Doanh nghiệp - Doanh nhân

Vì sao Nadalle có thể lãnh đạo thành công Microsoft còn Ballmer thì không?

Làng công nghệ thế giới đang dõi theo từng bước đi của Satya Nadella, giám đốc điều hành mới của Microsoft. Sự thất bại của của người tiền nhiệm Steve Ballmer khiến Nadella càng chịu nhiều áp lực hơn khi xây dựng đường hướng phát triển của công ty.

Satya Nadella (trái) - giám đốc điều hành mới của Microsoft, Steve Ballmer (phải) - người tiền nhiệm của Nadella. Ảnh: Getty.

Trong 12 năm Ballmer chèo lái Microsoft, mặc dù lợi nhuận công ty có tăng nhưng gã khổng lồ công nghệ lại bị tụt hậu so với các đối thủ khác.

Trong khi giá trị vốn hóa thị trường của Apple tăng từ 6,8 tỷ USD năm 2002 lên 456 tỷ USD năm 2013, thì giá trị vốn hóa thị trường của Microsoft lại giảm từ 288,9 tỷ USD xuống còn 226,8 tỷ USD.

Trong khi cả Apple và Google đều tung ra những công nghệ đột phá như Android, iPhone và iPad, thì Microsoft lại quá chậm chạp trong việc đổi mới những lĩnh vực như nhạc di động, điện thoại thông minh và máy tính bảng. Bởi vậy, dù được đánh giá rất cao nhưng Windows Phone 8.1 lại được tung ra quá muộn khi mà iPhone và Android đã chiếm tới 97% thị trường điện thoại thông minh toàn cầu.

Có thể sự cạnh tranh khốc liệt đã làm suy yếu sự đổi mới trong văn hóa của Microsoft trong suốt 12 năm qua.

Ngay khi Microsoft thay đổi ban lãnh đạo, nhiều người đã đặt ra câu hỏi: “Liệu Nadella có thể phát triển đúng chiến lược và văn hóa công ty để giúp hãng lấy lại vị thế của mình?”

Mặc dù phong cách lãnh đạo không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự thành công hay thất bại của một công ty, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa khả năng lãnh đạo của giám đốc điều hành và hiệu quả tài chính của công ty. 

Về mặt chiến lược, Nadella cho biết ông sẽ chuyển trọng tâm phát triển chiến lược từ phần mềm máy tính để bàn truyền thống sang phát triển mảng di động và điện toán đám mây.

Với các thiết bị và ứng dụng di động như Office cho iOS và Android, cùng các chiến lược điện toán đám mây như dịch vụ tính toán và lưu trữ điện toán đám mây Azure và Office 365, Microsoft đang dần lấy lại vị thế của mình.

Bên cạnh đó, Nadella cũng dần thay đổi văn hóa của Microsoft. Văn hóa công ty mà Ballmer tạo ra có ảnh hưởng tới toàn bộ công ty. Không ai có thể phủ nhận được niềm đam mê mà Ballmer dành cho Microsoft từ khi ông vào làm việc cho hãng năm 1980. Chính Nadella cũng thừa nhận rằng ông học được rất nhiều điều từ Ballmer: “Sống thực tế và luôn phải trung thực với chính mình”.

Song, tính cách cực đoan của Ballmer đã phá hỏng truyền thống của công ty. Ballmer là một người khá nóng tính. Có lần ông đã quăng một chiếc ghế khi ông quyết định bỏ việc ở Google. Theo khảo sát năm 2013, tỷ lệ tán đồng của nhân viên dành cho Ballmer rất thấp, chỉ khoảng 47%, trong khi đó tỷ lệ này dành cho Mark Zuckerberg - CEO của Facebook là 99%, Larry Pages – CEO của Google là 95%, còn Tim Cook – CEO của Apple là 93%.

Ngược lại, Nadella lại sở hữu khả năng hiếm có để tập trung vào con người và kết quả. Phong cách làm việc hợp tác của ông được nhân viên hết lòng ca ngợi. Thay vì ủng hộ sự cạnh tranh, Nadella đã khuyến khích nhân viên cùng nhau hợp tác và sáng tạo để giúp các sản phẩm và dịch vụ của Microsoft tích hợp tốt trên các nền tảng và thiết bị.

Trong khi Ballmer có xu hướng chiếm lấy sự nổi bật, Nadella lại khuyến khích nhân viên giữ vai trò trung tâm. Ông luôn đề cao giá trị của việc trao quyền cho mỗi cá nhân, thể hiện sự tin tưởng vào “nguồn lực, sự kiên trì và tài năng của họ”.

Với những phẩm chất này, Nadella được kì vọng sẽ thực hiện được những điều mà Ballmer không thể đó là thay đổi văn hóa của Microsoft, xây dựng một chương trình đổi mới thực sự, và lấy lại vị thế của mình so với các đối thủ. Và Nadella đang thực hiện mục tiêu “nâng cao cuộc sống của mọi người” từ chính những nhân viên của mình.

Dương Hương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo