Doanh nghiệp - Doanh nhân

“Canh bạc” của ông “giám đốc nông dân”

Nói tới ông Đoàn Văn Sáu - Giám đốc Cty TNHH Cường Tân với thương vụ đình đám chi hẳn 10 tỷ đồng mua giống lúa lai TH3-3 về canh tác trên quê hương nhà không còn là chuyện lạ đối với bà con nông dân tỉnh Nam Định. Nhưng “canh bạc” TH3-3 cũng biến doanh nhân Đoàn Văn Sáu trở thành “người tiên phong” mua bản quyền một giống lúa và biến việc gắn kết 2 nhà doanh nghiệp và nông dân trở nên thực tế hơn lúc nào hết.

Cái “bắt tay” của doanh nhân Đoàn Văn Sáu (ngoài cùng bên phải) với người dân đã thực sự tạo nên cách làm giàu mới của người nông dân trên mảnh ruộng của mình



Đoàn Văn Sáu (sinh năm 1969), nhằm năm con gà Kỷ Dậu, ứng vào mệnh thổ. Không biết có phải duyên với đồng đất quê nhà hay không nhưng mà cả đời anh có nhiều cơ hội làm giàu nhưng anh vẫn gắn với đồng đất quê nhà. Có thời kỳ, anh đã "thâu tóm" cổ phần lên đến chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của một công ty nhà nước quan trọng của tỉnh Nam Định. Nhưng rồi không bằng lòng với gì mình đang có, ông chủ tịch đã mang cái sự máu lửa vốn có về mở DN ở mảnh đất Trực Hùng - Nam Định.

Duyên với đồng đất quê nhà

Anh kể thời điểm cách đây 3 năm,  cái nghèo khó vẫn đeo bám DN Cường Tân nhưng khi tiếp cận với giống lúa lai của PGS-TS Nguyễn Thị Trâm thì anh anh đã quyết định làm canh bạc đời mình. Đó là bỏ ra 10 tỷ đồng để mua bản quyền giống lúa lai nội TH3-3 có giá lên tới 10 tỷ đồng. Thời điểm đó, câu chuyện này đã gây sự sửng sốt trong giới nông nghiệp, nhiều người không hiểu bảo anh điên, rồi thằng khùng, chỉ thích đánh bóng thương hiệu… Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử ngành nông nghiệp Việt Nam, một giống lúa hai dòng 100% "made in Việt Nam” lại được chuyển nhượng với giá trị cao như vậy, bởi giá chót vót lúc đó mua bản quyền giống lúa lai nội Việt chỉ rơi vào khoảng 700 triệu đồng. Anh bảo rằng, không phải mình khùng, thấy giống TH 3-3 chất lượng tốt, được giá, anh mới đề cập mua luôn để làm. Số tiền 10 tỷ đồng cũng không phải anh cao hứng đặt ra. "Khi đưa ra giá 10 tỷ, tôi biết có người đã đưa ra giá suýt soát”. Tuy nhiên, anh thỏa thuận được  là sẽ trả chậm trong 3 năm.

Anh tập trung vào sản xuất giống để bán. Năm 2009, anh khăn gói vào vào Quảng Nam, vùng đất nhiều nắng, phù hợp với lúa giống để tổ chức sản xuất TH 3-3 với diện tích lên đến 200ha. Nhưng trận đánh đầu tiên, mang tính quyết định này đã giáng cho anh một đòn chí tử. Năm đó, gió mùa về muộn, lúa bị lùn xoắn lá và bị luôn "lúa tự thụ" - hiện tượng nguy hiểm nhất đối với việc sản xuất giống lúa lai hai dòng. Gần 200 ha lúa giống bị  mất trắng. Dù có sự hỗ trợ lớn từ Nhà nước nhưng  phi vụ này đã ngốn của Cương Tân  lên tới 2 tỷ đồng…

Cũng cuối năm đó, hàng chục ha lúa giống TH 3-3 của anh sản xuất tại Thái Bình cũng nhiễm lùn sọc đen. "Tất cả vốn liếng lúc đó gần như mất hết; tôi hoang mang tột cùng. Có lúc nghĩ bỏ quách cho xong" - anh gượng cười, nhớ lại.

Nhưng thất bại không khiến làm doanh nhân Đoàn Văn Sáu chùn bước… Đầu năm 2010, anh quay về mảnh đất Trực Hùng để gây dựng giống lúa ban đầu. Anh mạnh dạn đứng ra thuê những cánh đồng trong xã với mức 80 - 160kg thóc/sào. Anh cho phá bờ bao, san gạt thành những thửa rộng mẫu lớn đưa giống lúa TH3-3 vào sản xuất đại trà. Đúng là “trời không phụ công”, nhờ giống lúa mới cho năng suất cao, bắt tay liên kết với nông dân liên kết sản xuất, mỗi năm cho 1.000 tấn hạt lai F1 TH3-3, bán với giá 60.000 đồng/kg, chỉ bằng 2/3 so với giá giống lúa lai 2 dòng nhập từ Trung Quốc. Trung bình, cứ mỗi kg hạt giống lúa lai TH3-3 bán ra thị trường, Cường Tân thu lãi ròng 30 nghìn đồng, mỗi năm bán được 1.000 tấn, thu về lợi nhuận  không dưới 30 tỷ đồng.

Liên kết “hai nhà”

Trò chuyện với rất nhiều hộ nông dân ở các huyện phía nam tỉnh Nam Định, mỗi gia đình cũng chỉ được chia vài sào ruộng khoán. Với 2 vụ lúa một năm, dẫu đã "trổ” hết tài thâm canh mỗi năm mỗi hộ gia đình của họ cũng chỉ thu được chừng 2 tấn thóc... Chuyện đã khác từ khi DN Cường Tân được thành lập,  phục tài chịu thương chịu khó của doanh nhân Đoàn Văn Sáu, rất nhiều hộ nông dân khác ở địa phương cùng bắt tay hợp tác với Cường Tân- cho Cường Tân thuê lại diện tích ruộng được giao quyền canh tác. Sau khi thuê được ruộng của bà con, Cường Tân dồn đổi thành những cánh đồng lớn, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất như đường giao thông, mương máng tưới tiêu...

Tiếp đó, Cường Tân giao lại ruộng đất cho những nông dân để sản xuất lúa giống theo quy trình kỹ thuật của công ty. Sau đó Cường Tân thu mua lại sản phẩm.  Cũng là ruộng của mình, sản phẩm đầu ra lại được thu mua với "công thức” hợp tác này, các hộ gia đình đã có 2 khoản thu nhập trên thửa ruộng của mình.

 Thứ nhất, là tiền cho Cường Tân thuê ruộng, thứ hai, là lợi nhuận thu được từ bán lúa giống cho Cường Tân sau khi đã trừ các khoản chi phí. Cụ thể, ngoài khoản thu 80kg thóc/sào từ việc cho Cường Tân thuê ruộng, mấy năm nay mỗi hộ nông dân ở Trực Ninh đã có khoản thu nhập cao. Cứ mỗi 10 ha này, mỗi năm hai vụ chiêm, mùa mỗi hộ thu gần 40 tấn lúa giống. Bán lại cho Cty Cường Tân với mức giá giao động trên dưới 30.000 đồng/kg, trừ các loại chi phí mỗi hộ nông dân thu lãi 300-400 triệu đồng/năm… Ý tưởng của anh Sáu nhận được sự khuyến khích của một số nhà khoa học, đặc biệt là của PGS-TS Nguyễn Thị Trâm, công tác ở Viện sinh học Nông nghiệp (Trường ĐH Nông nghiệp I). Đây chính là động lực, dù quy mô Cty khi đó chưa lấy gì làm lớn nhưng Đoàn Văn Sáu đã tự tin bỏ ra 10 tỷ đồng để mua bản quyền giống lúa lai TH 3-3 …

Bây giờ, anh có trong tay khoảng 300 ha trồng lúa giống trại rộng 3 huyện ở Nam Định, cùng hệ thống nhà xưởng sấy lúa, đóng bao, kho lạnh bảo quản rộng hàng nghìn m2 ở Trực Hùng. Thương hiệu giống lúa TH 3-3 của Cường Tân bán được cho 36 tỉnh thành trong cả nước. Ngoài TH 3-3, anh cũng đang sản xuất các giống lúa khác. Tuy nhiên, trước mắt DN Cường Tân vẫn còn nhiều khó khăn, thị trường giống lúa đang cạnh tranh khốc liệt.

Điều trăn trở lớn thứ hai của anh Sáu, là làm sao tích tụ được ruộng đất để có thể sản xuất được lúa giống trên quy mô lớn. Anh cho hay, ban đầu tiếp cận ý tưởng này nhất là việc hỗ trợ, thuyết phục nông dân địa phương đồng ý hợp tác, cho DN thuê lại ruộng, tham gia chuỗi sản xuất, cùng chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi với công ty, lãnh đạo một số xã trong vùng khá dè dặt, vì lo ngại nếu thất bại sẽ không biết "ăn nói” thế nào với bà con. Phải đến khi mô hình được thử nghiệm thành công, lãnh đạo các địa phương mới thực sự "nhập cuộc”, khuyến khích bà con tham gia. Chia sẻ với chúng tôi về cách làm của Cường Tân, anh Nguyễn Viết Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định khẳng định, chúng tôi đánh giá rất cao hiệu quả mô hình liên kết giữa Cty Cường Tân và nông dân địa phương. Nó không chỉ khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún, ứng dụng cơ giới hóa vào nhiều khâu sản xuất, giải phóng đáng kể sức lao động mà còn tạo điều kiện để người nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất, cùng chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi và làm giàu…

So với các nước trên thế giới, chuyển nhượng bản quyền giống cây trồng ở Việt Nam vẫn còn tương đối mới mẻ. Chuyển nhượng bản quyền giống cho các tổ chức, DN sẽ tạo điều kiện cho giống mới có thể tồn tại lâu hơn, diện tích mở rộng nhanh hơn trong sản xuất. Rất cần nhân rộng hơn nữa cách làm nông kiểu “chuyên nghiệp” của doanh nhân Đoàn Văn Sáu. Mong Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để không chỉ Cường Tân mà rất nhiều DN khác bắt tay làm giàu từ cây lúa…

 

Diễn đàn Doanh nghiệp
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo