Tin tức - Sự kiện

Không nên để trẻ tắm biển hai tiếng liên tiếp

(Dân trí) - Trẻ em luôn hồ hởi với những chuyến đi biển bởi bé được nô đùa với sóng biển, xây lâu đài cát… Có những bé “phê” đến mức trầm mình vài tiếng dưới nước, bố mẹ nhắc thế nào cũng không lên, thậm chí phải dùng quân luật “ép” bé lên bờ…

Dễ viêm phổi nếu tắm lâu

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) khẳng định: “Để một đứa trẻ trầm mình dưới nước, phơi mình trước gió biển 3 - 4 tiếng là không nên. Nhìn chung với trẻ nhỏ không nên tắm biển quá 2 tiếng liên tiếp".


Theo TS Dũng, thời gian tắm quá dài sẽ gây hại cho trẻ. Bởi trẻ em rất hiếu động, không như người lớn bơi, tắm tập trung rồi lên bờ lau khô người mới ngồi chơi, ngắm cảnh. Trẻ em thì ngược lại, vừa lao xuống nước ướt sũng người lại lên bờ nghịch cát, rồi lại lao xuống nước. Trong khi đó, không gian trên biển rất thoáng nên kèm theo gió rất to. Đó là yếu tố khiến trẻ dễ bị nhiễm lạnh khi ở trên bờ và khi tắm nông (khu vực gần bờ, hở người).

“Khi ở ngập người dưới nước, các bé sẽ không bị lạnh. Thế nhưng vì bản tính hiếu động, trẻ không ở lâu được dưới nước, cũng rất sợ tắm quá xa bờ nên nước không ngập người. Nhiều mẹ vẫn phàn nàn, con mình yếu, cứ ra tắm biển một tí là môi tím cả lại, rồi nổi gai tay vì lạnh. Thực tế, là do gió biển thổi vào khi cơ thể trẻ ướt sũng (do không được chìm xuống nước) nên gây hiện tượng nổi gai vì lạnh. Việc này kéo dài vài tiếng hoàn toàn có thể khiến trẻ nhiễm lạnh, viêm đường hô hấp, thậm chí viêm phổi”, TS Dũng giải thích.

Trong thực tế điều trị, TS Dũng cũng gặp không ít ca bệnh bị viêm phổi do bơi quá lâu, nhiễm lạnh. Còn hiện tượng sổ mũi, ho sau tắm biển là khá phổ biến ở trẻ, vì các bé bị nhiễm lạnh.

Với trẻ nhỏ đi tắm biển, cha mẹ nên mặc đồ bơi kín đáo cho trẻ. Khi tắm xong lên bờ không để trẻ vẫn mặc đồ ướt dòng chơi trên cát, mà tốt nhất hãy lau khô người, thay đồ khô cho bé. Khi người khô, trẻ có thể mải mê chạy nhảy, nô đùa trên biển mà không nhiễm lạnh.

Phòng say nắng cho trẻ


Theo BS Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó giám đốc BV Nhi Trung ương, ngoài nguy cơ nhiễm lạnh thì nguy cơ say nắng cũng cần cảnh báo bởi thực tế nhiều trẻ đã bị say nắng bởi cái nắng như thiêu như đốt trên biển.

“Việc này nhiều khi bố mẹ phải dứt khoát, thậm chí “quân luật” với trẻ bởi trẻ nhỏ ham chơi, bướng bỉnh chỉ muốn lao ra ngoài, không ý thức được cái nắng như thiêu như đốt, rất dễ bị say nắng, cảm… rất nguy hiểm”, BS Lộc cảnh báo.

Bởi không chỉ trên một nền nhiệt cao, lại thêm nắng nóng khiến sự điều hòa thân nhiệt của cơ thể không thích ứng kịp với sự thay đổi nhiệt độ tăng nhanh và cao của môi trường bên ngoài, mà còn do trẻ rất hiếu động, vận động liên tục, ra nhiều mồ hôi, mất nước cơ thể càng tăng nhiệt.

Nhiều người quan niệm, mất nước chỉ xảy ra khi người bệnh bị đi ngoài, nôn. Nhưng thực tế, đi dưới cái nắng hầm hập, lượng nước trong cơ thể bị “bốc hơi” nhanh qua mồ hôi. Lúc này, nước “bốc hơi” không còn là nước lọc nữa mà kèm theo đó là muối, đường, khoáng… gây tình trạng mất nước cho cơ thể. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), mồ hôi ra càng nhiều thì cơ thể càng dễ bị mất nước. Khi đó, cơ thể sẽ mệt mỏi, choáng, dễ gây sốt, trong nhiều trường hợp mất nước nặng khi đi ngoài nắng khiến người bệnh dễ bị say nắng, gây nhức đầu, khó thở…

Để phòng say nắng, say nóng, cần đội mũ khi đi ra nắng, mặc quần áo thoáng mát, che được gáy. Tuyệt đối không cho trẻ tắm biển giữa trưa, chơi đừa trên cát vào thời điểm nóng đỉnh điểm từ 11h trưa đến 3h chiều. Không nên đi ra ngoài ở thời điểm nắng cao điểm. Đặc biệt, cần lưu ý cung cấp đủ nước. Cần uống nước liên tục, từng ít một ngay cả khi không thấy khát.

Và khi đi ra nắng, hãy đảm bảo toàn cơ thể được che nắng khi ra ngoài. Hở vùng da nào sẽ “hun đốt” vùng da đó, vừa gây cháy da (sau đi nắng, da bị đỏ ứng, rồi bong từng lớp), vừa hại cho sức khỏe. Còn khi có người say nắng, say nóng, cần đưa ngay bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng càng sớm càng tốt, cho nằm ở nơi thoáng gió, quạt mát, cởi bỏ quần áo, chườm bằng nước mát thông thường, bệnh nhân tỉnh thì cho uống oresol pha theo tỉ lệ. Nếu bệnh nhân co giật, rối loạn ý thức thì phải chuyển ngay tới cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển, phải tiếp tục chườm lạnh, để bệnh nhân nằm đầu nghiêng.

Trong thời tiết nắng nóng, tốt nhất nên ở trong phòng, dùng điều hòa nhiệt độ từ 26 - 28 độ C, hoặc quạt thoáng, mặc quần áo rộng rãi, thấm mồ hôi. Trong những ngày này, mọi người cũng cần chú ý sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột. Ví dụ, vừa đi ngoài nắng về không vào ngay phòng điều hòa, mà hãy mở cửa phòng, đứng một lúc trước cửa để cái nóng hầm hập trong người thích nghi dần với sự mát lạnh bên trong rồi mới bước vào phòng.

 

Minh Anh

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo