Văn hóa

Về An Giang dạo chơi "Tuyệt tình cốc", thưởng thức gà đốt Ô Thum

Đó là một trải nghiệm rất thú vị khi đến vùng Bảy Núi - An Giang. Được tự mình khám phá cảnh đẹp thiên nhiên, lưu lại những bức ảnh ấn tượng, thưởng thức những món ngon đặc sắc của người dân địa phương, cảm giác lưu luyến như còn vương vấn mãi.

Món gà đốt trứ danh

Sau khi hồ Ô Thum (xã Ô Lâm, Tri Tôn, An Giang) được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng, món gà đốt Ô Thum trở nên nổi tiếng và thu hút du khách không thua gì cảnh đẹp của hồ. Ban đầu, chỉ có một quán chuyên về món ăn này, sau thấy nhu cầu của du khách không đáp ứng kịp, người dân địa phương đã mở thêm nhiều quán phục vụ.

Điểm hấp dẫn của món ăn có nguồn gốc từ Campuchia này là con gà sau đốt chín, da chuyển sang màu vàng hấp dẫn, các nguyên liệu thấm đều vào thịt gà, món ăn vừa giữ được vị ngọt tự nhiên, vừa hòa quyện mùi thơm đặc trưng của lá chúc và sả. Gắp từng miếng thịt gà chấm vào chén muối ớt chanh hoặc nước mắm làm, ăn kèm gỏi bắp chuối hột và rau răm thì hương vị như còn đọng lại hoài nơi đầu lưỡi.

Từ trung tâm thị trấn Tri Tôn, du khách có thể chọn lưu thông qua tuyến đường Nguyễn Trãi, đi theo tuyến đường nhựa vòng quanh chân núi về hướng xã Ô Lâm, ghé qua Khu du lịch đồi Tức Dụp. Sau khi tham quan ở ngọn đồi từng gắn với chiến công oai hùng của quân - dân An Giang trong kháng chiến chống Mỹ, du khách đi thêm khoảng 500m nữa về hướng xã Cô Tô, sẽ thấy tuyến đường nhựa dẫn vào núi phía tay trái, lần theo tuyến đường này sẽ ra hồ Ô Thum.

Đặc sản gà đốt ngon trứ danh vùng Bảy Núi (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang).

Mục đích xây hồ là nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần trữ nước phục vụ sản xuất và phòng, chống cháy rừng. Tuy nhiên, do hồ nằm dưới chân núi Cô Tô (Phụng Hoàng sơn), tạo thành một cảnh đẹp tĩnh lặng giữa núi rừng nên thu hút những người yêu thích thiên nhiên. Trong lòng hồ có một gò đất khá cao so với mặt nước, nhìn giống như một ốc đảo thu nhỏ.

Người dân địa phương đã làm một cây cầu gỗ nối liền 2 bờ để qua lại, vô tình lại làm tăng lên vẻ đẹp của núi đồi. Sau khi thỏa sức ngắm cảnh, chụp hình, dạo mát dọc theo bờ hồ, du khách có thể thưởng thức món gà đốt trứ danh ở cuối con đường. Đó là một trải nghiệm rất thú vị, khó quên.

Bí quyết không giấu giếm

Học hỏi món gà đốt gia truyền từ những người bà con ở Campuchia, anh Chau Siêu (ấp Phước Bình, xã Ô Lâm) quyết định đầu tư mở quán “Siêu gà đốt” ở khu vực hồ Ô Thum. Nhờ thức ăn ngon, phục vụ ân cần, chu đáo nên quán luôn có đông khách.

“Hầu hết những người đến đây đều lưu lại số điện thoại, khi muốn ăn gà đốt thì gọi đặt trước, hẹn giờ ghé quán để khỏi phải chờ đợi lâu vì món này từ giai đoạn làm gà, ướp gia vị đến đốt chín cũng mất cả tiếng đồng hồ” - anh Chau Siêu chia sẻ.

 

Dù là đặc sản, được chế biến công phu nhưng món gà đốt Ô Thum có giá bình dân. Anh Siêu cho biết, tùy theo trọng lượng gà lớn nhỏ mà có giá từ 180.000 - 250.000 đồng/con, chỉ những con gà đặc biệt lớn mới có giá trên 300.000 đồng/con. Để có món gà đốt ngon, phải chọn loại gà thả vườn trên đồi núi, làm thịt tại chỗ.

Gà sau khi làm sạch sẽ được ướp cùng các nguyên liệu như: Sả, ớt, lá chúc, tỏi... và để ngấm gia vị trong khoảng 30 phút. Sau đó, đầu bếp quét một ít dầu lên da gà, xếp thêm một lớp sả, lá chúc dưới đáy nồi rồi đặt gà vào nồi, đậy kín nắp, đốt từ 15-20 phút.

“Để làm gà đốt ngon nhất, nên chọn loại gà khoảng 1,3-1,6kg. Khi đốt gà, lúc đầu nên để lửa lớn, sau đó để lửa nhỏ cho gà thấm đều gia vị” - anh Siêu không giấu giếm “bí quyết”.

Hấp dẫn hồ Tà Pạ được mệnh danh như "Tuyệt tình cốc" ở An Giang.

Món gà đốt sau khi chín có màu vàng ươm, thơm lừng mùi lá chúc và sả. Từng miếng gà thấm đều gia vị, khi chạm vào vừa cảm nhận được vị ngọt tự nhiên của thịt gà trên đầu lưỡi, vừa cảm nhận được hương vị đặc trưng khó quên. Món gà đốt như làm cho cảnh sắc hồ Ô Thum về chiều thêm lãng mạn…

Hiện nay, khi mùa mưa bước vào cao điểm, hồ Ô Thum cũng như những hồ khác ở vùng Bảy Núi như: Soài So, Soài Chek, Tà Pạ, Ô Tà Sóc (Tri Tôn), Ô Tức Sa, Thủy Liêm, Thanh Long (Tịnh Biên) đang vào giai đoạn tích nước. Do diện tích hồ lớn nên khi đầy nước, mặt hồ trông rộng mênh mông ngay giữa núi rừng. Ở sườn Đông núi Cô Tô, hồ Soài So mang vẻ đẹp hoang sơ, nước hồ quanh năm xanh biếc và phẳng lặng.

 

Cách đó không xa, hồ Soài Chek nằm dưới thung lũng đồi Tà Pạ và Phụng Hoàng Sơn, tạo thêm điểm nhấn đặc biệt. Gần thị trấn Tri Tôn, hồ Tà Pạ là một điểm giải trí hấp dẫn. Xung quanh các hồ trên núi Cô Tô, đồi Tà Pạ, núi Dài là các quán ăn với những món ngon đặc thù của đồng bào Khmer như: ếch nướng mọi, gà leo núi, bò xào lá vang, bún bò viên, lẩu xiêm-lo…

Đối với hồ Thủy Liêm và Thanh Long trên núi Cấm, có nhiều món ăn ngon nhưng để dấu ấn đặc biệt nhất cho du khách là món bánh xèo ăn kèm rau rừng thiên nhiên, đáp ứng tiêu chí “ngon, bổ, rẻ”.

Nên đọc
Theo Báo An Giang
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo