Đánh giá chi tiết siêu phẩm Oppo Find X
Smartphone camera tốt thứ 2 thế giới giảm giá 2 triệu tại Việt Nam / Cận cảnh smartphone chip S845, RAM 8 GB, viền siêu mỏng, giá gần 10 triệu
Đến năm 2018, iPhone vẫn là một sản phẩm đi trước, tạo nên chuẩn mực để nhiều hãng smartphone Android khác học hỏi. Khi họ ra mắt iPhone X vào năm ngoái, chi tiết "tai thỏ" đã gây tranh cãi bởi nó khá chướng mắt, nhưng đồng thời giúp iPhone X có màn hình gần như không viền.
Nhiều hãng smartphone Android bắt chước cụm tai thỏ trên iPhone X, nhưng họ không giải quyết được vấn đề cốt lõi là viền màn hình. Hai yếu tố bắt buộc phải có: mạch và cáp điều khiển màn hình cùng camera trước khiến cho smartphone Android bắt buộc phải có phần "cằm" khá dày. Đây chính là bằng chứng cho thấy công nghệ và quy mô của iPhone vượt trội smartphone Android như thế nào.
Video đánh giá nhanh Oppo Find X
Khi bắt chước cũng không thể làm được như phiên bản gốc, một số hãng Android đã nghĩ tới cách làm khác. Hai hãng "anh em" Vivo, Oppo là những hãng đầu tiên đưa ra ý tưởng làm camera có thể đẩy ra khỏi thân máy khi cần. Trong khi Vivo Nex S chỉ có camera trước di chuyển, thì trên Oppo Find X cả khối gồm camera trước, sau và các cảm biến đều có thể giấu được vào bên trong thân máy.
Thực ra Oppo đã từng có những thiết kế "dị" như camera xoay và cảm ứng ở lưng trên Oppo N1, nhưng về sau lại đánh mất sự độc đáo với những thiết kế học hỏi từ iPhone. Với Find X, Oppo đã đi trước và vượt cả iPhone X về tỉ lệ màn hình/thân máy. Liệu chiếc điện thoại này có đủ ấn tượng để Oppo vượt qua được sự "ám ảnh" sao chép iPhone?
Thiết kế độc đáo, mới lạ, nhưng vẫn còn những điểm cần cải thiện
Nếu nhìn về kiểu dáng, Oppo Find X khá giống một chiếc Samsung Galaxy cao cấp. Tuy nhiên khi cầm máy trên tay và mở màn hình lên thì sự khác biệt ở phần viền mỏng sẽ rất rõ ràng. Với viền màn hình vát mỏng ở cả 4 cạnh, hình ảnh hiển thị trên Find X tràn ra tận mép và gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác.
Viền màn hình được vát mỏng tối đa, tràn sát cả 4 cạnh, tạo hiệu ứng thị giác bắt mắt
Viền trên với độ mỏng đáng nể, không còn "tai thỏ" hay "nốt ruồi" gây vướng mắt
Viền dưới của Find X mỏng hơn đáng kể so các điện thoại Android "tai thỏ" nhưng vẫn chưa mỏng được như iPhone X.
Thậm chí chỉ với tác vụ đơn giản như lướt Facebook, đọc báo cũng đủ thấy sự khác biệt của viền màn hình mỏng. Theo Oppo công bố, Find X có tỷ lệ màn hình/ thân máy lên tới 93,8%, lớn nhất hiện nay.
Cụm camera bao gồm camera trước, sau, các cảm biến cùng cụm linh kiện hỗ trợ mở khóa khuôn mặt 3D.
Không chỉ có mặt trước độc đáo, phần lưng của Find X cũng khá đẹp mắt. Mặc dù chiếc máy trong tay tôi có màu "Bordeaux Red", nhưng màu sắc thực tế lại gần giống tím. Mặt lưng kính của máy có hiệu ứng chuyển màu lạ mắt. Ở mặt trước, mỗi khi có thông báo thì viền màn hình cũng sáng lên giống như mặt lưng. Nếu nói về phần "nhìn", Find X thực sự có ngoại hình bắt mắt hơn các smartphone cao cấp hiện nay.
Nếu nói về cảm giác cầm nắm, sử dụng thì Find X có phần thua kém chiếc Samsung Galaxy Note 9. Bề mặt ghép nối giữa mặt kính, vành nhựa và viền của máy vẫn hơi gợn nên khi cầm vẫn tạo cảm giác độ hoàn thiện chưa thực sự thuyết phục.
Máy không có thẻ nhớ, sử dụng khay SIM Nano kép ở phía dưới đối diện với loa ngoài
Cụm camera thò ra khiến động tác cầm ngang máy để chụp ảnh có phần không tự nhiên, vì có thể khiến camera bị nhấn dẫn đến đóng lại. Bên cạnh đó thiết kế với hai mặt cong úp vào nhau, phần viền máy cũng khá mỏng khiến cho thân máy hơi trơn, nhất là khi tay khô. Thậm chí nếu để trên mặt bàn không thật bằng phẳng, máy có thể tự động trôi đi.
Chắc chắn khi điện thoại mang một kết cấu chuyển động như Oppo Find X thì sẽ có những lo ngại về độ bền, nếu so với kết cấu kín, không có chuyển động của các máy khác.
Khi nhìn qua mặt lưng trong suốt, có thể thấy rõ cơ chế trượt của cụm camera trên Find X
Theo Oppo, cụm camera có độ bền đóng, mở là 300.000 lần. Nếu tính tổng số lần cụm camera phải mở để mở khóa, chụp ảnh một ngày sẽ rơi vào khoảng 100 – 200 lần, như vậy máy sẽ hoạt động được từ 4 – 8 năm. Tất nhiên, đây chỉ là phép tính trong điều kiện lý tưởng, còn thực tế hoạt động có thể không được như vậy.
Độ bền vẫn là một dấu hỏi đối với Find X, nhưng qua thời gian sử dụng tôi cảm thấy cần phải dùng cẩn thận, nâng niu hơn so với những smartphone khác
Điểm yếu lớn nhất của cụm camera chuyển động này là khả năng chống bụi, nước. Hầu hết smartphone cao cấp đều đáp ứng chuẩn chống bụi và nước khá cao, nhưng Oppo Find X thì không thể. Thậm chí máy chống bụi còn kém những điện thoại thông thường. Khi nhìn kỹ chiếc Find X mặt lưng trong suốt, tôi nhận thấy bụi bám vào khá nhiều, nếu dùng lâu và bị bụi nhiều rất có khả năng ảnh hưởng tới mô tơ chuyển động.
Một câu hỏi nữa là máy sẽ chống chịu thế nào với các tình huống mà cụm camera bị cưỡng ép hoạt động trái với chức năng, như dùng lực kéo ra khi đang nằm trong máy hoặc ấn vào khi cần mở camera. Người viết đã thử những tình huống trên và nhận thấy máy không cố "ép" cụm camera phải mở ra, rút vào khi có ngoại lực tác động. Như vậy người dùng có thể yên tâm hơn trong các tình huống vô tình tác động đến cụm camera.
Tạm bỏ qua vấn đề độ bền, thì việc dùng máy hàng ngày cũng có một số hạn chế. Đầu tiên là cụm camera khi chuyển động tạo ra tiếng ồn khá lớn. Nếu dùng ở khu vực mở, hơi ồn ào thì bạn sẽ không nhận ra, nhưng khi dùng buổi tối, ở chỗ yên tĩnh thì tiếng "ro ro" này khá rõ và có thể gây khó chịu.
Do máy phải chờ cụm camera trồi lên mới có thể chụp ảnh, nên tốc độ mở ứng dụng máy ảnh cũng bị ảnh hưởng. Khi mở trực tiếp từ màn hình khóa, máy không chậm hơn iPhone X hay Galaxy Note9. Tuy nhiên khi mở ứng dụng từ màn hình chính, camera của Find X được kích hoạt sau 2 máy trên. Sự chênh lệch chỉ là rất nhỏ và có lẽ không ảnh hưởng nhiều khi sử dụng lâu, nhưng cũng có thể khiến bạn khó chịu nếu như bỏ lỡ khoảnh khắc.
Mặc dù còn nhiều điểm hạn chế, thiết kế camera chuyển động trên Find X vẫn là một chi tiết mới lạ và khá thú vị. Có thể thấy đã có những hãng khác học hỏi thiết kế này, như Xiaomi với Mi Mix 3.
Màn hình AMOLED hiển thị tốt, thiếu vắng loa kép
Màn hình của Find X có kích thước 6.42 inch, độ phân giải Full HD+ (2340 x 1080) tỷ lệ 19,5:9. Oppo cho biết màn hình sử dụng công nghệ AMOLED, và cũng có phương án tương tự Apple là uốn cong phần mép dưới màn hình để chứa các linh kiện, cổng kết nối nên phần "cằm" của Find X mỏng hơn đáng kể so với các điện thoại Android "tai thỏ" thông thường, tuy nhiên vẫn dày hơn một chút so với iPhone X.
Chất lượng hiển thị của màn hình cũng tạo ấn tượng tốt, với độ sáng và tương phản cao, góc nhìn rộng, màu sắc tươi tắn, màu đen sâu. So với những máy trong tầm giá trên 20 triệu, Find X thua thiệt về độ phân giải nhưng sự chênh lệch về độ sắc nét không nhiều trong sử dụng thực tế.
Máy xem được video HDR trên YouTube, nhưng Netflix lại không hỗ trợ
Màn hình cũng hỗ trợ công nghệ HDR nhưng không phải ứng dụng nào cũng dùng được. YouTube cho phép xem video HDR với dải sáng được cải thiện đáng kể, màu sắc cũng rực hơn. Tuy nhiên trong ứng dụng Netflix thì Find X lại không xem được các nội dung ở chất lượng hình ảnh HDR.
Do chỉ trang bị loa đơn, âm thanh loa ngoài của Find X không ấn tượng như nhiều smartphone cao cấp khác
Loa của Find X hướng xuống phía dưới máy, có âm lượng ở mức trung bình, chỉ đủ nghe ở những môi trường ít tiếng ồn, còn nếu ngồi ở nơi ồn ào như quán café thì sẽ hơi khó nghe. Chất âm đủ trong, ấm để nghe nhạc và xem phim. Đáng tiếc là máy thiếu vắng loa kép, tính năng phổ biến trên các smartphone cao cấp, do vậy trải nghiệm xem phim hay chơi game sẽ không thể ấn tượng bằng những đối thủ có giá trên 20 triệu.
Camera chụp ổn trong mọi hoàn cảnh, chất lượng xóa phông tốt
Máy được trang bị cụm camera kép, trong đó camera chính có lấy nét theo pha PDAF, chống rung quang học
Bên cạnh ngoại hình, camera trên Find X cũng có có thông số gây chú ý với cụm camera kép phía sau gồm 1 camera chính 16 MP, khẩu độ f/2.0, cảm biến 1/2.6", điểm ảnh 1.22µm, lấy nét theo pha PDAF, có chống rung quang học OIS cùng 1 camera phụ 20 MP, khẩu độ f/2.0, cảm biến 1/2.8", điểm ảnh 1.0µm. Camera trước độ phân giải lớn 25 MP, khẩu độ f/2.0.
Cả cụm camera trước và sau đều được tích hợp công nghệ AI để tự động nhận diện cảnh vật, tối ưu thông số tùy theo tình huống chụp cùng các hiệu ứng ánh sáng cho khuôn mặt dạng portrait lighting.
Giao diện camera quen thuộc trên các máy Oppo
Như đã nhận xét ở phần thiết kế, tốc độ mở camera của Find X hơi chậm do phải chờ cụm camera mở lên, do vậy đôi lúc có thể bỏ lỡ khoảnh khắc. Khi chụp bằng chế độ chân dung, máy cũng phải mất một lúc để xử lý ảnh, còn ở các chế độ thông thường thì máy lấy nét, chụp, lưu ảnh nhanh.
Tính năng tạo hiệu ứng ánh sáng, xóa phông tương tự Portrait Lighting trên iPhone X
Giao diện ứng dụng chụp ảnh của Find X học hỏi từ iPhone, với các chức năng chụp được chia thành các tab, và giao diện nhìn chung đơn giản, không có nhiều cài đặt. Dù vậy máy vẫn có chế độ chuyên nghiệp, cho phép điều chỉnh cân bằng trắng, ISO, tốc độ màn trập và lấy nét bằng tay.
Trong điều kiện ánh sáng thuận lợi, xuôi sáng, camera của Find X cho những bức ảnh với chất lượng tốt, chi tiết, độ nét, tương phản cao, màu sắc tươi tắn, tạo được độ sâu, nổi khối.
Máy được tích hợp AI để nhận diện cảnh vật, tự động tối ưu thông số tùy theo tình huống chụp. Tính năng AI sẽ âm thầm hoạt động, người dùng không thể bật tắt hay can thiệp gì thêm. Trong những bức ảnh chụp phong cảnh, phần bầu trời hay các gam màu nóng sẽ được camera của Find X đẩy lên cao hơn thực tế một chút nên trông nịnh mắt, độ sắc nét, nổi khối cũng được tăng lên. Với các ảnh chụp đồ ăn, màu sắc cũng được máy làm cho rực rỡ, bắt mắt hơn.
Tính năng AI sẽ tự thực hiện những điều chỉnh cho ảnh chụp phong cảnh, đồ ăn như tăng độ rực màu, độ tương phản
Với điều kiện ngược sáng, chênh sáng, camera của Oppo Find X sẽ tự động kích hoạt tính năng HDR giúp cải thiện đáng kể dải sáng trong ảnh. Tính năng HDR vẫn được đặt ở giao diện chính của camera để người dùng bật tắt khi cần thiết. Trong hầu hết các tình huống, ảnh HDR tự động của máy cho ấn tượng tốt, tự nhiên, dải sáng rộng. Các vùng chênh sáng mạnh trong ảnh như khu vực mặt trời hay các khu vực khuất sáng được tái tạo đầy đủ, chi tiết.
Ở điều kiện thiếu sáng, ảnh của Oppo Find X cho chất lượng ở mức khá. Độ nét, chi tiết trong ảnh được tái tạo đầy đủ, không bị bết hay làm mịn quá đà. Trong một số điều kiện rất thiếu sáng, máy đẩy mức ISO lên hơn 1600 nhưng ảnh vẫn không quá nhiễu, màu sắc cân bằng trắng vẫn được đảm bảo. Tốc độ chụp, bắt nét, lưu ảnh của Find X khi thiếu sáng vẫn nhanh, độ trễ thấp. Máy chống rung tốt, ảnh thiếu sáng hiếm khi bị mờ nhòe, mất nét dù tốc độ màn trập xuống thấp.
Ở khả năng chụp ảnh xóa phông, dù không có camera tele nhưng có vẻ như khi chuyển sang chế độ chụp làm mờ phông nền, camera của Find X sẽ tự động zoom vào một chút để hiệu ứng xóa phông được rõ nét và tự nhiên hơn. Máy không cho phép lựa chọn mức độ xóa phông cả trước và sau khi chụp. Ảnh xóa phông cũng không chọn lại được điểm nét. Ở chế độ chụp xóa phông, Find X được tích hợp các hiệu ứng ánh sáng cho khuôn mặt tương tự tính năng portrait lighting trên iPhone X.
Ảnh xóa phông từ Find X có chất lượng xóa phông tốt, phần phông nền xóa vừa phải, ít bị xóa lẹm. Màu sắc trong ảnh xóa phông có một chút khác biệt so với ảnh thông thường, theo hướng giảm độ tương phản, gần giống như các bộ lọc màu phim, càng làm ảnh ảnh trông "ảo" hơn. Tuy nhiên, máy chỉ xóa phông tốt nếu chụp chân dung dạng bán thân, camera ở sát chủ thể. Nếu chụp chân dung toàn thân, ảnh xóa phông của Find X dễ lỗi, trông không tự nhiên và bỏ sót nhiều khoảng trống cần làm mờ phông nền.
Ảnh selfie tự động làm đẹp với AI khá hiệu quả
Các điện thoại Oppo từ trước đến nay luôn được chú trọng về camera selfie, trên Find X điều này cũng không phải ngoại lệ khi máy được trang bị camera độ phân giải lớn 25 MP khẩu độ f/2.0, có tích hợp AI để tự động làm đẹp khuôn mặt. Camera selfie trên Find X cũng có các hiệu ứng ánh sáng dạng portrait lighting. Tốc độ "thò thụt" của cụm camera đủ nhanh để người dùng không phải chờ đợi lâu mỗi khi cần selfie.
Camera trước cũng hỗ trợ chụp xóa phông, cho những bức ảnh trông khá ảo
Chất lượng ảnh selfie của Find X cho kết quả tốt. Khi tắt hết các hiệu ứng làm đẹp hay AI, ảnh thu được có độ sắc nét, chi tiết cao, tái tạo trung thực khuôn mặt người chụp. Khi bật làm đẹp AI, ảnh được làm đẹp vừa phải, không quá ảo.
Hiệu năng mạnh mẽ, pin đủ dùng hơn ngày, sạc VOOC rất nhanh.
Cấu hình rất mạnh mẽ gồm CPU Snapdragon 845, 8 GB RAM đủ để đảm bảo Find X hoạt động trơn tru, mượt mà. Máy xử lý các tác vụ nhanh, tải game nhẹ nhàng. Với các ứng dụng benchmark quen thuộc như AnTuTu, Geekbench và GFX Bench thì điểm số của Oppo Find X đều ở top đầu.
Máy có hiệu năng mạnh mẽ, đáp ứng tốt mọi game trên Android
Điểm số trong các bài đánh giá hiệu năng của Find X tương đương những đối thủ cao cấp khác
Nhân đồ họa Adreno 630 trong SoC Snapdragon 845 cũng được các nhà sản xuất ưu ái nên phần lớn game đều hỗ trợ tùy chọn đồ họa tối đa, đẹp và chi tiết nhất. Tốc độ khung hình ở các game nặng cũng luôn được đảm bảo gần mức cao nhất là 60 FPS, trừ những game tự động giới hạn tùy chọn đồ họa như PUBG Mobile, ở mức đồ họa tối đa thì được khoảng 50 FPS do không bật được tùy chọn Frame Rate Extreme.
Game hiếm hoi không chơi được ở mức tối đa là PUBG Mobile, vì chưa hỗ trợ mức khung hình Extreme
Máy không có khe cắm thẻ, nhưng bộ nhớ trong 256 GB cũng đủ để lưu ứng dụng, chụp ảnh và quay video thoải mái. Nhìn chung về mặt hiệu năng thì Find X thể hiện đúng với những gì người viết trông đợi từ cấu hình của máy.
Pin của Find X đủ để dùng thoải mái trong ngày
Viên pin 3.730 mAh, kết hợp cùng màn hình Full HD+ giúp giảm gánh nặng đồ họa và chức năng quản lý pin khá chặt chẽ của Color OS đem lại thời gian sử dụng pin tốt trên Find X. Trong sử dụng thường ngày, với các ứng dụng thường xuyên dùng nhất là mạng xã hội, máy ảnh và game PUBG Mobile, tôi có thể dùng thoải mái với thời gian sáng màn hình khoảng 5 giờ mà đến cuối ngày máy vẫn còn 20% pin.
Kết quả của Find X trong các bài đánh giá pin tiêu chuẩn cũng ở mức tốt. Cụ thể máy đạt gần 14 giờ khi xem phim, gần 4 giờ chơi game liên tục và hơn 9 giờ lướt web.
Tất nhiên Find X cũng được trang bị công nghệ sạc nhanh độc quyền VOOC của Find X. Khi sạc bằng củ sạc và cáp theo máy từ mức cạn pin, chiếc điện thoại này đầy pin chỉ trong vòng 1 giờ, nhanh hơn nhiều nếu so với các máy dùng công nghệ Qualcomm QuickCharge.
Phần mềm Color OS
Phiên bản phần mềm Color OS 5.1 trên Oppo Find X chạy trên nền Android 8.1 với giao diện tùy biến mạnh từ Oppo. Giống như MIUI của Xiaomi hay EMUI của Huawei, các máy Oppo chạy Color OS hầu như giống nhau về các tính năng phần mềm, do vậy sẽ tạo được sự đồng nhất nếu người dùng nâng cấp từ một chiếc điện thoại tầm trung lên cao cấp. Người dùng cũng có thể tạo và đăng nhập Oppo ID để sử dụng kho ứng dụng, chủ đề, đồng bộ cài đặt trên các máy Color OS.
Giao diện Color OS giờ đây đã bớt "màu sắc" như tên gọi gốc của nó, và Oppo vẫn tích hợp khá nhiều tính năng cả hữu ích lẫn gây phiền phức
Find X hỗ trợ cả hai kiểu điều hướng là dùng nút ảo truyền thống trên Android và cử chỉ. Thậm chí với điều khiển cử chỉ, Oppo còn cung cấp đến 4 cách để người dùng lựa chọn. Bản thân người viết thường chọn cách số 1, với nút quay lại ở hai mép màn hình, bởi không giống như iOS, nút Back vẫn là tính năng không thể loại bỏ trên Android.
Mỗi khi cần nhập mật khẩu, máy lại sử dụng bàn phím của Oppo chứ không cho phép dùng bàn phím của bên thứ ba
Từ lâu Color OS đã làm các tính năng giống iOS và ở phiên bản mới nhất cũng vậy. Một số đặc điểm phần mềm học iOS thì hay hơn – như hiển thị ứng dụng ra màn hình chính, hoặc Oppo bắt dùng bàn phím của hãng mỗi khi nhập mật khẩu. Tuy vậy một số đặc điểm lại phiền toái hơn Android thông thường, như gạt bỏ từng thông báo mất đến 2 thao tác. Có lẽ Oppo chỉ nên học hỏi có chọn lọc những tính năng từ iOS để đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Hệ thống mở khóa gương mặt hoạt động nhanh, chính xác, chỉ mở khóa khi nhìn vào máy như iPhone X. Tuy nhiên nó không thể thay thế hoàn toàn cảm biến vân tay như chiếc iPhone
Oppo cũng cắt bỏ cảm biến vân tay và chỉ hỗ trợ xác thực bằng khuôn mặt như iPhone X. Hệ thống cảm biến hoạt động rất nhạy, mở khóa nhanh và chính xác kể cả khi dùng buổi tối, trong bóng đêm. Tuy nhiên hệ thống này lại không hỗ trợ xác thực trên ứng dụng quản lý mật khẩu hay ngân hàng. Việc phải nhập mật khẩu mỗi lần đăng nhập khá phiền phức nếu dùng các ứng dụng này thường xuyên.
Color OS có cơ chế quản lý ứng dụng chạy ngầm chặt chẽ đối với các ứng dụng bên thứ ba. Điều này có thể giúp kéo dài thời gian pin, nhưng với một số ứng dụng, ví dụ như Google Photos, việc bị ép không cho chạy ngầm có thể ảnh hưởng tới quá trình đồng bộ ảnh. Do vậy bạn có thể điều chỉnh sang chế độ "Cho phép chạy ngầm dưới nền" với những ứng dụng cần đồng bộ.
Khi xuất xưởng máy có cài sẵn nhiều ứng dụng như Zalo, WPS Office, Lazada, Zing MP3 hay UC Browser. Đây là một điểm trừ với những người không có nhu cầu sử dụng các phần mềm này. Dù sao thì Oppo cũng cho phép xóa hẳn ứng dụng cài sẵn.
Kết luận
Với Find X, có thể nói Oppo đã thoát khỏi cái bóng iPhone trong thiết kế. Find X cho thấy Oppo cũng có thể tạo ra một thiết bị độc đáo, sáng tạo. Thiết kế cụm camera trượt phá cách và lựa chọn chất liệu, màu sắc đẹp giúp đem lại một ngoại hình ấn tượng cho chiếc điện thoại này.
Trong thực tế, chất lượng và trải nghiệm sử dụng cụm camera này không được long lanh như ngoại hình. Câu hỏi lớn nhất được đặt ra là về độ bền sau một thời gian sử dụng, và trải nghiệm của người viết cho thấy người sử dụng Find X sẽ phải cẩn thận, nâng niu hơn các điện thoại thông thường.
Ở các khía cạnh khác, máy có hiệu năng mạnh mẽ, pin đủ dùng thoải mái một ngày, máy ảnh chụp tốt nhưng chưa vẫn kém một chút nếu với các máy cao cấp như Galaxy Note9 hay Huawei P20 Pro. Không chỉ có ngoại hình đẹp, Find X cũng đáp ứng đủ các nhu cầu của người dùng smartphone.
Dù vậy, phần mềm vẫn còn những điểm chưa ổn với ảnh hưởng quá lớn từ iOS. Giá bán của máy là 20,99 triệu, và trong tầm giá này người dùng có quyền yêu cầu cao và khắt khe hơn. Bên cạnh ngoại hình ấn tượng, Find X không thực sự nổi bật nếu so với các smartphone cạnh tranh. Đây là một chiếc điện thoại phá cách, nhưng phá cách không thôi thì chưa đủ với giá bán trên 20 triệu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo