Doanh nghiệp - Doanh nhân

Vinasoy: Cao tay hay chỉ gặp may?

Khi miếng bánh thị phần sữa đậu nành cho người lớn không thể nở thêm, thì dòng sản phẩm cho trẻ em sẽ là cánh cửa mới trong chiến lược trở thành chuyên gia của Vinasoy. Nhiều người cho rằng, Vinasoy gặp may khi các “đại gia” trong lĩnh vực này còn bỏ ngỏ thị trường này.

Khai phá thị trường ngách

 
Sau 5 năm ấp ủ ý tưởng và 1,5 năm thử nghiệm các thành phần, hương vị để phù hợp cho trẻ, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) đã tung ra dòng sản phẩm sữa đậu nành đầu tiên dành cho trẻ em tại Việt Nam - Fami Kid. Việc tung Fami Kid ra thị trường lúc này được Vinasoy kỳ vọng sẽ là lợi thế rất lớn để Công ty cạnh tranh, mở rộng thị phần và tăng năng lực sản xuất trong thời gian tới.
 
Ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc điều hành Vinasoy cho biết, vốn đầu tư để cho ra đời sản phẩm Fami Kid là không lớn, chủ yếu là trên cơ sở công nghệ và thiết bị hiện có, nhưng sự đầu tư lớn nhất là “chất xám” khi phải nghiên cứu rất kỹ các thành phần, hương vị để phù hợp với đối tượng khách hàng rất đặc thù là trẻ em.
 
Theo nghiên cứu thị trường của The Nielsen Việt Nam công bố hồi tháng 8/2014, Vinasoy dẫn đầu thị trường sữa đậu nành hộp giấy tại Việt Nam, với 80,4% thị phần. Giới phân tích cho rằng, với vị thế gần như độc quyền trên thị trường sữa đậu nành dành cho người lớn ở Việt Nam và chỉ trung thành với đậu nành, thì việc tham gia khai phá thị trường ngách dành riêng cho trẻ em được coi là giải pháp tăng trưởng mới của Vinasoy.
 
Hơn nữa, trên thế giới cũng chưa có sản phẩm sữa đậu nành dành cho trẻ em nào. Đây cũng là lợi thế để công ty này mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện Vinasoy chưa chia sẻ cụ thể hơn về chiến lược phát triển dòng sản phẩm mới này. Trước đó không lâu, khi trả lời báo chí, ông Ngô Văn Tụ không ngừng nêu tham vọng sẽ làm lớn chiếc bánh thị trường, hướng người tiêu dùng chuyển sang dùng sản phẩm tiện dụng (sữa đậu nành bao bì giấy) nhiều hơn nữa.
 
Hiện nay, các nhà sản xuất đậu nành mới chỉ cung ứng được gần 180 triệu lít, đáp ứng khoảng 1/4 sức tiêu thụ của thị trường, nên Vinasoy còn rất nhiều đất để phát triển. Liên tục trong những năm qua, Vinasoy đạt tốc độ tăng trưởng từ 40-60%/năm. Năm nay, doanh thu của Vinasoy dự kiến đạt trên 3.000 tỷ đồng, sản lượng tăng hơn 54 lần so với năm 2004.
 
May mắn hay chuyên gia về chiến lược?
 
Trước những thành công được coi là công phá trên thị trường thực phẩm đồ uống của Việt Nam khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều người cho rằng, Vinasoy gặp may khi các “đại gia” trong lĩnh vực này còn bỏ ngỏ thị trường này.
 
Nhưng cần phải nhắc lại câu chuyện của Vinasoy bắt đầu vào năm 1997. Khi ấy, một nhà máy sữa được thành lập trực thuộc Công ty Đường Quảng Ngãi, với tên gọi Trường Xuân. Với vốn đầu tư ban đầu 60 tỷ đồng, Nhà máy được trang bị một dây chuyền thiết bị hiện đại của Tetra Pak (Thụy Điển) công suất 10 triệu lít/năm, 100 công nhân. Sữa đậu nành Fami chỉ là một sản phẩm nhỏ trong đa dạng sản phẩm của nhà máy.
 
Là một nhà máy “non trẻ” trên thị trường sữa lúc bấy giờ, Nhà máy Trường Xuân phải đối mặt với đầy rẫy thách thức. Trong cuộc đua “không cân sức” với các nhãn hàng có tên tuổi và các hãng sữa ngoại nhập, như một quy luật tất yếu, sản phẩm không được thị trường chấp nhận, Nhà máy hoạt động cầm chừng và đứng trước nguy cơ “chết yểu”. Tổng sản lượng hàng năm của nhà máy chỉ đạt 1,1 triệu lít/ năm, với mức lỗ lên đến 30 tỷ (50% tổng vốn đầu tư ban đầu).
 
Thế nhưng, nhà máy đã tìm được chiếc phao cứu sinh vào năm 2001, khi sản phẩm sữa đậu nành Fami được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chọn làm sản phẩm độc quyền cung cấp cho Chương trình Sữa học đường tại Việt Nam. Đây cũng là lý do để nhà máy quyết định chỉ tập trung vào sản xuất sữa đậu nành, không chạy theo xu thế đa lĩnh vực, đa ngành nghề, đa dạng hóa sản phẩm như các công ty khác.
 
Năm 2003, Nhà máy Sữa Trường Xuân trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên chuyên về sữa đậu nành và mặt hàng tiên phong thâm nhập thị trường là sữa đậu nành Fami. Năm 2005, thương hiệu Vinasoy ra đời và Nhà máy Sữa Trường Xuân chính thức đổi thành Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy).
 
Năm 2012, Vinasoy đã đầu tư hơn 650 tỷ đồng để xây dựng nhà máy thứ 2 tại Bắc Ninh với công suất 180 triệu lít/năm. Việc đầu tư xây dựng nhà máy này đã đánh dấu một cột mốc lớn, khẳng định sự bứt phá mạnh mẽ tiềm lực kinh doanh của Vinasoy.
 
Với những gì đã trải qua, ông Tụ cho rằng, trong kinh doanh, chiến lược và sự may mắn cần đi song song. Nhưng chiến lược trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực luôn có giá trị riêng của nó. “Vinasoy muốn được coi như là một chuyên gia có sự sắc bén trong chiến lược kinh doanh trên thị trường sữa đậu nành Việt Nam”, ông Tụ cho biết.
 
Song cũng không loại trừ trường hợp các “ông lớn” thay đổi chiến lược, dòm ngó thị trường sữa đậu nành. Hiện nay, Vinamilk và Tân Hiệp Phát cũng có những động thái thâm nhập thị trường này, nhưng ở góc độ kinh doanh, Vinasoy rất cần sự cạnh tranh đó để phát triển. Và quyết định mở ra thị trường sữa đậu nành dành cho trẻ em cho thấy, Vinasoy phải chọn chiến lược tăng trưởng mới nếu muốn giữ vị thế ngôi vương.
Theo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo