"Đất vàng" có cứu được Giầy Sài Gòn?
Trong năm 2018, Công ty Giầy Sài Gòn đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, xây dựng phương án huy động tài chính để nâng vốn điều lệ nhằm giải quyết các nhu cầu tài chính của Công ty và đủ điều kiện vốn tối thiểu thực hiện đầu tư xây dựng và kinh doanh công trình phù hợp với quy hoạch sử dụng đất tại 419 Lê Hồng Phong, quận 10, TP.HCM.
Thời gian qua, SSF đã tạm ngưng sản xuất để tái cấu trúc và chuyển đổi hoạt động kinh doanh. Công ty hiện đang trong quá trình chờ phê duyệt về việc gia hạn thời gian sử dụng đất, chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất từ đất công nghiệp sạch sang đất xây dựng công trình thương mại dịch vụ hỗn hợp. Theo quy định thì Công ty phải có vốn điều lệ tối thiểu bằng 20% giá trị đầu tư xây dựng công trình.
Tuy nhiên, vì kết quả kinh doanh thua lỗ liên tiếp hơn 3 năm, lỗ ăn vào vốn điều lệ, nên Công ty không thể thực hiện chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu mà chỉ có thể tăng vốn điều lệ để huy động nguồn lực tài chính bằng các hình thức như phát hành riêng lẻ cổ phiếu để hoán đổi nợ hoặc phát hành riêng lẻ để tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 250 tỷ đồng.
Do đó, trong ĐHĐCĐ thường niên 2018, SSF trình cổ đông thông qua giao cho HĐQT xây dựng phương án huy động tài chính và nâng vốn điều lệ để đủ điều kiện thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng công trình khi UBND thành phố chấp nhận chủ trương gia hạn thời gian sử dụng đất, chuyển đổi hình thức thuê đất từ trả tiền hàng năm sang trả tiền một lần, chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong cho Công ty.
Mặt khác, Công ty cũng trình cổ đông cho phép và ủy quyền Chủ tịch HĐQT được tìm kiếm, thương lượng, đàm phán với các tổ chức, cá nhân nhằm vay (hoặc mượn) gói tài chính 10 tỷ đồng để thực hiện nghĩa vụ nợ kịp thời cho đến khi Công ty tăng vốn điều lệ thành công.
Năm ngoái, SSF ghi nhận doanh thu đạt 6,188 tỷ đồng, giảm gần 60% so với thực hiện năm trước đó. Đồng thời, Công ty lỗ ròng 13.6 tỷ đồng do các chi phí tăng mạnh, chủ yếu là tiền thuê đất truy thu từ năm 2006 và 2007 (10 tỷ đồng), dự phòng phải thu khó đòi (4 tỷ đồng),… trong khi doanh thu giảm mạnh. Tính đến cuối năm 2017, lỗ lũy kế của Công ty đã lên tới gần 70 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu chỉ có 30 tỷ đồng.
Thiếu hụt đơn hàng khiến Giày Sài Gòn ngừng sản xuất, chấm dứt hợp đồng với 500 nhân viên và sống nhờ nguồn thu cho thuê địa điểm kinh doanh.
Năm 2017, Cục Thuế TP.HCM yêu cầu Công ty cổ phần Giày Sài Gòn kê biên danh mục tài sản để thi hành quyết định cưỡng chế thuế đối với khoản nợ hơn 12 tỷ đồng tiền thuê đất quá hạn. Khu đất này rộng khoảng một hecta, nằm ngay trung tâm quận 10 được nhà nước cho công ty thuê với giá “khuyến mại” 100.000 đồng mỗi mét vuông trong suốt nhiều năm liền.
Đây không phải lần đầu tiên Giày Sài Gòn dính vận đen với khu đất theo quy định phải sử dụng làm văn phòng và nhà xưởng sản xuất giày dép, túi xách.
Trước đó vào tháng 9/2016, UBND quận 10 có văn bản xác định việc Giày Sài Gòn lấy một phần đất nhà nước cho Công ty TNHH Thành Bưởi thuê làm bãi đỗ xe và đón trả khách là vi phạm quy hoạch sử dụng đất; đồng thời yêu cầu cả hai doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh trái phép.
Khoản lỗ năm 2017 phần lớn đến từ việc phát sinh chi phí trợ cấp thôi việc hơn 24 tỷ đồng do công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 550 nhân viên.
Mặc dù vậy, năm 2018, SSF vẫn đặt kế hoạch doanh thu đạt 6,250 tỷ đồng tăng nhẹ so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 150 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Giày Sài Gòn (SSC) tiền thân là nhà máy Giày Bata của Pháp. Sau năm 1975, là xí nghiệp Giày Sài Gòn thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Công ty chính thức được cổ phần hóa vào năm 2004. Ngành nghề kinh doanh: sản xuất và kinh doanh nguyên vật liệu ngành giày dép, túi xách, cặp táp các loại; xuất nhập khẩu trực tiếp; mua bán nguyên phụ liệu ngành dệt may...
End of content
Không có tin nào tiếp theo