Vượt tật nguyền, thạc sĩ 9X thành triệu phú
Không chấp nhận những hoài bão của mình phải phải bó hẹp bởi đôi chân tật nguyền, Trần Kim Việt (Sn 1990) đã thực hiện ước mơ bằng chính nghị lực của bản thân.
Ngược đường lên miền núi xã Hương Long (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) chúng tôi đến thăm vườn cây giống của anh chàng triệu phú thế hệ 9X.
Nhìn những lớp cây giống non xanh mởn, bạt ngàn trong khuôn viên rộng gần 200m vuông ít ai nghĩ chủ nhân là một thanh niên trẻ với đôi chân không lành lặn. Ngạc nhiên hơn đây chỉ là 1 trong những mô hình cây giống của chàng trai trẻ ấy.
Trần Kim Việt là con trai đầu trong gia đình có 3 anh em. Không may mắn như các bạn cùng trang lứa, Việt sinh ra với đôi chân yếu ớt do di chứng chất độc da cam từ người bố. Chân trái của Việt bị teo cơ, chân phải cũng phát triển không bình thường, đi lại rất khó khăn.
Bất hạnh của số phận không làm Việt nhụt chí mà nó còn là động lực để Việt vươn lên. 12 năm đến trường Trần Kim Việt luôn khiến bố mẹ phải tự hào, bạn bè phải nể phục vì thành tích học tập của mình. Năm nào, Việt cũng đạt các danh hiệu như học sinh xuất sắc, học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và thi đậu vào khoa Nông Lâm Ngư, trường ĐH Vinh với số điểm khá cao.
Khâm phục hơn từ năm lớp 8 Việt đã tự trang trải chi phí học tập của mình bằng nghề sửa chữa xe đạp. “Trước đây, ông nội mình có sửa xe đạp nên mình nhìn rồi học theo. Đến lớp 8, gia đình khó khăn quá nên mình cũng kiếm được một vị trí gần trường để sửa xe đạp mỗi khi không đi học”, Việt cho biết.
Đến khi vào Đại học, Việt còn tranh thủ gia sư ban đêm rồi đi bán sách cho những nhà sách ở TP Vinh để kiếm thêm tiền sinh hoạt và mua tài liệu học tập. “Kiếm tiền chỉ để đỡ đần bố mẹ nhưng mình luôn xác định học vẫn là công việc trọng tâm”, chàng trai trẻ tâm sự.
Nhờ những nỗ lực của bản thân, 4 năm liền Việt luôn nhận học bổng sinh viên khá, giỏi và sinh viên vượt khó Watanabe – Kanda của Nhật Bản. Đặc biệt, Việt là 1 trong những thanh niên tiêu biểu được nhận giấy khen “Sao tháng giêng” của hội sinh viên trường đại học Vinh và nhiều thành tích khác.
Bằng niềm tin và nghị lực vượt khó, năm 2012, Trần Kim Việt tốt nghiệp cùng lúc 2 ngành học, là Nông học và Công nghệ Thông tin của Đại học Vinh. Tháng 10/2014, Việt tiếp tục bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ về "Khoa học cây trồng" của mình tại trường ĐH Vinh.
Triệu phú 9X
Bén duyên với cây dó trầm từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Việt và 3 bạn trong lớp Đại học đã từng làm đề tài về “Nghiên cứu kỹ thuật tạo trầm cho cây trầm hương” và được thầy cô đánh giá cao. Sinh ra tại mảnh đất có tiếng về câu dó trầm nên Trần Kim Việt hiểu giá trị của trầm hương cũng như sự vất vả công việc “ngậm ngải tìm trầm” của người dân.
“Chu kỳ phát triển của cây dó trầm dài mà nhu cầu của thị trường lại lớn, con người vào khai thác lại rất mạnh. Nên một tương lai gần, cây trầm hương sẽ bị cạn kiệt. Từ việc thấy được giá trị của cây dó trầm, để duy trì và phát triển nó thì tôi đã dốc tâm nghiên cứu cây dó trầm”, Việt cho biết.
Thế nhưng để thay đổi nếp nghĩ, cách làm truyền thống đã gắn bó bao đời với bà con nhân dân luôn là điều không hề dễ dàng. Anh nghĩ rằng, không gì thuyết phục bằng chính hiệu quả thực tế bằng cách ươm cây ngay tại vườn nhà.
Trước khi có được thành công, Việt đã nếm không ít thất bại, khó khăn. Nhớ lại khoảng thời gian đó, chàng trai 9X tâm sự: “Có những lúc mua hạt giống về ươm thối hết, trong khi tiền lại không có. Mình lại tiếp tục ra ở ngoài Bắc để mua tiếp về làm. Bố mình nói thôi, nhưng tính mình đã làm thì phải làm bằng được”. Qua nhiều lần, chàng trai trẻ tự rút ra cho mình được kinh nghiệm và phương pháp ươm cây.
“Một trọng những hạn chế của việc ươm dó trầm là rất dễ sâu bệnh, nấm. Để khắc phục điều này, khi chở cát về thì mình sẽ phơi qua 1- 2 nắng, để làm sạch những mầm bệnh trong đó. Sau đó, phun qua các dung dịch khử để hạn chế nấm.
Thời gian qua, mình đã áp dụng gieo cây trên cát cho cây trầm hương, bởi hạt cây trầm hương rất dễ bị nhiễm nấm. Rất nhiều người bị thất bại do nhiễm nấm nhưng mình sử dụng cát thì hoàn toàn nó không bị nấm. Đồng thời, đây là cát sạch, cát xây thì sau khi gieo xong thì mình có thể tràng qua cát lấy các phần vỏ và phần hạt không mọc”, Việt vui vẻ chia sẻ bí quyết.
Những lứa cây con đạt chất lượng tốt, dần dần vươn lên trên mảnh vườn của chàng trai tật nguyền khiến nhiều bà con làm vườn cũng tìm đến. Đến bây giờ vườn cây giống của Trần Kim Việt không chỉ có uy tín trong tỉnh và nhiều bạn hàng ở tỉnh khác cũng tìm đến.
Không dừng lại ở cây dó trầm, Trần Kim Việt còn tìm hiểu, phát triển thêm hàng chục giống cây mới phù hợp với nhu cầu thị trường trên diện tích vườn ươm hiện có. "Công nghệ thông tin rất hữu ích để mình tìm các loại cây phù hợp với nhu cầu và có lợi ích kinh tế cho bà con. Qua đó, mình cũng liên kết với các bạn hàng...".
Nơi nào có vườn ươm lớn, năng suất cao, anh lại tìm đến học hỏi từ vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, Tây Bắc, Tây Nguyên… Nhiều nơi, Việt phải “nằm vùng” gần 2 tháng trời để hiểu về phương pháp ghép, đặc tính của cây.
Nhiều giống cây trồng hiệu quả, có năng suất cao cũng dần dần xuất hiện từ vườn ươm của Việt như: cam chanh Vũ Quang, Cam bù Hương Sơn, Cam sành, Bưởi Phúc Trạch, Ổi Đài Loan, Dừa sim lùn, ổi Đông Du, ổi tím…; các loại cây công nghiệp như: cây sưa đỏ, vàng tim, dổi xanh,… và đặc biệt là 16 vạn cây dó bầu.
“Tôi trồng cây dó của anh Việt lứa đầu, tôi cảm thấy được. Đến giờ tôi trồng cây sưa của anh Việt thì cũng nhờ sự học hỏi của anh Việt về cố vấn nữa thì cũng đỡ ra, thì cây phát triển nhanh hơn. Đến giờ là chúng tôi đã trồng được mấy chục ha rồi”, ông Lê Khắc Hải- Xóm 5, xã Hương Long, huyện Hương Khê tâm đắc.
Hiện nay, Việt đang triển khai dự án trồng 1 hecta xen canh cây đinh lăng và cam Vinh, 3 hecta độc canh cây đinh lăng và 2 ha loài bơ Trịnh Mười. Trong năm sau, 4 vạn cây sưa giống của Việt dự kiến sẽ xuất sang thị trường Trung Quốc.
Hằng ngày từ những vườn ươn cây giống đưa về cho Việt và gia đình doanh thu từ 300.000 đến 500.000 đồng tiền lãi. Một năm trừ các khoản chi phí, chàng trai trẻ này có trên 100 triệu.
Không chỉ say mê với những giống cây trồng, Trần Kim Việt còn mở trung tâm tư vấn tuyển sinh miễn phí cho học sinh tại huyện. “Từng trải qua quãng thời gian loay hoay để định hướng lối đi cho riêng mình, nên mình càng hiểu và đồng cảm hơn làm sao để các em chọn đúng hướng đi cho nghề nghiệp tương lai của bản thân”, đó cũng là trăn trở của Việt.
Theo Dân trí
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo