Đó cũng là lý do vì sao trong các tác phẩm phim, MV của tôi luôn có sự kết hợp tinh tế, hài hoà giữa yếu tố sử thi, truyền thống và yếu tố hiện đại.
Đặc biệt, trong các phim hài ngắn gần đây nhất là “Thanh niên không tiền” và “Biệt đội chuối” 1, 2 đã tạo nên “tiếng vang” lớn, với sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng mạng, thu hút hàng triệu lượt xem.
Những diễn viên "cây nhà lá vườn" luôn đồng hành cùng Y Lâm Đăng Bing
Dựa trên những chất liệu “cây nhà lá vườn”, những hình ảnh, trang phục gần gũi với đồng bào Tây Nguyên, kết hợp dàn diễn viên gần chục người là những thanh niên sinh ra và lớn lên từ buôn làng, cùng sự góp mặt của 2 gương mặt nghệ sĩ tài năng là Y Dân (người M’Nông, tỉnh Đắk Nông) và Đoát Đagout (dân tộc Lạch, tỉnh Lâm Đồng) đã kết nối những trái tim âm nhạc, yêu nghệ thuật đến gần với nhau hơn.
Nếu có dịp thưởng thức các tác phẩm của Y Lâm, chúng ta đều cảm nhận được hầu hết các thước phim, MV đều có sự đầu tư chỉn chu, bài bàn, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu tính nghệ thuật, pha chút yếu tố giải trí hài hước nhưng có chiều sâu, tròn trịa, làm lay động trái tim người xem.
Lý giải về điều này, Đăng Bing nói, đó là xu hướng tất yếu để duy trì đam mê và đưa các tác phẩm của mình đến đông đảo khán giả, nhất là giới trẻ. Bởi khán giả Việt Nam đang rất thích xem hài, nên tôi cũng phải cân nhắc để kết hợp hài hoà, tinh tế nhất.
Chia sẻ về dự định sắp tới, đạo diễn trẻ cho hay, anh và ê-kip sẽ cố gắng nỗ lực hết mình để sáng tạo ra những tác phẩm hấp dẫn và ý nghĩa hơn nữa để góp phần đưa những nét đẹp văn hoá Tây Nguyên vượt ra khỏi buôn làng, vươn xa khắp mọi miền.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Quỳnh Nga xuất sắc trở thành Nữ hoàng Bước nhảy hoàn vũ 2024
Động thái đáng chú ý của Phạm Hương giữa tin đồn rạn nứt với chồng đại gia
Vợ chồng Bình An gặp sự cố ‘dở khóc dở cười’ ngày cuối năm, CĐM bình luận ‘kiếp nạn vẫn chưa hết’
Hành trình rực rỡ của Hoàng Yến Chibi tại "Chị đẹp đạp gió 2024"
Nữ ca sĩ nổi tiếng bị ‘yêu râu xanh’ sàm sỡ ngay giữa chốn công cộng, bị ám ảnh tâm lý nhiều năm
Hai chương trình nổi bật của Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng mừng xuân Ất Tỵ 2025