Hỗ trợ doanh nghiệp

Xuất khẩu gạo sang châu Phi - Tiềm năng và trở ngại

Với thị trường châu Phi, gạo tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu số 1 của nước ta. Tuy nhiên, việc xuất khẩu gạo vào thị trường này cũng gặp những khó khăn nhất định.

Với số dân hơn 1 tỷ người, nhu cầu tiêu thụ gạo ở châu Phi ngày càng lớn (giai đoạn 2011 - 2013, mức tiêu thụ gạo khoảng từ 24 - 24,5 triệu tấn/năm) do sự tiện dụng của việc chế biến gạo so với kê và những loại ngũ cốc truyền thống khác cũng như tỷ lệ đô thị hóa ngày càng tăng tại các nước trong khu vực. 

Mặt khác, giá gạo không còn quá cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân châu Phi, nên gạo trở thành thức ăn phổ biến hằng ngày. Lúa chiếm 10% diện tích canh tác các loại ngũ cốc và đóng góp 15% sản lượng lương thực của châu Phi. Tuy nhiên, do sản xuất không đáp ứng được nhu cầu nên từ năm 2009 đến nay, châu Phi phải nhập khẩu từ 8-10 triệu tấn gạo/năm, trong đó chủ yếu là loại gạo 25% tấm.

Ngoại trừ Nam Phi và Nigeria (nhập gạo đồ), các nước khác chủ yếu nhập khẩu loại gạo tấm có phẩm cấp và giá thành vừa phải. Các nước nhập khẩu gạo lớn nhất ở châu Phi là Nigeria, Senegal, Bờ Biển Ngà, Nam Phi, Ghana, Tanzania, Algeria, Cameroon… Các nước cung cấp gạo chính cho khu vực này gồm Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam và Mỹ, trong đó Thái Lan vẫn là nhà cung cấp gạo với khối lượng lớn nhất, chủng loại đa dạng.

Theo Bộ Công Thương, năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu gạo tới 35/55 nước châu Phi (chiếm tới 27% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa sang châu Phi và chiếm tới 26% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước). Gạo tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu số 1 của nước ta tại khu vực này.

Những thị trường nhập khẩu gạo nhiều nhất của Việt Nam ở châu Phi có thể kể đến Bờ Biển Ngà, Ghana, Cameroon, Angola, Algeria, Mozambique, Madagascar, Senegal, Tanzania, Nam Phi, Kenya… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường châu Phi nằm ở khâu thanh toán. Do năng lực tài chính có hạn nên nhà nhập khẩu châu Phi thường đề nghị mua gạo trả chậm từ 30-90 ngày, hình thức CIF (giao hàng tại cảng đến) và không mở L/C (do chi phí cao). Một lý do khác là do doanh nghiệp hai bên thường thiếu thông tin về thị trường, đối tác của nhau, vì vậy, để tránh rủi ro, các doanh nghiệp Việt Nam thường xuất khẩu qua các công ty trung gian quốc tế. Điều này làm cho giá gạo xuất khẩu Việt Nam đội lên, làm giảm tính cạnh tranh và đôi khi thương hiệu gạo Việt Nam không được người tiêu dùng bản địa biết đến.

Gần đây nhất, trong 3 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi gặp khó khăn hơn so với cùng kỳ năm 2013 do sự cạnh tranh gay gắt của gạo giá rẻ của Thái Lan, Ấn Độ. Trong quý I/2014, Thái Lan đã xuất khẩu gạo với giá thấp hơn gạo Việt Nam từ 5 - 10 USD/tấn. Trong khi đó gạo của Ấn Độ và Pakistan tiếp tục có lợi thế về cước phí vận tải thấp hơn gạo Việt Nam nên giá rẻ hơn từ 30-40 USD/tấn.

Thêm nữa, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu gạo của châu Phi không cao, chỉ ở mức 2-3%/năm do phụ thuộc vào tình hình sản xuất lúa trong nước, đặc biệt là yếu tố thời tiết.

Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào châu Phi, Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn nghiên cứu chính sách và xúc tiến thương mại tại nhiều nước châu Phi; gửi thư đến Bộ Thương mại các nước châu Phi có nhu cầu nhập khẩu gạo để đề xuất đàm phán và ký Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp; góp phần tháo gỡ khó khăn trong khâu thanh toán… nhằm giúp gạo Việt Nam có đầu ra ổn định, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp.

Theo Bộ Công thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo