Xét xử phúc thẩm đại án tại doanh nghiệp Thủy sản Phương Nam
Tin tức trên báo Zing news, theo hồ sơ tố tụng, Công ty Phương Nam được thành lập năm 1998. Doanh nghiệp này trở thành công ty cổ phần sau đó 2 năm, vốn điều lệ 295 tỷ đồng.
Ngoài Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân, 3 cổ đông còn lại là bà Trần Thị Mỹ - vợ ông này và con gái Lâm Ngọc Hân cùng cháu trai Huỳnh Phúc Quế (chỉ đứng tên 24% cổ phần nhưng thực tế không góp vốn).Phó giám đốc Công ty Phương Nam là Trịnh Thị Hồng Phượng (35 tuổi); Lâm Minh Mẫn (35 tuổi) là Kế toán trưởng.
Từ khi thành lập đến tháng 9/2012, Công ty Phương Nam kinh doanh thua lỗ trên 996 tỷ đồng. Để đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp đã lập 19 báo cáo tài chính gian dối về kết quả kinh doanh với nội dung năm nào cũng có lãi.
Từ những hồ sơ này, khi quan hệ tín dụng với 8 ngân hàng, Phương Nam đã vay từ năm 2008 đến 2012 lên đến trên 16.169 tỷ đồng. Trong đó, công ty chỉ sử dụng vốn vay đúng mục đích để duy trì sản xuất kinh doanh là 5.971 tỷ, còn lại hơn 10.198 tỷ được doanh nghiệp sử dụng sai mục đích, chủ yếu là đáo nợ và trả lãi vay.
Ngày 30/11/2011, ông Khuân và vợ xuất cảnh sang Mỹ với lý do trị bệnh nhằm bỏ trốn. Hân (Việt kiều Mỹ) thay cha làm giám đốc công ty và xuất cảnh trở lại Mỹ ngày 11/7/2012. Lúc này, dư nợ của Phương Nam tại các ngân hàng lên đến 1.679 tỷ đồng.
Cho rằng cha con ông Khuân lừa đảo, Cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc, khởi tố 29 bị can. Trong đó, cha con ông Khuân bị truy nã quốc tế, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Tại quê nhà, Mẫn và Phượng bị VKSND tối cao truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm giúp sức cho cha con ông Khuân.
Theo cơ quan công tố, biết công ty kinh doanh thua lỗ nhưng Mẫn và Phượng vẫn lập hồ sơ khống theo chỉ đạo của Khuân. Trong 19 báo cáo tài chính thể hiện kết quả kinh doanh có lãi do Mẫn trình, ông Khuân ký duyệt 13 bản, Hân 4 bản, Phượng 2 bản.
Trong đại án này có 25 bị cáo là cán bộ của 5 ngân hàng có chi nhánh tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang. Họ bị cho là bỏ qua hàng loạt các quy định trong việc cho vay khi giao dịch với Phương Nam, khiến các ngân hàng bị thiệt hại trên 784 tỷ đồng.
Trong đó, VDB Sóc Trăng không thể thu hồi 229 tỷ đồng, LPB Hậu Giang 237 tỷ, Sacombank Sóc Trăng 125 tỷ, ABbank Bạc Liêu 49 tỷ và Vietcombank Sóc Trăng hơn 72,6 tỷ.
Tin tức trên báo Người lao động, đầu tháng 8 vừa qua, TAND tỉnh Sóc Trăng xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Phượng 12 năm tù, Mẫn 14 năm, cùng tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
25 bị cáo nguyên là nhân viên, cán bộ của 5 ngân hàng nhận mức án từ 2- 7 năm tù về tội “Vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Sau đó, VKSND tỉnh Sóc Trăng đã có kháng nghị tăng hình phạt đối với 22 bị cáo và không giảm nhẹ hình phạt đối với 3 bị cáo nguyên là nhân viên, cán bộ các ngân hàng.
Trong khi đó, bị cáo Mẫn và bị cáo Phượng cũng có kháng cáo kêu oan, xin chuyển tội danh từ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang “Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản”. Dự kiến, phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra trong 7 ngày.
End of content
Không có tin nào tiếp theo