“Cơ hội thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam đã đến”
Đại diện của quỹ đầu tư Franklin Templeton Investments tại Việt Nam nói rằng, đây là thời điểm hợp lý để các công ty đầu tư cổ phần tư nhân rót vốn vào thị trường Việt Nam. Theo quỹ này, các cải cách về tiền tệ và tài khóa của Việt Nam sẽ phát huy tác dụng trong 3-5 năm tới.
Trao đổi với hãng tin tài chính Bloomberg, ông Avinash Satwalekar, Giám đốc điều hành (CEO) của Công ty Quản lý quỹ Vietcombank Fund Management - liên doanh giữa Templeton với Ngân hàng Vietcombank - nhận định, mức giá thấp, nguồn vốn ngân hàng bị siết lại, và môi trường kinh doanh được cải thiện đã tạo ra cơ hội để các nhà đầu tư cổ phần tư nhân (private equity investor) mua lại các công ty Việt Nam trước khi nền kinh tế tăng tốc trở lại.
“Thời điểm tốt nhất để đầu tư là khi còn ‘tranh tối tranh sáng’. Khi mọi thứ đã trở nên rõ ràng, thì đó là lúc ai cũng có thể đầu tư”, ông Satwaleka phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg tại Singapore ngày 6/11.
Hãng tin này đánh giá, các nhà lãnh đạo Việt Nam đang nỗ lực để thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong thời gian ít nhất kể từ năm 1999. Những nỗ lực này diễn ra trong bối cảnh mức nợ xấu không chỉ ở Việt Nam mà trong cả khu vực Đông Nam Á nói chung cản trở hoạt động cho vay của các ngân hàng và hoạt động mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp.
Trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng lên mức 5,8% vào năm tới trong bối cảnh Chính phủ ưu tiên kiểm soát lạm phát và tình hình thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện.
Theo dự báo mà Chính phủ Việt Nam đưa ra mới đây, nền kinh tế sẽ tăng trưởng dưới 5,5% trong năm nay. Các nhà chức trách cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng nhẹ lên mức 14% trong năm 2014 khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua vào 150 nghìn tỷ đồng nợ xấu tính đến thời điểm cuối năm sau.
Hồi tháng 7 năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Trong tháng 6, cơ quan này đã nâng tỷ giá USD/VND chính thức nhằm cải thiện cán cân thanh toán.
“Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ và tài khóa của Việt Nam đã tạo ra một môi trường thân thiện với các nhà đầu tư, nhưng tôi vẫn chờ những chính sách đó phát huy tác dung. Nếu một nhà đầu tư nào đó đợi đến lúc các chính sách có tác dụng, thì rất có thể anh ta sẽ bỏ lỡ cơ hội và phải đuổi theo”, ông Satwalekar nói.
Ông Satwalekar từ chối đưa ra những số liệu về hoạt động huy động vốn của quỹ mà ông đang quản lý, tuy nhiên tiết lộ rằng, ông hứng thú với các lĩnh vực nông nghiệp, bán lẻ, giáo dục, thực phẩm và đồ uống. “Bình thường, mỗi thỏa thuận của chúng tôi có trị giá từ 5-15 triệu USD. Chúng tôi không chú trọng những công ty lớn, vì đó thường là các doanh nghiệp quốc doanh”, nhà quản lý quỹ cho biết.
Hệ số giá/thu nhập (P/E) của chỉ số VN-Index hiện ở mức 12,7 lần, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam thành thị trường có mức giá cổ phiếu rẻ nhất ở khu vực Đông Nam Á - theo dữ liệu của Bloomberg. Từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng 21%, trở thành chỉ số chứng khoán tăng điểm mạnh nhất ở khu vực châu Á không bao gồm Nhật Bản. Tuy nhiên, theo hãng tư vấn và kiểm toán Ernst & Young, các quỹ đầu tư cổ phần tư nhân vẫn chưa rót vốn mạnh vào thị trường Việt Nam.
“Hoạt động đầu tư cổ phần tư nhân vào Việt Nam vẫn chưa sôi động. Các nhà đầu tư vẫn đang giữ quan điểm chờ xem. Nhưng chắc chắn, số thương vụ đã tăng lên và các nhà đầu tư đang dành thêm thời gian để xem xét thị trường Việt Nam”, ông Luke Pais, người phụ trách mảng đầu tư cổ phần tư nhân tại khu vực ASEAN thuộc Ernst & Young, nhận xét.
Dữ liệu từ hãng nghiên cứu Preqin có trụ sở ở London cho thấy, các công ty đầu tư cổ phần tư nhân đã chi 287 triệu USD cho 5 thương vụ tại Việt Nam từ đầu năm đến nay. Đây là số thương vụ cao nhất trong 5 năm và tổng giá trị cao nhất kể từ ít nhất năm 2006. Hồi tháng 1, quỹ KKR đã tăng hơn gấp đôi mức cổ phần nắm giữ trong tập đoàn chế biến thực phẩm Masan lên 359 triệu USD, sau khi có vụ đầu tư đầu tiên vào tập đoàn này vào tháng 4/2011.
Tiếp đó, vào tháng 5, quỹ Warburg Pincus tuyên bố sẽ dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư để rót 325 triệu USD vào Vingroup, đánh dấu thương vụ đầu tiên của quỹ này tại Đông Nam Á kể từ năm 2010. Tháng 7, quỹ TPG Capital tuyên bố sẽ trả 50 triệu USD để nắm cổ phần 49% trong một bộ phận hàng tiêu dùng của Masan.
Đối với Templeton, quỹ Vietcombank Fund Management với 12 nhân viên của công ty này đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Templeton nắm cổ phần 49% trong quỹ này, trong khi 51% còn lại thuộc quyền sở hữu của Vietcombank.
Theo ông Satwalekar, các vụ đầu tư mua lại có thể giúp lấp đầy khoảng trống mà ngành ngân hàng tạo ra giữa lúc Chính phủ xử lý khối nợ xấu trị giá khoảng 5 tỷ USD bị xem là nguyên nhân cản trở dòng vốn tín dụng. “Các ngân hàng đòi hỏi nhiều tài sản thế chấp hơn những gì mà các doanh nghiệp có thể đáp ứng. Khả năng tiếp cận vốn vì thế bị hạn chế. Đó chính là nơi mà các quỹ đầu tư cổ phần tư nhân có thể nhảy vào”, ông Satwalekar nói.
VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo