Văn hóa

Vén màn bí ẩn về bức tranh xuyên không trong bảo tàng Munich

Nhìn vào vật trên tay của cô gái trong kiệt tác The Expected One của họa sĩ Ferdinand Waldmüller, nhiều người thốt lên kinh ngạc: "Không thể nào!".

Cuối tháng 11/2017, Peter Russell, một du khách đến từ Glasgow, Scotland, và vợ đến tham quan bảo tàng Neue Pinakothek ở Munich, Đức. Đây là bảo tàng nghệ thuật trưng bày các tác phẩm được vẽ từ thế kỷ 18 và 19, theo Mother Board.

Trong lúc lang thang ngắm tranh, Peter nhìn thấy bức The Expected One của họa sĩ nổi tiếng Ferdinand Georg Waldmüller. 

Bức tranh The Expected One treo trong bảo tàng Munich, Đức. Ảnh: MotherBoard.

Nhân vật chính trong bức tranh với gam màu tươi sáng này là một cô thôn nữ. Cô đang đi dạo trên đường quê và say sưa nhìn vào một vật nhỏ màu đen được nâng niu bằng hai bàn tay. Phía cuối con đường, một chàng trai trẻ đang kiên nhẫn ngồi đợi, trên tay là một đóa hồng. 

Ngay khi nhìn thấy bức tranh này, điều Peter bị thu hút duy nhất là vật màu đen trên tay cô gái. Thoạt nhìn, nhiều người sẽ ngỡ ngàng vì cho rằng, đó là chiếc điện thoại thông minh. Nhưng điều quan trọng là, bức tranh này được vẽ từ năm 1860. 

Khi Peter, một nhân viên chính phủ đã về hưu, chụp lại bức tranh này và đăng lên mạng, một cuộc tranh luận đã nổ ra. Phần lớn cho rằng, thứ mà cô gái đang cầm trên tay là một chiếc điện thoại. Hình ảnh cô gái vừa đi vừa chăm chú vào điện thoại là thứ thường thấy trong xã hội hiện đại, nhưng lại quá xa lạ vào những năm cuối thế kỷ 19.

Nhiều người đã photoshop bức ảnh, để biến thứ trên tay cô gái thành điện thoại. Ảnh: Motherboard.

Thậm chí, nhiều người tin rằng du hành vượt thời gian là hoàn toàn có thật. Và chiếc điện thoại này, theo một cách nào đó, đã xuyên không về thế kỷ 19. Một số còn hài hước cho rằng, cô gái đang chăm chú xem các ứng dụng hẹn hò trên chiếc điện thoại này, như Tinder, và sẽ từ chối lời tỏ tình của chàng trai cầm hoa phía trước.

Gerald Weinpolter, CEO của một công ty chuyên về tranh nghệ thuật, lên tiếng trước sự việc gây xôn xao dư luận này. "Cô gái trong bức tranh của Waldmüller không chơi iPhoneX. Thứ cô ấy đang cầm là một quyển sách kinh thánh nhỏ".

 

Trả lời phỏng vấn, Peter cho biết điều khiến ông ấn tượng nhất là việc công nghệ phát triển khiến con người cũng thay đổi cách nhìn nhận một sự việc. Vào những năm 1860, những người xem bức tranh này sẽ thấy thứ cô gái cầm là một cuốn kinh thánh hay tập sách. Ngày nay, người ta dễ tưởng tượng ra hình ảnh một chiếc điện thoại thông minh. Trên thực tế, chính xác là vật thể trong tay cô gái không phải một chiếc di động mà là một quyển thánh ca.

Trong ảnh, người thổ dân da đỏ đang cầm một chiếc phù điêu. Nhưng nhiều người đã nói rằng, anh ta đang dùng điện thoại. Ảnh: Motherboard.

Peter cũng cho biết thêm, câu chuyện tương tự cũng từng xảy ra khi người ta nhìn thấy bức Settling of  Springfield của họa sĩ Umberto Romano. Trong tranh, một thổ dân da đỏ đã cầm trong tay một tấm phù điêu, nhưng người xem lại suy đoán rằng đó là một chiếc điện thoại thông minh. 

Munich là thủ phủ của bang Bayern, Đức. Nơi đây nổi tiếng với lễ hội bia Oktoberfest và là quê hương của Đức giáo hoàng Benedict. 

Thành phố này còn nổi tiếng với các công trình kiến trúc cổ và là nơi tập trung nhiều bảo tàng nổi tiếng thế giới với các bộ sưu tập cổ xưa. Bắt đầu từ quảng trường nổi tiếng khác phía tây bắc của khu phố cổ, quảng trường Vua (Königsplatz), bạn sẽ thấy Viện bảo tàng Glyptothek, cổng thờ Propylaea và Viện bảo tàng Cổ đại quốc gia. Cách đó không xa nơi, một quần thể các viện bảo tàng nghệ thuật có tiếng trên thế giới gồm Alte Pinakothek, Neue Pinakothek, Pinakothek der Moderne.

Bảo tàng Neue Pinakothek được biết đến là một trong những bảo tàng nghệ thuật quan trọng nhất của thế giới vào thế kỷ 19, được thành lập bởi vua Ludwig của xứ Baravia vào năm 1853. Bảo tàng mở cửa từ 10h đến 18h, trừ thứ 2. Vé vào cửa là 2-10 euro/người tuỳ theo triển lãm, ngày chủ nhật vé giảm còn 1 euro.

 

Nên đọc
Theo VnExpress
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo