Bác sĩ cảnh báo không được tự chữa COVID-19 theo “bài thuốc” lan truyền trên mạng
'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / VTVcab thêm 4 kênh truyền hình giải trí mới từ 1/7
Không chữa khỏi Covid-19 mà còn gây ngộ độc, có nguy cơ tử vong
Trên mạng xã hội đang lan truyền "bài thuốc" trị COVID-19, với ghi chú "xông và uống thuốc đều trong 7 ngày sẽ khỏi". Theo đó, ngay khi cơ thể xuất hiện mệt mỏi, đau nhức chân tay là phải uống paracetamol (thuốc hạ sốt) ngày 3 lần, mỗi lần 2 viên. Hai ngày tiếp theo, khi xuất hiện thêm các triệu chứng như sốt nhẹ hoặc sốt cao, đau nhức, tiếp tục duy trì liều paracetamol ngày 6 viên chia 3 lần, kết hợp với xông.
Bài thuốc được chia sẻ trên mạng xã hội với hướng dẫn sử dụng liều paracetamol tối đa dẫn đến nguy cơ gây ngộ độc.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, cách chữa như trên dễ gây ngộ độc paracetamol là loại ngộ độc thường gặp nhưng âm thầm, dễ bỏ sót.
Paracetamol (tên gọi khác là acetaminophen) là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt mức độ trung bình. Ngộ độc paracetamol là nguyên nhân gây ngộ độc thường gặp nhất ở các nước phát triển. Do các biểu hiện ngộ độc paracetamol rất kín đáo, thậm chí vài ngày đầu nếu không xét nghiệm theo dõi thì không thể biết, khi được phát hiện đã muộn, tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp, hôn mê gan và tử vong.
Nguy hiểm hơn, paracetamol là thuốc thuộc diện không phải kê theo đơn, nghĩa là người dân có thể tự mua ở các hiệu thuốc về để chữa các biểu hiện đau, sốt do nguyên nhân thông thường hoặc xử trí ban đầu trước khi tới bệnh viện. Trên thị trường, có tới hàng trăm biệt dược tên gọi khác nhau có chứa thành phần chính là paracetamol, trong đó với dạng viên có hàm lượng paracetamol mỗi viên phổ biến là 500mg. Ngoài ra, thuốc có thể ở dạng viên đặt hậu môn, gói bột hoặc si-rô.
Mặc dù có tên gọi khác nhau nhưng về bản chất tất cả các sản phẩm trên có thành phần tương tự nhau, người dân rất dễ dùng cùng lúc hoặc liên tiếp nhiều sản phẩm do bệnh không đỡ, kéo dài hoặc muốn dùng nhiều thuốc để có tác dụng mạnh, dẫn tới tổng liều paracetamol hàng ngày vượt quá quy định, dẫn tới quá liều và ngộ độc.
Các biểu hiện ngộ độc ban đầu thường kín đáo, thậm chí không biểu hiện gì, hoặc có thể lẫn với các biểu hiện của bệnh gây đau, sốt. Tuy nhiên khi xét nghiệm sẽ thấy men gan tăng dần, bắt đầu từ ngày thứ 2, thứ 3 trở đi. Với trường hợp ngộ độc do lạm dụng thuốc thì tổn thương gan có thể chậm hơn. Khi bệnh nhân đã có vàng da, chán ăn…tức là đã muộn. Khi có viêm gan nặng, người bệnh dễ bị suy gan, hôn mê gan, khi đó tỷ lệ tử vong tới 50% hoặc hơn.
Để sử dụng paracetamol an toàn khi giảm đau, hạ sốt, chúng ta cần biết liều paracetamol tối đa với người Việt Nam có thể trạng trung bình và không có các yếu tố nguy cơ nêu trên là không quá 3 gam/24 giờ với người trưởng thành và trẻ em 15mg/kg cân nặng cho mỗi lần và không quá 6 lần/24 giờ. Trên thực tế các bác sĩ khi kê thuốc cho người bệnh trưởng thành chỉ kê 1-1,5 gam paracetamol cho mỗi 24 giờ (tương đương 2-3 viên loại hàm lượng 500mg). Tốt nhất là dùng liều thấp nhất có thể.
Ngoài ra, luôn chú ý đến các loại thuốc khác đang dùng (đặc biệt một số thuốc chữa bệnh lao hoặc động kinh làm tăng độc tính của paracetamol) và thể trạng của người bệnh dễ bị ngộ độc paracetamol (lạm dụng rượu, gầy yếu, suy nhược, ăn kém, nhiễm trùng nặng hoặc các bệnh gây suy mòn).
Trước đó, trên mạng xã hội cũng lan truyền thông tin sử dụng thuốc HydroxyChloroquine và Azithromycin để điều trị COVID-19. Một trường hợp được tiếp nhận và cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai có liên quan đến 1 trong 2 loại thuốc này. Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng mờ mắt, nôn nhiều, suy hô hấp, chẩn đoán bị ngộ độc sau khi tự dùng thuốc. Trước đó, bệnh nhân đã uống 10 viên Chloroquine (loại 250 mg) để phòng COVID-19 theo thông tin truyền nhau trên mạng. Đáng nói, bệnh nhân còn mua dự trữ ở nhà 100 viên với mục đích dùng cho bản thân và những người trong gia đình.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, HydroxyChloroquine và Azithromycin thuộc nhóm thuốc chỉ được bán và sử dụng khi có đơn thuốc theo quy định. Riêng Hydrochloroquine là thuốc được sử dụng trong điều trị sốt rét và một số bệnh khác như diệt amíp ngoài ruột, viêm đa khớp dạng thấp, lupus ban đỏ. Thuốc có nhiều tác dụng phụ như rối loạn về máu và hệ tạo máu, gây giảm bạch cầu (tăng nguy cơ nhiễm trùng), giảm tiểu cầu (tăng nguy cơ chảy máu). Đặc biệt, khi sử dụng thuốc liều cao và kéo dài sẽ dẫn tới bị ngộ độc với nhiều biểu hiện như ngừng tim đột ngột, rối loạn nhịp thất, hạ huyết áp; rối loạn nhìn, nhìn mờ, thậm chí mù mắt; rối loạn về nghe, điếc, giảm thính lực, co giật, hôn mê…Việc người dân tự ý sử dụng thuốc có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Bác Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cho biết: “Người dân hết sức sai lầm khi đổ xô tìm mua loại thuốc trị sốt rét để sử dụng nhằm phòng ngừa hay điều trị COVID-19. Loại thuốc này sử dụng phải có chỉ định, không thể tự uống được’.
Các bác sĩ của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, những trường hợp dương tính với COVID-19 phải nhập viện điều trị, không tự điều trị ở ngoài. Những bài thuốc trên mạng đều là đồn thổi vô căn cứ, chỉ khuyến khích người dân uống thuốc nâng cao thể trạng như vitamin, ăn uống đủ chất, tập thể dục…
Lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe để lừa đảo qua mạng
Lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe của người dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng xấu đã thực hiện các hành vi lừa đảo, trục lợi qua mạng.
Theo đánh giá của các chuyên gia Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), các cuộc tấn công lừa đảo này đều sử dụng kỹ thuật cũ nhưng lợi dụng những nội dung, thông tin theo cách mới khiến cho người dân mất cảnh giác và dễ mắc bẫy.
Cụ thể, đối tượng xấu giả mạo là nhân viên của tổ chức y tế trong nước hoặc quốc tế, điển hình như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương của Việt Nam, Trung Tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, hay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để gửi thư điện tử cho người dùng với tập tin đính kèm, hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung giả mạo thông tin cập nhật tình hình dịch COVID-19. Khi mở các tập tin đính kèm hay click vào liên kết, máy tính của người dùng sẽ bị tấn công bởi mã độc hoặc có thể bị lộ lọt, đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng được lưu trữ trực tuyến.
Một loại hình gian lận nữa mới xuất hiện là giả mạo trang web liên quan đến COVID-19. Theo quan sát của các chuyên gia NCSC, thời gian gần đây đã có rất nhiều tên miền Internet có chữ “Covid” được đăng ký.
Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo còn sử dụng mánh khóe liên quan đến việc điều trị bệnh. Tâm lý hoảng loạn lo sợ lây nhiễm COVID-19 khiến nhiều người tìm cách để tự phòng ngừa và chữa trị. Lợi dụng điều này, đối tượng lừa đảo dùng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá nhiều sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa COVID-19 để lừa nạn nhân.
Đối tượng lừa đảo còn tuyên truyền các phương thuốc chưa từng được kiểm chứng. Đã có trường hợp đối tượng xấu giả làm bác sĩ, nhân viên bệnh viện và mạo nhận đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi COVID-19, yêu cầu nạn nhân thanh toán phí cho quá trình điều trị đó.
Cùng với việc tự nâng cao cảnh giác, các chuyên gia NCSC cho rằng, để ngăn chặn tình trạng lừa đảo qua mạng, người dùng có thể gửi đường link lừa đảo hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn. Khi đó, NCSC sẽ phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý để hạn chế vấn nạn lừa đảo trực tuyến.
End of content
Không có tin nào tiếp theo