Đà Nẵng: Sức chống chọi của nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt
'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Công nhân Đà Nẵng dương tính sau khi tiêm vaccine: 538 người cùng Công ty đều âm tính
Hơn 43% doanh nghiệp VCCI được hỏi đang tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể
Ngày 21/9, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) cho hay, để thu thập, đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch năm 2021 cũng như sự tác động của các chính sách đối với các DN hội viên, từ ngày 28/8 đến 10/9 là thời gian TP Đà Nẵng áp dụng chủ trương "ai ở đâu thì ở đó", VCCI Đà Nẵng đã gửi câu hỏi khảo sát đến các DN hội viên và nhận được 140 phản hồi. Các hội viên DN dân doanh tham gia khảo sát chiếm tỷ lệ 79,14%, tiếp đến là các hội viên FDI chiếm 15,83% và các hội viên DN nhà nước chiếm 5,03%.
Rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng đã phải ngừng hoạt động, treo biển bán nhà do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho hay, khi được hỏi về mức độ ảnh hưởng của COVID-19 đối với DN thì có đến 98.56% hội viên cho biết dịch bệnh này tác động tiêu cực đến hoạt động của DN. Trong đó 73,38% hội viên cho biết mức độ ảnh hưởng là nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, 25,18% DN hội viên cho biết dịch bệnh đã ảnh hưởng một phần đến hoạt động kinh doanh của mình; chỉ có 1,44% DN hội viên cho biết không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đặc biệt, kết quả khảo sát cho thấy có 41,73% DN hội viên VCCI Đà Nẵng đang phải tạm ngừng hoạt động; 1,44% DN hội viên đã ngừng hoạt động chờ giải thể… Trong đó, tính theo lĩnh vực hoạt động thì các DN hội viên sản xuất kinh doanh các ngành dịch vụ; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng, bất động sản cho biết bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhiều nhất.
“Hội viên VCCI tại Đà Nẵng đa phần là các DN sản xuất lớn, DN xuất nhập khẩu, DN có bề dày hoạt động nhiều năm so với mặt bằng chung của TP; có nhiều DN kinh doanh trong các ngành được xem là ngôi sao hy vọng trong thời kỳ dịch bệnh như xuất khẩu, y tế… Vậy mà họ còn khó khăn như nêu trên thì thực trạng chung của DN tại Đà Nẵng càng khó khăn hơn. Số DN không được phép hoạt động theo các biện pháp phòng chống dịch bệnh của TP lớn hơn rất nhiều so với số được phép hoạt động, nên khó khăn lại chồng khó khăn!” – Ông Nguyễn Tiến Quang nói.
Chính sách phòng, chống dịch cần ban hành theo hướng minh bạch và có tính dự đoán
Đối với 56,83% DN hội viên VCCI đang cố gắng duy trì hoạt động, khi được hỏi với tình hình dịch bệnh hiện nay, DN dự kiến duy trì hoạt động trong bao lâu? Có 62,03% cho biết chỉ duy trì dưới 6 tháng; 29,11% cho biết sẽ duy trì hoạt động từ 3 - 6 tháng và 7,6% DN cho biết đã cạn nguồn lực, chỉ có thể duy trì hoạt động dưới 1 tháng.
Khi được hỏi khả năng phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể nếu TP Đà Nẵng tiếp tục kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp phòng chống dịch như Chỉ thị 16/TTg trở lên, có đến 68,35% DN hội viên cho biết có thể phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, trong đó có 40,5% DN hội viên được hỏi cho biết nguy cơ tạm dừng hoạt động hoặc giải thể là cao và rất cao.
Trong khi đó, với nhóm phải tạm ngừng hoạt động, khi được hỏi thời gian dự kiến tạm ngừng hoạt động thì có đến 41,38% DN hội viên cho biết dự kiến tạm ngừng hơn 1 tháng; 27,59% DN cho biết tạm ngưng hoạt động từ 1 - 3 tháng, ngoài ra có đến 39,66% chưa có dự tính thời gian nào DN trở lại hoạt động.
“Các thông tin về tỷ lệ này phản ánh sự hoang mang của DN, không thể dự báo được tương lai kinh doanh sắp tới sẽ như thế nào. Đây là một thông tin đáng lưu ý mà các chính quyền cần lưu tâm. Các chính sách phòng, chống dịch bệnh có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN nên cần được ban hành theo hướng minh bạch hơn và có tính dự đoán hơn để DN có thể dự kiến được các hoạt động của mình!” – Ông Nguyễn Tiến Quang nói.
Giám đốc VCCI Đà Nẵng đề xuất có thể chính quyền TP quy định khi tỷ lệ F0 (hoặc ca dương tính trong cộng đồng) bao nhiêu phần trăm thì áp dụng Chỉ thị 15/TTg, bao nhiêu phần trăm thì áp dụng Chỉ thị 16/TTg, bao nhiêu phần trăm thì “ai ở đâu ở yên đó” theo từng khu vực, quận huyện và cả TP… Từ đó DN mới có thể dự đoán, chủ động được việc lên kế hoạch các hoạt động của mình.
Theo Giám đốc VCCI Đà Nẵng, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, rủi ro lớn nhất, chi phối lớn nhất mà DN phải đối diện là môi trường kinh doanh và thị trường, nhưng khi đại dịch xảy ra thì DN phải đối diện thêm rủi ro lớn nữa là mặt trái của việc thực thi các chính sách, giải pháp giãn cách nhằm phòng chống dịch bệnh của chính quyền.
Mặt khác, qua 2 năm chịu tác động tiêu cực của đại dịch và dự báo dịch bệnh có thể lâu hơn nữa, sức chống chịu của DN Đà Nẵng đã cạn kiệt. Vì vậy rất cần có chiến lược, kịch bản sống chung an toàn với dịch bệnh được lồng ghép với chiến lược chính sách hỗ trợ phục hồi DN, phục hồi nền kinh tế và được thực thi một cách hiệu quả từ cả hai phía chính quyền và cộng đồng DN.
Ngày 24/9, lãnh đạo Đà Nẵng đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp Ngày 24/9 Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” dành cho doanh nghiệp (DN) trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với sự tham dự của gần 150 khách mời trực tiếp mỗi phiên và trực tuyến qua hệ thống hội nghị trực tuyến Zoom. Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư Đà Nẵng, hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” lần này nhằm đối thoại giữa lãnh đạo Đà Nẵng với Hội, Hiệp hội DN, cộng đồng DN trên địa bàn TP để kịp thời lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đồng thời tiếp nhận các ý kiến kiến nghị, đề xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phục hồi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP trong thời gian tới; cũng như kịp thời sửa đổi, ban hành các chính sách hỗ trợ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất các cơ quan Trung ương xem xét, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khắc phục khó khăn cho DN. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo