Vĩnh Tràng - nét đẹp tâm linh của Tiền Giang
Chùa Vĩnh Tràng là ngôi chùa thờ phật lớn nhất tỉnh Tiền Giang, được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1984. Chùa bắt đầu được xây dựng từ đầu thế kỉ 19 bởi ông bà Bùi Công Đạt. Năm 1894, Hòa thượng Thích Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) về trụ trì đã tổ chức xây dựng thành ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Trường với ngụ ý ước cho chùa được “Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa”. Chính vì vậy, người dân vùng lân cận đến nay vẫn quen gọi là chùa Vĩnh Tràng. Năm 1907, Hòa thượng Trà Chánh Hậu cho sửa chữa phần chánh điện, pha trộn cả nét kiến trúc Á - Âu. Năm 1930, Hòa thượng Minh Đằng cho trùng tu toàn diện để chùa có diện mạo như ngày hôm nay.
Chùa được xây dựng theo dạng chữ “Quốc” của Hán tự, như các chùa Hoa nhưng chùa Vĩnh Tràng có những hoa văn theo kiểu thời Phục Hưng, vòm cửa theo kiểu La Mã, bông sắt theo phong cách Pháp, nền lót gạch men Nhật Bản. Riêng chữ Hán được viết theo kiểu chữ triện cổ kính, còn chữ quốc ngữ viết theo lối chữ Gô-tích. Nhìn tổng quan bên ngoài, kiến trúc chùa là sự giao thoa giữa Á và Âu một cách lạ mắt nhưng hài hòa. Tuy nhiên, kiến trúc bên trong chùa vẫn mang đậm lối kiến trúc điêu khắc truyền thống Việt Nam.
Gồm có bốn hạng mục nối tiếp nhau (tiền đường, chánh điện, nhà tổ, nhà hậu), ngôi chùa có diện tích 14.000m², dài 70m, rộng 20m, xây bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao 1m, xung quanh xây tường vững chắc. Riêng mặt trước của tiền đường thì được xây dựng theo lối kiến trúc hài hòa Âu – Á với những hàng cột thanh mảnh, vòm cong và hoa văn nhiều màu sắc. Đi vào bên trong ta sẽ thấy một màu vàng óng ánh được xếp trên các hình chạm, trên các tượng phật. Đáng chú ý hơn cả là những đôi long trụ trong ngôi chính điện, đó là những cây cột tròn to, bằng gỗ quý kiến trúc theo kiểu "thượng thu hạ cách".
Nhìn từ xa du khách sẽ có cảm tưởng chùa như một ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Châu Âu với những hàng cột thanh mảnh vòm cong, với bộ phù điêu bát tiên cưỡi thú cùng hoa văn thời phục hưng, vòm cửa kiểu La Mã, bông sắt của Pháp, gạch men của Nhật. Bên trong chánh điện và nhà tổ lại mang đậm nét kiến trúc Việt Nam, các hoành phi, tượng gỗ được chạm khắc rất khéo léo và tinh xảo với những hình ảnh vui tươi và sống động.
Phía trong ngôi chính điện và nhà tổ làm theo kiểu Trung Quốc nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc Việt Nam, nối hai ngôi này là một khoảng nhỏ có hòn non bộ ở giữa. Đứng trên hòn non bộ nhìn về mặt sau ngôi chánh điện, hai bên nhà cầu, mặt trước nhà tổ, ta sẽ thấy lối kiến trúc Rôma với những hàng đá hoa màu sắc sặc sỡ kiểu Pháp được trang trí trên thành nóc, trên những cột xây bằng xi măng kiểu cách.
Trong khuôn viên nhà chùa có Bộ tượng mười tám vị La Hán không thua kém về mặt nghệ thuật so với tượng các vị La Hán chùa Tây Phương. 18 bức tượng này nằm ở hai bên tường chánh điện, được tạc từ gỗ mít, mỗi tượng cao khoảng 0,8m, bề ngang gối là 0,58m. Các vị La Hán đều cưỡi thú, trên tay cầm bửu bối. Lối đặc tả của nhóm tượng này cũng mang dáng dấp riêng, rất Nam bộ, nhưng lại thành công trong việc mô tả cảm xúc đặc trưng của từng vị La Hán, chứng tỏ ngoài tay nghề, tác giả còn khá am tường giáo lý nhà Phật. Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường xác định những pho tượng đẹp nhất của chùa này là do thầy trò nghệ nhân Tài Công Nguyên thực hiện khoảng đầu thế kỷ 20. To nhất là tượng Di Đà do ông Tống Hữu Trung ở Vĩnh Long hiến cúng. Ngoài ra còn có tượng Hộ Pháp khuyến thiện trừng ác… Tất cả thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng tròn khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Xung quanh chùa là những vườn cây cảnh trồng nhiều loại hoa thơm cỏ lạ, những hồ nước thơm ngát hương sen và những cây cổ thụ che trùm bóng mát, tạo nên sự hài hòa tuyệt vời giữa khung cảnh thiên nhiên với không gian kiến trúc, khiến chùa thêm cổ kính, thâm nghiêm. Nổi bật giữa hoa viên là pho tượng phật Di Đà cao 24m (bệ 6m, tượng 18m). Tượng màu trắng, diễn tả Phật đang đứng trông nom chúng sinh các cõi. Tượng Phật được nhiều người địa phương cho là biểu tượng của ngôi chùa hiện nay.
Theo các chuyên gia văn hóa thì vẻ đẹp của chùa tập trung ở nghệ thuật tạo hình và có thể xem chùa Vĩnh Tràng là sự phản ánh lịch sử mỹ thuật của đất Tiền Giang. Hàng ngày, ngoài thiện nam tín nữ phật tử đến chiêm bái, còn có nhiều khách du lịch đến tham quan chùa Vĩnh Tràng; đông đảo nhất là vào các ngày rằm, mồng một, và các ngày lễ của đạo và ngoài đời.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Lộ clip nghi hiện trường vụ Đàm Vĩnh Hưng bị đứt vài ngón chân, hành động của nam ca sĩ gây tranh cãi
Chồng Thu Phương hé lộ việc vợ chồng Bích Tuyền chuẩn bị khởi kiện ngược Đàm Vĩnh Hưng
Thông tin bất ngờ vụ Đàm Vĩnh Hưng bị đứt vài ngón chân, thực hư chuyện hai bên lên kịch bản lấy bảo hiểm
Thông tin nóng vụ Đàm Vĩnh Hưng hát ở nước ngoài dù đang bị cấm diễn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL lên tiếng
Kể chuyện hoa Đà Lạt bằng thời trang
Netizen xôn xao khi biết tình trạng hôn nhân thực sự ở hiện tại của Kim Lý và Hồ Ngọc Hà