Văn hóa

Vĩnh biệt tác giả ca khúc "Biết ơn chị Võ Thị Sáu"

(DNVN) - Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, người viết nên những ca khúc cách mạng, về những anh hùng thời chiến, trong đó có chị Võ Thị Sáu đã qua đời.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sinh năm 1929 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Thân sinh ông là nhà điêu khắc, họa sĩ nổi tiếng của Hà Nội – cụ Nguyễn Đức Thục nên từ nhỏ, ông đã được cha chỉ dạy những kiến thức cơ bản về hội họa dân tộc. Người anh họ của ông là danh họa Trần Văn Cẩn cũng tác động và tiếp thêm cảm hứng cho Nguyễn Đức Toàn đến với hội họa, báo VOV đưa tin.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Ảnh: Thể thao và Văn hóa

Nguyễn Đức Toàn từng kể rằng, ông lớn lên trong căn phòng la liệt những bức tranh của cha. Lúc biết bò là suốt ngày mặt mày lem luốc màu xanh, màu đỏ. 

Rồi ông được học vẽ tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Lúc bấy giờ, ông cứ ngỡ mình sinh ra để vẽ, để sau này trở thành họa sĩ, theo đuổi cái nghiệp cha của ông để lại. 

Nhưng tình cờ một ngày kia, ông chợt phát hiện thấy trong mình còn có một ngọn lửa sáng tạo khác cũng đang bùng cháy mãnh liệt, đó chính là niềm đam mê âm nhạc. 

Theo báo Thanh niên, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn cùng với những sáng tác của mình đã đi theo chiều dài lịch sử đấu tranh của đất nước. Tháng 8/1945, ông tham gia đoàn quân cách mạng, viết bài hát đầu tiên có tên Ca ngợi đời sống mới.

Năm 1946, ông tham gia đoàn kịch Sao Vàng cùng nhạc sĩ Đỗ Nhuận và lên đường đi kháng chiến. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông là Phó đoàn văn công Việt Bắc, tham gia diễn kịch, vẽ minh họa, trình bày báo và sáng tác ca khúc. 

 

Nhiều ca khúc đã ra đời trong khoảng thời gian này như Quê em, Chiều hậu phương, Lúa mới... Mặc dù là ca khúc kháng chiến, nhưng Quê em của Nguyễn Đức Toàn với tiếng hát của Thái Thanh - Thái Hằng đã vang trên sóng phát thanh ở vùng địch tạm chiếm.

Nguyễn Đức Toàn cũng là nhạc sĩ có nhiều sáng tác tưởng nhớ những người anh hùng, liệt sĩ: Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Noi gương Lý Tự Trọng, Bài ca Ngô Mây... Có lần ông chia sẻ, viết những ca khúc này không chỉ là nhiệm vụ mà chính những cảm xúc của một người lính, người đồng đội, người con của quê hương đã thôi thúc ông.

Không chỉ thành công với những ca khúc cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, mà theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, Nguyễn Đức Toàn còn có nhiều ảnh hưởng đến khuynh hướng sáng tác nhạc nhẹ sau năm 1975 tại miền Bắc. 

Nhiều ca khúc ra đời cho thấy phong cách sáng tác mới mẻ như: Hà Nội trái tim hồng, Chiều trên bến cảng, Câu chuyện tình yêu, Tình em biển cả... Bên cạnh những tác phẩm thanh nhạc, ông còn sáng tác khí nhạc, đồng thời có thời gian dài giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn mang hàm đại tá Quân đội nhân dân VN, được nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba. Năm 2000, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật.

 

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo