Vụ bắn hạ kẻ hãm hại bé sơ sinh: Thiếu tá nổ súng là đúng?
Ông Huỳnh Đông Bắc - Chánh văn phòng VKSND tỉnh Kiên Giang: “Việc nổ súng cứu người trong tình huống khẩn cấp như vậy là phù hợp với quy định pháp luật, nếu không hậu quả sẽ khôn lường”. Báo Pháp Luật TP.HCM thông tin.
Chiều 7/9, trao đổi với PV, Đại tá Đỗ Minh Dũng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang cho biết: Công an tỉnh đang phối hợp với VKSND tỉnh Kiên Giang làm rõ việc Thiếu tá Lê Minh Chánh, Trưởng Công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, nổ súng bắn hạ Nguyễn Văn Hữu (ngụ địa phương này), người say rượu đánh hàng xóm trọng thương và suýt dìm chết cháu bé sơ sinh 13 ngày tuổi.
Đại tá Đỗ Minh Dũng cho biết, việc Thiếu tá Chánh nổ súng để bắn Hữu là cấp thiết để cứu cháu bé mới 13 ngày tuổi đang bị đe dọa tính mạng. Trước đó, công an đã vận động Hữu hơn hai giờ nhưng người này vẫn giữ cháu bé chặt trong tay.
Đại tá Dũng thông tin thêm: “Ngay sau khi Hữu bị bắn vào bụng, công an địa phương đã đưa anh ta đến BV Đa khoa huyện Phú Quốc cấp cứu ngay tức thì. Tuy nhiên, dù được cứu chữa tận tình của bác sĩ nhưng do mất máu nhiều nên Hữu tử vong sau đó”.
Thiếu tá Lê Minh Chánh, Trưởng Công an thị trấn Dương Đông - người nổ súng hạ nghi phạm cứu cháu bé 12 ngày tuổi bị dìm nước cho biết trên báo Công an TP.HCM: "Lúc đó, tôi nổ súng bằng lương tâm và trách nhiệm của chiến sĩ Công an. Phát đạn trúng vào bụng Hữu, tôi chạy lại ôm cháu Ngọc...”
Sau khi kiểm tra hiện trường gặp gỡ nạn nhân cũng như người có liên quan, 17 giờ ngày 7/9, Đại tá Dũng nói: “Để khách quan, Công an cùng Viện kiểm sát tỉnh tiến hành khám nghiệm hiện trường kết luận vụ việc.
Bước đầu, chúng tôi nhận thấy, việc nổ súng là tương xứng với hành vi của đối tượng bởi lực lượng Công an đã áp dụng nhiều biện pháp. Công an thị trấn Dương Đông không còn cách nào khác ngoài việc nổ súng. "Mẹ cháu bé đang bị bất tỉnh, cháu bé 13 ngày tuổi bị đối tượng túm chân xốc ngược, tay của đối tượng cầm hung khí nên công an phải có biện pháp khẩn cấp. Chúng tôi sẽ tổ chức họp và có kết luận chính thức”. Đại tá Dũng cho biết thêm.
Ông Huỳnh Đông Bắc, Chánh văn phòng VKSND tỉnh Kiên Giang, cho hay: “Qua quá trình điều tra cho thấy hung thủ đã ngoan cố và có nhiều hành động cuồng sát nên công an thị trấn Dương Đông sau khi vận động không được mới nổ súng. Việc nổ súng cứu người trong tình huống khẩn cấp như vậy là phù hợp với quy định pháp luật, nếu không hậu quả sẽ khôn lường”.
Cũng theo ông Đông Bắc, qua kiểm sát điều tra sự việc này không có dấu hiệu vi phạm pháp luật. “Thực tế, trong những tình huống cấp thiết như vậy, sau khi áp dụng mọi biện pháp mà đối tượng vẫn không dừng hành động phạm tội thì công an phải nổ súng để trấn áp tội phạm, giành lại sự sống cho em bé 13 ngày tuổi”.
Được biết, Hữu ra tù năm 2007 về hành vi cướp tài sản. Sau đó, y không tiếp tục nghề đi biển mà nhậu nhẹt, tụ tập với một số đối tượng xấu ăn nhậu. “Còn thông tin đối tượng có sử dụng hàng đá hay không, chúng tôi chờ kết luận giám định” - Đại tá Dũng nói.
Hiện thi thể Hữu được bàn giao cho gia đình an táng. Đại diện lãnh đạo thị trấn Dương Đông đến chia buồn với gia đình Hữu. Sức khỏe chị Ly và cháu bé đã bình phục. Mẹ cháu bé bị chấn thương phần mềm vùng đầu, còn bé gái không còn khóc thét, bú ngon.
Quy định nổ súng Khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc nổ súng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng tuân theo các nguyên tắc sau đây: - Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng; - Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay; Các trường hợp nổ súng gồm: - Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; - Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; - Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; (Trích Điều 22 Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 vềquản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ) |
End of content
Không có tin nào tiếp theo