Vịnh Hạ Long: Biến kinh doanh thủy sản thành một sản phẩm du lịch
Mặc dù hồi tháng 6/2014 tỉnh Quảng Ninh thực hiện xong đề án di dời hơn 300 hộ dân ở các làng chài trên Vịnh Hạ Long lên bờ định cư ổn định, tuy nhiên, đến nay trên Vịnh vẫn còn tới 62 nhà bè có dân sinh sống, đang nuôi trồng thủy sản với các hoạt động cho khách du lịch tham quan, mua bán hải sản tự phát.
Nuôi trồng và kinh doanh thủy sản tự phát
Theo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, tại khu vực Cửa Vạn có 18 nhà bè, khu vực Hoa Cương có 30 nhà bè, khu vực Vông Viêng có 14 nhà bè. Trong số đó, có 6 trường hợp ở khu vực Cửa Vạn dù đã được tỉnh cấp nhà tái định cư ở phường Hà Phong nhưng vẫn quay lại vịnh sinh sống.
Số các nhà bè còn lại đều thuộc diện không được bố trí tái định cư do đã có nhà trên đất liền, hoặc người từ địa phương khác đến sinh sống.
Đa số các nhà bè này có các hoạt động nuôi trồng và kinh doanh thủy sản.
Từ ngày 9/1, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra các hoạt động nuôi trồng và kinh doanh thủy sản trên Vịnh Hạ Long.
Ông Nguyễn Trung Thành, Cán bộ quản lý thị trường, thành viên đoàn kiểm tra cho hay các hoạt động kinh doanh mua bán hải sản tại các bè nuôi trên Vịnh Hạ Long khá lộn xộn. Hầu hết các hộ không có giấy phép kinh doanh, hoặc số ít có giấy phép kinh doanh nhưng lại kinh doanh sai địa điểm cấp phép.
Tại vùng biển Hoa Cương, có nhiều nhà bè mới xuất hiện, chủ yếu là bè từ khu vực vụng Ba Hang chuyển về "tạm trú" cách đây chừng 2-3 tháng.
Tại đây, nhiều tàu du lịch vẫn tổ chức đưa, đón khách lên các nhà bè trồng thủy sản để tham quan, mua bán hải sản, cho dù đã có quy định cấm các hành vi này từ năm 2013, bởi các nhà bè không nằm trong danh mục là điểm đưa đón khách tham quan.
Theo ông Nguyễn Trung Thành, lực lượng quản quản lý thị trường khó có thể xử lý các bè nuôi về quy chế niêm yết giá. Với lý do, theo quy chế thì các tàu du lịch không được đưa đón khách lên các nhà bè, do vậy các nhà bè cũng không thể kinh doanh bán lẻ cho khách du lịch nên không nhất thiết phải treo bảng niêm yết giá. Còn ngược lại, nếu treo bảng niêm yết giá thì đồng nghĩa với việc họ thừa nhận có tổ chức đón khách du lịch lên bè.
Như vậy thì các tàu du lịch đã vi phạm quy chế của tỉnh. Việc này chỉ có thể xử lý các doanh nghiệp kinh doanh vận tải với lỗi đón, trả khách không đúng nơi quy định, chứ không thể xử lý được chủ các bè nuôi.
Trong đợt kiểm tra liên ngành vừa qua, lực lượng chức năng đã xử phạt 17 trường hợp chủ tàu du lịch tổ chức đưa khách lên bè tham quan với lỗi đón, trả khách không đúng điểm theo quy định.
Cần sớm có quy chế quản lý bè nuôi và kinh doanh thủy sản
Thiếu quy hoạch, quy chế quản lý đối với lĩnh vực nuôi trồng và kinh doanh thủy sản trên Vịnh Hạ Long là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tự phát như hiện nay.
Chị Lê Thị Luyến, hộ nuôi trồng hải sản trên Vịnh Hạ Long từ những năm 2000, vừa mới chuyển bè nuôi từ vụng Ba Hang về vụng Hoa Cương mong muốn chính quyền địa phương sớm có quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản ổn định, lâu dài và cấp giấy phép nuôi trồng cho các hộ.
Chị Luyến cho hay, nếu cứ nuôi thủy sản như hiện nay mà không được phép bán cho khách du lịch thì là một thiệt thòi lớn đối với người nuôi thủy sản, đồng thời cam đoan sẽ chấp hành mọi nghĩa vụ như đóng thuế, đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như các chính sách về hoạt động kinh doanh doanh hải sản khác của Nhà nước.
Bà Yin Yu Hong, khách du lịch đến từ Thượng Hải-Trung Quốc cho biết, ngoài cảnh đẹp Vịnh Hạ Long, bà rất thích thú khi được thăm các bè nuôi trồng thủy sản, giao tiếp với người bản địa trên Vịnh, được trực tiếp mua đồ hải sản tươi sống. Vị khách nước ngoài cho rằng đây là một cách thức tìm hiểu thêm về nét văn hóa bản địa.
Trước đây, xuất hiện tình trạng một số bè nuôi thủy sản trên Vịnh Hạ Long có hành vi "chặt chém," cân thiếu hàng hải sản cho khách du lịch, gây nhiều bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của du lịch Hạ Long. Vì vậy, cuối năm 2013, Quảng Ninh ban hành Quy chế tạm thời cấm các tàu du lịch tổ chức đưa khách tham quan, mua hải sản ở những bè nuôi trên Vịnh, bởi đây không phải là các điểm đón, trả khách.
Bà Phạm Thùy Dương, Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long cho biết hoạt động kinh doanh hải sản tại khu vực Ba Hang, Hoa Cương hiện nay là tự phát, không có sự quản lý của nhà nước, vi phạm quy định về môi trường kinh doanh du lịch.
Trong khi đó, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý gặp nhiều khó khăn. Hiện tượng này đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long, nhiều hộ dân đang sinh sống trên Vịnh Hạ Long hiện nay có nguyện vọng tiếp tục nghề nuôi trồng thủy sản. Thêm vào đó, nhu cầu của khách du lịch được tham quan bè nuôi và mua bán hải sản trên Vịnh Hạ Long rất lớn.
Hoạt động này có thể trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của Vịnh Hạ Long, góp phần tạo việc làm cho người dân, đặc biệt ngư dân của các làng chài cũ.
Chính vì vậy, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh xem xét đồng ý chủ trương thành lập điểm kinh doanh hải sản trên Vịnh Hạ Long.
Thắt chặt quản lý các hoạt động nuôi trồng, kinh doanh thủy sản trên Vịnh Hạ Long đang là một vấn đề cấp thiết được đặt ra.
Có quy hoạch phù hợp, có quy chế rõ ràng sẽ góp phần vừa bảo vệ được môi trường Vịnh Hạ Long, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cả người dân và cho các ngành chức năng quản lý vịnh tốt hơn, hạn chế được những tiêu cực trong kinh doanh du lịch trên di sản thiên nhiên thế giới này.
Đây là những mong mỏi của người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến Vịnh Hạ Long.
Theo Vietnamplus
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
DIFF 2025 hứa hẹn mở ra 'kỷ nguyên mới' của pháo hoa Đà Nẵng
Quỳnh Nga lên tiếng về tin đồn tình cảm với Việt Anh: “Chúng tôi chưa đúng thời điểm”
Thuỳ Tiên xuất hiện lộng lẫy, nhận cùng lúc 2 giải thưởng uy tín
Hòa Minzy nhập viện cấp cứu giữa đêm, tình hình hiện tại khiến nhiều khán giả lo lắng
Tam Triều Dâng phát cọc khi yêu đương “anh trai thư giãn” Võ Cảnh trong phim Tết
Quỳnh Nga một lần nói hết về tin đồn hẹn hò Việt Anh, thừa nhận rung động nhưng không phải yêu
Cột tin quảng cáo