Vì sao Yahoo muốn 'giết chết' các công ty khởi nghiệp
Yahoo: Mua công ty nhỏ để "hút máu" tài năng
Khó có thể phủ nhận được rằng trong thời gian vừa qua, Yahoo đã bắt đầu có những bước chuyển biến rất tích cực trên con đường hồi phục. Tuy vậy, ai cũng có thể nhận thấy rằng Yahoo rất thường xuyên mua lại các công ty khởi nghiệp mới nổi (startup), và chỉ ít lâu sau đó, những ý tưởng rất hứa hẹn đứng đằng sau các công ty này đều bị Yahoo… giết chết.
Theo thống kê của trang công nghệ ReadWrite, kể từ khi CEO xinh đẹp Marissa Mayer lên nắm quyền vào tháng 7/2012, trong số 38 công ty khởi nghiệp được Yahoo mua lại, có tới 31 dịch vụ đã bị đóng cửa hoàn toàn. Hiển nhiên, đây không phải là một điều dễ chịu đối với những tín đồ đã quen sử dụng các dịch vụ này.
Ví dụ điển hình cho quá trình "giết chết" ý tưởng khởi nghiệp của Yahoo có thể kể đến Summly, ứng dụng đọc tin tổng hợp được một cậu bé tuổi teen có tên Nick D'Aloisio phát triển. Ngay sau khi mua lại Summly, Yahoo đã đóng cửa dịch vụ này, và sau đó cố gắng tích hợp các tính năng của Summly vào ứng dụng "Yahoo!" trên iOS một cách thất bại.
Trong khi công nghệ của Summly sẽ được tiếp tục hồi sinh trong Yahoo News Digest, số phận của các dịch vụ khác được Yahoo mua lại còn bi thảm hơn rất nhiều. Vizify, một dịch vụ chuyên cung cấp biểu đồ dữ liệu, tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả các dịch vụ và hủy bỏ tất cả các sản phẩm ngay sau khi hoàn tất thương vụ với Yahoo.
Lý do khiến Yahoo liên tiếp mua lại hàng loạt các công ty khởi nghiệp với giá cao và đóng cửa dịch vụ của họ ngay lập tức là khá rõ ràng: thu hút các tài năng mới về làm việc cho Yahoo. Tuy vậy, rõ ràng CEO Marissa Mayer không cần thiết phải giết chết các dịch vụ nhỏ này: tại sao lại không phát triển các ý tưởng đã thành công từ trước lên thành các dịch vụ khổng lồ?
Theo ReadWrite, sự kết hợp giữa các dịch vụ tìm kiếm và thế giới di động vẫn đang ở trong giai đoạn phát triển ban đầu: có rất nhiều ý tưởng lớn được đưa ra, song số lượng các công ty đủ khả năng để thực thi các ý tưởng này một cách chắc chắn vẫn còn rất thấp. Bởi vậy, nếu Yahoo có thể giải quyết được bài toán tìm cầu nối giữa tìm kiếm và dịch vụ di động, chắc chắn công ty của Marissa Mayer sẽ phải nhờ đến các ý tưởng mới thâu tóm được, thay vì dồn chúng vào cửa tử như hiện nay.
Tấm gương của Facebook
Không cần nhìn ở đâu xa, Yahoo có thể học hỏi từ Facebook: Mark Zuckerberg hiện đang thực hiện các thương vụ thâu tóm một cách rất lão luyện. Ví dụ điển hình có thể kể đến Instagram, và thậm chí là cả thương vụ 19 tỷ USD gần đây đối với WhatsApp.
Sau khi mua lại Instagram vào năm 2012, đến năm ngoái Facebook ra mắt tính năng quay video ngắn cho dịch vụ chụp ảnh này. Kết quả là Instagram liên tiếp giữ vững vị trí "top" trên các bảng xếp hạng ứng dụng. Trái ngược lại, Vine (của Twitter), ứng dụng tiên phong đưa ra ý tưởng quay video ngắn giờ thậm chí còn phải chật vật mới giữ được vị trí trong top 40. Thay vì cố tích hợp Instagram vào ứng dụng Facebook, Mark Zuckerberg đã để cho công ty này hoạt động gần như độc lập giống như trước khi sát nhập.
Yahoo không hiểu được rằng chiến lược "mua dịch vụ khởi nghiệp đã thành công" với giá "khủng" và giữ cho các dịch vụ này tiếp tục hoạt động gần như độc lập là một chiến lược hoàn toàn đúng đắn. Hiển nhiên, khi đóng cửa Sparq (ứng dụng tạo mã QR cho các doanh nghiệp) và trợ lý ảo Donna, Yahoo đã làm phật lòng một lượng người dùng không hề nhỏ. Trái ngược lại, điều đầu tiên mà Facebook tuyên bố khi mua lại WhatsApp là "sẽ để cho WhatsApp tiếp tục hoạt động như cũ".
Kết quả bước đầu đối với WhatsApp là rất khả quan: trước khi được Facebook công bố mua lại với giá 19 tỷ USD, WhatsApp chỉ đứng ở vị trí thứ 40 trên bảng xếp hạng iOS. Hiện tại, WhatsApp đang đứng ở vị trí thứ 20 . Rõ ràng, rất nhiều người dùng ưa thích ý tưởng đưa dịch vụ khổng lồ này về dưới mái nhà của Facebook.
Với tận 4 ứng dụng đứng trong bảng xếp hạng iOS: Facebook (11), Instagram (9), WhatsApp (21) và Facebook Messenger (20), Mark Zuckerberg đang chiếm thế thượng phong trên thị trường dịch vụ ứng dụng. Chắc chắn, đây sẽ là một bài học mà cả Yahoo, Google, Twitter lẫn Microsoft đều phải nghiền ngẫm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo