Thị trường

Vì sao doanh nghiệp Việt vẫn nhập công nghệ, thiết bị lạc hậu?

Hiện đang xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp mua công nghệ, nhất là công nghệ lạc hậu về rồi... để đấy. Lỗ hổng này từ đâu?

Theo ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN ) thì hiện nay, Bộ KH-CN không có chức năng quản lý về máy móc, thiết bị nhập khẩu.

 

Doanh nghiệp (DN) thực hiện nhập khẩu công nghệ theo Luật Thương mại và Nghị định 12 về điều hành xuất nhập khẩu. Nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính nên những dự án thuộc danh mục đầu tư có điều kiện mới phải hỏi ý kiến các cơ quan, còn lại chỉ cần lập hồ sơ xin đăng ký đầu tư.

Lỡ nhập rồi thì... để đó



Chính lý do trên đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nhập công nghệ về rồi để đấy. Đây cũng là lỗ hổng trong việc quản lý: Các dự án không cần phải thẩm tra về công nghệ nên DN cứ “vô tư” đưa máy móc, thiết bị vào Việt Nam mà không có cơ chế nào kiểm soát được.



Có thể lấy ví dụ như trường hợp nhà máy Thủy Tinh Hà Nội, trước đây cũng mua dây chuyền về sản xuất thủy tinh pha lê, mua lò về sản xuất phôi. Tuy nhiên, mua thiết bị mà không mua công nghệ nên sản phẩm sản xuất ra, phôi vẫn có bọt nhưng chưa cho ra thủy tinh.



Gần đây, báo chí cũng nói rất nhiều đến việc nếu như sản xuất 1 tấn thép ở Việt Nam phải tốn nhiên liệu gấp ba lần thế giới, trong khi Việt Nam đang thiếu điện. Vấn đề đặt ra ở đây là giá điện của Việt Nam so với các nước rẻ hơn, trong khi so với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thì giá điện đối với người Việt Nam là cao nhưng so với thế giới vẫn là thấp. Căn cứ vào thu nhập, họ vẫn lựa chọn và đưa vào Việt Nam mặc dù công nghệ đó tiêu thụ điện năng nhiều hơn.

 

Hay như trường hợp khi Trung Quốc có kế hoạch cấm xe máy hoạt động ở một số thành phố lớn thì có một làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc bán dây chuyền thiết bị cho Việt Nam. Thời điểm đó có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đổ xô vào lắp ráp xe máy Trung Quốc, tuy nhiên đến nay chỉ có một doanh nghiệp còn sản xuất nhưng phải mua linh kiện từ Nhật về để cải tiến mẫu mã. Còn phần lớn các nhà máy sản xuất xe máy Trung Quốc tại Việt Nam hiện đã “chết yểu”.



Hoặc đối với các nhà máy đường Trung Quốc, đến thời kỳ thay đổi công nghệ, họ bèn bán các nhà máy đã cũ kỹ, lạc hậu. Khi đó, Việt Nam lại đang xây dựng chương trình mía đường. Không nói cũng rõ, Việt Nam đã bị thất bại hoàn toàn trong nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ sản xuất mía đường của Trung Quốc



Thậm chí, vừa rồi có doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh nói một năm họ sản xuất 24 tổ hợp máy phát điện nhưng không hề có thông số máy phát điện đó công suất bao nhiêu, đầu ra đầu vào như thế nào... mặc dù vậy, doanh nghiệp này vẫn đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư.



Đầy “lỗ hổng”...



Trước đây theo quy định, một dự án đầu tư bao giờ cũng phải có phần nội dung giải trình về công nghệ, trong đó phân tích, so sánh các phương án công nghệ nhằm lựa chọn ra phương án công nghệ tối ưu và lên dự kiến danh mục máy móc, thiết bị cho dây chuyền công nghệ đó. Tuy nhiên, hiện nay do nhu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, nên hiện nay trong hồ sơ dự án không nêu rõ được nội dung công nghệ. Từ đó, khi nhập công nghệ về và đưa vào sản xuất lại gây ảnh hưởng đến môi trườngthì cũng đã “lỡ”, khó mà khắc phục được!



Bên cạnh đó, có rất nhiều yếu tố tạo nên bất cập trong quản lý công nghệ nói chung. Theo quy định của Luật Đầu tư, theo quy định của Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, cơ quan đó phải có trách nhiệm hỏi ý kiến của các cơ quan Bộ, ngành có liên quan trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp.

 

Đối với dự án phân cấp cho địa phương thì phải xin ý kiến của Sở Khoa học Công nghệ địa phương, nhưng hầu hết các Sở Khoa học Công nghệ hiện nay không được cơ quan đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư hỏi ý kiến. Chính vì thế, đến khi thực hiện có rất nhiều trường hợp không đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ, về môi trường.



Ngoài ra, kiểm soát việc nhập khẩu máy móc, thiết bị lại theo quy định của Luật thương mại, do Bộ Công thương quản lý chứ không phải Bộ Khoa học Công nghệ. Chính vì thế, gần đây, Bộ Khoa học Công nghệ đã có kiến nghị với Chính phủ nâng cao vai trò quản lý khoa học công nghệ trong việc nhập khẩu công nghệ.

 

Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng, cần phải chặn ngay từ đầu nếu thấy máy móc không đảm bảo an toàn, không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, về chỉ tiêu tiêu hao nhiên liệu… bởi một khi dự án đã đi vào sản xuất mới thấy công nghệ lạc hậu thì không thể bắt doanh nghiệp dỡ bỏ dây chuyền công nghệ đó đi được!

Theo ĐV

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo