Xã hội

Đà Nẵng: GRDP năm 2022 tăng mạnh nhưng thu nhập của người lao động giảm

DNVN - Sáng 30/12, Cục Thống kê Đà Nẵng tổ chức họp báo chính thức công bố các số liệu về tình hình kinh tế xã hội TP Đà Nẵng năm 2022 đã được cấp thẩm quyền của trung ương phê duyệt. Theo đó, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn cả năm 2022 ước tăng 14,05% so với năm 2021; tăng 15,34% so với năm 2020 và tăng 6,34% so với năm 2019.

Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Đà Nẵng 2022: Tập trung phục hồi và phát triển du lịch quốc tế / Đà Nẵng: Cần phân tích rõ nguyên nhân thu ngân sách có dấu hiệu chững lại

Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, quy mô nền kinh tế toàn TP theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt hơn 125.200 tỷ đồng, mở rộng gần 17.400 tỷ đồng so với năm 2021 và tăng hơn 14.000 tỷ đồng so với 2019 là năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Trong đó, giá trị tăng thêm (VA) khu vực dịch vụ tăng hơn 13.600 tỷ đồng; công nghiệp - xây dựng tăng gần 2.650 tỷ đồng; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng hơn 140 tỷ đồng và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 954 tỷ đồng so với năm 2021.

Cục Thống kê Đà Nẵng họp báo sáng 30/12 công số số liệu kinh tế - xã hội TP năm 2022

Cục Thống kê Đà Nẵng họp báo sáng 30/12 công số số liệu kinh tế - xã hội TP năm 2022

“Năm 2022 GRDP của Đà Nẵng xếp thứ 3 cả nước về tốc độ phát triển và xếp thứ 17/63 về quy mô. Ở Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ, Đà Nẵng xếp thứ 2/14 về tốc độ phát triển (sau Khánh Hòa) và xếp thứ 3 về quy mô (sau Thanh Hóa, Nghệ An). Trong 5 TP trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng dẫn đầu về tốc độ phát triển và xếp thứ 4/5 về quy mô; trong 5 địa phương Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng dẫn đầu cả về tốc độ phát triển và quy mô GRDP”, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ cho biết.

Đáng chú ý, theo ông Trần Văn Vũ, so với trước khi xảy ra dịch COVID-19, đời sống của người lao động dường như đang dần trở lại trạng thái bình thường mới và được đảm bảo, tuy nhiên vẫn chưa cán mốc năm 2019. Mức thu nhập bình quân của người làm công hưởng lương năm 2022 đạt 7.321 nghìn đồng/người/tháng, giảm hơn 3% tương ứng giảm gần 240 nghìn đồng/người/tháng so với năm 2019.

Trả lời PV Doanh nghiệp Việt Nam vì sao GRDP của Đà Nẵng năm 2022 tăng mạnh nhưng thu nhập của người làm công ăn lương lại giảm, ông Trần Văn Vũ cho biết, tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng cuối năm 2022, một số đại biểu cũng đặt câu hỏi vì sao các số liệu công bố kinh tế TP hồi phục và phát triển nhưng đời sống nhiều người lao động vẫn còn khó, còn khổ?

Theo bà Nguyễn Thị Kiều Liên, Trưởng phòng Thống kê tổng hợp (Cục Thống kê Đà Nẵng), năm 2022 lao động (15 tuổi trở lên) ở Đà Nẵng có việc làm tăng gần 17% so với năm 2021 nhưng tỷ lệ lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn với hơn 52%. “Chính vì vậy cũng ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Họ có việc làm nhưng không thuộc lĩnh vực kinh tế chính thức nên công việc không ổn định, thu nhập rất thấp”, bà Nguyễn Thị Kiều Liên nói.

Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ trả lời các câu hỏi tại cuộc họp báo

Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ trả lời các câu hỏi tại cuộc họp báo

Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ thì nêu rõ, GRDP năm 2022 của TP tăng hơn 14% là so với năm 2021 (chỉ tăng 0,18%). “Mức tăng năm nay cao là do điểm xuất phát của năm trước thấp quá chứ tốc độ tăng đó chưa phản ảnh được hết chất lượng nền kinh tế. Tuy năm 2022 Đà Nẵng tăng trưởng kinh tế đạt khá nhưng chưa đồng đều, chủ yếu mới lĩnh vực dịch vụ, còn một số ngành công nghiệp tiếp tục đối mặt khó khăn, chưa thể phục hồi”, ông Trần Văn Vũ nói.

Theo ông, nền kinh tế Đà Nẵng được xây dựng với cơ cấu dịch vụ chiếm 63 – 65%, công nghiệp, xây dựng 25 – 27%, nông nghiệp 2 – 3%. Năm 2020 – 2021 xảy ra dịch COVID-19 thì lĩnh vực dịch vụ bị tác động lớn nhất. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát thì dịch vụ cũng là ngành có sự phục hồi nhanh nhất; còn công nghiệp, xây dựng bị tác động chậm hơn song cũng phục hồi chậm hơn, đến nay hầu như vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.

“Không có nhà hàng, khách sạn nào tuyển cả ngàn lao động như các nhà máy, KCN. Hiện lĩnh vực dịch vụ phục hồi thì lao động bước đầu có việc làm, có thu nhập tuy chưa đạt được như khi chưa có dịch. Trong khi đó, ngành công nghiệp, xây dựng phục hồi chậm nên đời sống người lao động còn nhiều khó khăn. Đặc biệt 2 tháng cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp sản xuất thiếu đơn hàng nên đời sống của người lao động sẽ tiếp tục gặp khó”, ông Trần Văn Vũ nói.

Theo ông Trần Văn Vũ, mặc dù theo Nghị quyết, dịch vụ chiếm tỷ trọng 63 – 65% trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng, tuy nhiên năm 2022 lĩnh vực này đã chiếm đến 68,39%. Nếu không kịp thời tính toán điều chỉnh để có sự phát triển cân đối và bền vững hơn, lỡ lại xảy ra những biến cố tương tự như dịch COVID-19 thì nền kinh tế Đà Nẵng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm