"Đấu" thua Uber và Grab, Chủ tịch taxi Mai Linh cầu cứu Nhà nước
Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh vừa có văn bản gửi Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam về những khó khăn của công ty.
Theo đó, hãng xe này cho biết do bị tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế cùng với mức lãi suất cho vay khá cao trong thời gian vừa qua, Mai Linh đã tìm giải pháp huy động mọi nguồn lực để chi trả các khoản nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và vốn vay cá nhân.
Tuy nhiên, Mai Linh cũng như các đơn vị kinh doanh vận tải hiện nay đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt không công bằng của Uber, Grab. Cụ thể là điều kiện kinh doanh giữa taxi truyền thống và Uber, Grab, điều này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch hoạt động của công ty. Doanh thu hoạt động kinh doanh của Mai Linh giảm khoảng 30% so với các năm chưa có Uber, Grab.
Mai Linh cũng khẳng định, dù đã rất nỗ lực nhằm đảm bảo cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, công ty chưa đảm bảo được tài chính để có thể duy trì hoạt động kinh doanh hằng ngày.
Mai Linh khẳng định, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì thời gian tới đơn vị này sẽ mất khả năng thanh toán do nguồn thu không thể trả kịp cho các khoản nợ đến hạn, quá hạn và các khoản nợ đọng nghĩa vụ thuế và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cùng các khoản tiền phạt do nộp chậm.
Hãng này cho biết, tính đến 31/10/2017, số nợ đọng nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trên 180 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là trên 150 tỷ đồng, lãi chậm nộp gần 77 tỷ đồng.
Trước nguy cơ hàng vạn lao động mất việc và mất đi thương hiệu lớn, Mai linh đề nghị Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết những khó khăn thực sự cấp bách trước mắt để công ty duy trì, phát triển lâu dài.
Cụ thể, Mai Linh kiến nghị được miễn tính lãi phát sinh trên số cũ (trên 150 tỷ đồng); cho từng công ty trong hệ thống Mai Linh được thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc trong 20 năm từ năm 2018, mỗi năm 6 tỷ đồng và miễn nghĩa vụ phạt nộp chậm.
Trong quá trình trả nợ gốc Mai Linh mong Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét khoanh nợ, giảm nợ để đơn vị vượt qua khó khăn có điều kiện trả nợ gốc cho BHXH và đảm bảo công việc cho 24.000 lao động.
Trước đó, hồi tháng 8/2017, Bộ Giao thông Vận tải cũng từng đã có văn bản gửi Văn phòng Trung ương Đảng và Cơ quan Thanh tra Bộ Công an về việc giải quyết kiến nghị của Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh.
Theo đó, Bộ này cho biết đã làm rõ và trả lời toàn bộ 5 nội dung kiến nghị “đòi” cạnh tranh binh đẳng của Mai Linh đối với hoạt động của Công ty TNHH Grab Taxi, Công ty TNHH Uber Việt Nam.
Ông Hồ Huy – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai cũng từng nhìn nhận hãng đã trải qua một năm cực kỳ gian truân, Vị Chủ tịch thẳng thắn cho rằng những gian truân này chính là do Uber, Grab hoạt động tràn lan, nhất là ở hai thị thành lớn như TP.HCM và Hà Nội khiến hoạt động mua bán taxi cạnh tranh ác liệt.
Vừa rồi, báo cáo soát xét của Kiểm toán Deloitte lưu ý, tại ngày 30/6/2017, Mai Linh có khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 795 tỷ đồng, tổng nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tổng tài sản ngắn hạn là 1.262,5 tỷ đồng. “Những yếu tố này có thể gây ra sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn”, đơn vị kiểm toán nhận xét.
Vào giữa năm 2017, do những khó khăn trong hoạt động kinh doanh, Mai Linh cũng đã phải cắt giảm tới 6.000 nhân viên (tương đương 20%) so với thời điểm cuối năm 2016.
Ngoài Mai Linh, hãng taxi Vinasun - đơn vị kinh doanh dịch vụ taxi lớn nhất thị trường phía Nam đã liên tục có văn bản gửi các cơ quan chức năng “tố” Uber, Grab né tránh các loại thuế, phí đồng thời thực hiện hàng loạt các chương trình giảm giá, khuyến mại để cạnh tranh không lành mạnh nhằm chiếm lĩnh thị trường.
Hiệp hội Taxi TPHCM cũng vừa có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề nghị sớm có giải pháp cứu vãn khả năng phá sản của hàng trăm doanh nghiệp taxi trong cả nước.
Theo Hiệp hội, sự bất công và thiếu công bằng về mặt chính sách (bên trói, bên mở) đã đẩy hàng trăm hãng taxi chính thống đang lụi tàn - nguy cơ phá sản cao - hầu hết các hãng taxi này đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ - nằm trong quỹ đạo bảo hộ - giúp đỡ của Nhà nước mà nhiều Nghị quyết của Đảng - kế hoạch của Chính phủ và Bộ ngành Trung ương thường đề cập.
"Chúng tôi lo ngại sau thị trường bán lẻ đã và đang rơi vào tay các ông chủ Thái Lan, Hàn Quốc - một ngày không xa nhiều lĩnh vực khác sẽ bị người nước ngoài thôn tính làm chủ và thao túng - trong đó có lĩnh vực taxi (nếu không được Nhà nước kịp thời giải cứu)", Hiệp hội này nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo