Về Bến Tre thưởng thức món hủ tiếu "độc nhất vô nhị"
Người Bến Tre rất ưa hủ tiếu, ưa hơn bất cứ người dân ở miền Tây nào mà tôi biết. Ở đây người ta có thể ăn hủ tiếu tối ngày, từ hủ tiếu chay, hủ tiếu bò viên, hủ tiếu xương heo đến hủ tiếu thập cẩm… Và cũng duy chỉ có ở Bến Tre mới có món hủ tiếu không đụng hàng: Hủ tiếu patê.
Pa tê ở đây không phải là loại pa tê gan dùng để phết lên mặt trong bánh mì mà mọi người thường gọi. Pa tê theo cách gọi của người Bến Tre thực chất là một loại “chả” rất đặc biệt: Dai giòn sần sật, thơm tho beo béo mà người dân xứ dừa hay làm thủ công đãi trong các bữa tiệc, chung với nhiều loại “đồ nguội” khác. Thành phần của “chả” gồm có lưỡi heo, da đầu, thịt nạc, da heo, mỡ, tiêu hạt, các loại gia vị và được pha trộn với công thức bí truyền nào đó để đạt đến độ dai mà không bở nát, có mùi thơm đặc trưng, ăn hoài không ngán, bó chặt thành từng đòn như bánh tét.
Pa tê theo cách gọi của người Bến Tre là một loại chả, được làm từ thịt, da heo, bó chặt thành từng đòn như bánh tét.
Trong các dịp đám tiệc ở địa phương, pa tê thịt heo được xắt thành từng lát mỏng, xếp chung với chả lụa, chả da đầu heo, nem chua và ít bánh phồng tôm để làm nên một món riêng mà người quê gọi là “đồ nguội”. Ngoài ra, đây là nguyên liệu chính làm nên món hủ tiếu pa tê mà người Bến Tre đi đâu cũng thèm, cũng nhớ.
Hủ tiếu pa tê là một trong bốn loại hủ tiếu được người dân xứ dừa đặc biệt ưa chuộng (ba loại còn lại là hủ tiếu chay, hủ tiếu bò viên và hủ tiếu mực) và tôi đoan chắc rằng, chỉ ở Bến Tre mới có loại hủ tiếu này. Hủ tiếu Bến Tre nói chung và hủ tiếu pa tê nói riêng khác với hủ tiếu Sài Gòn trước hết ở sợi bánh. Sợi hủ tiếu khô và dai, khi có khách gọi chủ quán mới thoăn thoắt kéo lấy một vắt cỡ nắm tay, trụng sơ trong nước sôi chừng một phút cho nở mềm vừa ăn rồi mới cho ra tô.
Sự khác biệt của hủ tiếu pa tê nằm vỏn vẹn trong ba bốn lát pa tê xắt góc tư xếp gọn gàng trên mặt tô. Nước dùng có ngọt đến mấy, sợi bánh có dai đến mấy mà miếng pa tê không vừa miệng thì coi như thất bại. Cái ngon của hủ tiếu pa tê chính là sự hòa quyện giữa các thành phần, để thực khách phải vừa xì xụp húp muỗng nước lèo thơm ngọt, vừa hít hà cắn miếng pa tê dai dai, giòn giòn mới chấm vào dĩa nước mắm trong dầm ớt.
Một tô hủ tiếu với ba hoặc bốn lát pa tê đối với nhiều người dường như chưa “tới”, ăn đến miếng pa tê cuối cùng rồi mà còn cảm giác thòm thèm nên kêu thêm vài lát chả không đem về nhà. Đặc biệt, nhà nào có trẻ con thì mấy lát pa tê chính là món ăn vặt ưa thích của chúng.
Trước đây hủ tiếu pa tê chỉ đơn thuần có hủ tiếu và pa tê, thỉnh thoảng có thêm vài lát thịt nạc. Nhưng ngày nay, để nồi nước dùng thêm đậm đà và cũng để thực khách có nhiều sự lựa chọn hơn, người ta có pa tê đi kèm với lồng, chủ yếu là tim, gan, bao tử và phèo non. Một tô hủ tiếu pa tê với đầy đủ tất cả các nguyên liệu ấy giá chỉ từ 25.000-30.000 đồng.
Hủ tiếu pa tê ở Bến Tre nổi tiếng như vậy nhưng vốn không phải là món bán đại trà. Người Bến Tre sành ăn chỉ đến đúng quán chính gốc mà người ta quen gọi là hủ tiếu “ngã ba Tháp” hay hủ tiếu “cổng chào”.
Khách ở nơi xa đến Bến Tre, muốn thưởng thức hủ tiếu pa tê “chính gốc”, cứ vào thành phố rồi nhắm người nào đó cũng được, hỏi thăm quán hủ tiếu ở “ngã ba Tháp”, hủ tiếu “cổng chào” hay hủ tiếu “công viên tượng đài”, chắc chắn ai cũng rành, chỉ cho bạn vanh vách. Quán không có tên riêng mà lấy luôn tên là “hủ tiếu pa tê” như một cách khẳng định thương hiệu, chỉ bán buổi chiều tối nên cứ tầm 5, 6 giờ chiều là bắt đầu tấp nập khách ra vào.
Nếu có dịp đến Bến Tre, nhớ tìm quán hủ tiếu patê mà thử qua một lần, cam đoan bạn sẽ nhớ mãi hương vị đặc biệt của thức ăn đặc biệt này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
"Dalat Spring Concert" đánh dấu sự chuyển mình của thành phố Đà Lạt
Hoàng Yến Chibi biến hình bất ngờ trên sân khấu
Lộ khoảnh khắc Vũ Khắc Tiệp sánh đôi cùng gái lạ sau khi ‘chia tay’ Ngọc Trinh
Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng với ‘Đêm lao xao’ mang đậm dấu ấn mùa đông
Phản ứng của Đàm Vĩnh Hưng khi đối diện cáo buộc trốn thuế, tống tiền, hôn nhân với vợ cũ bị nghi ngờ