Vì sao các hãng bán lẻ gia nhập thị trường thanh toán di động?
Tiềm năng của thị trường thanh toán di động
Thị trường thanh toán di động hiện đang trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt với sự tham gia của các ngân hàng, các công ty phát hành thẻ như Visa hay MasterCard và các công ty công nghệ như Google và Apple. Dịch vụ thanh toán PayPal của eBay cũng đang thử nghiệm công nghệ này.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Gartner, thị trường dịch vụ thanh toán di động toàn cầu được dự đoán sẽ tăng gấp ba lần tới năm 2017 và đạt giá trị giao dịch khoảng 721 tỷ USD, với hơn 450 triệu người dùng.
Tốc độ tăng trưởng này có thể đem lại nhiều lợi ích cho các hãng bán lẻ trong bối cảnh sự cạnh tranh của một loạt các nhà cung cung cấp thanh toán có thể sẽ làm giảm mức phí mà các cửa hàng phải thanh toán để thực hiện các giao dịch – dịch vụ hiện đang thống trị bởi các ngân hàng và các công ty phát thẻ như Visa và Master Card.
Ngân hàng Morgan Stanley ước tính rằng các nhà bán lẻ ở các nước phát triển đã chi khoảng 150 tỷ USD năm 2012 tiền phí thanh toán qua thẻ tín dụng.
Với việc cho phép người dùng thanh toán qua điện thoại thông minh thay vì tiền mặt hay thẻ tín dụng, các siêu thị lớn như Tesco của Anh hay Auchan của Pháp hi vọng rằng ứng dụng ví điện tử của họ sẽ mang lại dữ liệu toàn diện hơn về thói quen mua sắm của người dùng. Từ đó, các hãng sẽ phát triển chiến lược quảng cáo phù hợp.
Các hãng bán lẻ hi vọng thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ này bằng cách giảm giá và tặng quà cho những khách hàng sử dụng, cùng với đó là tự động liên kết với các chương trình thành viên và cung cấp các tính năng khác như sao lưu danh sách mua sắm.
Các ông lớn bán lẻ chạy đua
Starbucks, chuỗi cà phê lớn nhất thế giới, đã thành công trong việc kết hợp hình thức thanh toán di động với các chương trình khuyến mãi của mình. Hãng đã đưa ra ứng dụng thanh toán di động và ứng dụng phần thưởng năm 2011. Sau gần 3 năm phát triển, Starbuck hiện có hơn 10 triệu người dùng.
Trả lời trên đài CNBC, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Starbucks - Howard Schultz cho biết: “Nền tảng thanh toán di động đã tăng cường mức độ thường xuyên và lòng trung thành của khách hàng. Vấn đề của chúng tôi hiện nay là làm cách nào để tận dụng lợi thế này ở các cửa hàng”.
Mô hình thanh toán của Starbucks đang được áp dụng rộng rãi tại Mỹ, nơi hàng chục các hãng bán lẻ hàng đầu như Wal-Mart, Target hay Best Buy đang lên kế hoạch thiết lập dịch vụ ví điện tử MCX.
Còn tại Đức, ứng dụng thanh toán Yapital, được phát triển bởi hãng thương mại điện tử Otto, hiện đang được sử dụng tại hàng nghìn cửa hàng và cho phép người dùng thanh toán trực tuyến và chuyển khoản ngang hàng.
Tesco sẽ sớm ra mắt ví điện tử trong năm nay. Hãng bán lẻ lớn thứ ba trên thế giới này là người tiên phong trong việc theo dõi thói quen của khách hàng với thẻ thành viên Clubcard suốt 20 năm qua.
Còn chuỗi siêu thị Auchan của Pháp cũng đã áp dụng ví điện tử “Flash and Pay” của mình được gần một năm. Dịch vụ này kết hợp hình thức thanh toán với phiếu giảm giá, thẻ thành viên, hóa đơn và tính năng cung cấp danh sách mua sắm.
Ưu điểm và hạn chế của ví điện tử
Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Kinh tế của Anh, việc sử dụng ví điện tử có hiệu quả rất lớn về mặt cắt giảm chi phí và nâng cao doanh số và dịch vụ khách hàng. Theo ước tính, năm 2013, các hãng bán lẻ của Anh đã tiết kiệm được 770 triệu USD chi phí giao dịch bằng cách chuyển sang hình thức thanh toán di động thay vì sử dụng tiền mặt hay thẻ tín dụng.
Ngoài ra, hình thức thanh toán này cũng giúp làm giảm lượng khách sếp hàng trong các cửa hàng để thanh toán cùng với giảm chi phí thuê thu ngân và bảo vệ.
Song, các ứng dụng thanh toán của các nhà bán lẻ có thể gặp khó khăn trong việc thâm nhập thị trường này do khách hàng không sẵn lòng sử dụng nhiều dịch vụ khác nhau khi thanh toán ở các cửa hàng khác nhau.
Frederic Mazurier, phó chủ tịch mảng tài chính của hãng bán lớn thứ hai trên thế giới Carrefour, cũng nhận định sẽ mất vài năm để thuyết phục người tiêu dùng sử dụng dịch vụ này khi mà thẻ tín dụng hiện vẫn là hình thức thanh toán phổ biến nhất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo