Hỗ trợ doanh nghiệp

“Đỏ mắt” tìm lao động chất lượng cao

Phát biểu tại một diễn đàn về năng lực cạnh tranh hồi đầu tháng 12, ông Ko Tae Yeon, Tổng Giám đốc LG Electronic Việt Nam chia sẻ: Mặc dù chúng tôi rất muốn tuyển người có khả năng điều hành kinh doanh, kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật chuyên ngành, nhưng số lượng lao động này lại không đủ để cung cấp cho chúng tôi.

Muốn tuyển cũng không có 

Đại diện Hiệp hội DN Bắc Âu tại Diễn đàn DN Việt Nam 2014 ngày 5-12, đã than thở: Rất nhiều DN của chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những lao động có tay nghề và cả kỹ sư. Chúng tôi nghĩ rằng đầu tư vào giáo dục, nhất là những trường dạy nghề và đào tạo kỹ sư là việc mà các cơ quan chức năng nên tập trung nhiều hơn để nâng cao kiến thức và tiêu chuẩn của lực lượng lao động.
 
Theo khảo sát của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với hơn 100 DN Nhật Bản, 80% số người được hỏi trả lời rằng họ đang rất cần kỹ thuật viên và 89% trả lời họ sẽ cần kỹ thuật viên trong tương lai. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát được Ngân hàng Thế giới thực hiện chỉ ra rằng, hơn 80% các nhà tuyển dụng trả lời rằng những ứng viên vào vị trí chuyên gia và kỹ thuật viên đều thiếu những kỹ năng cần thiết để đảm bảo tiến độ công việc.
 
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng lưu ý: Điều đặc biệt quan ngại hiện nay là trình độ học vấn và đào tạo kỹ thuật, chuyên môn của lực lượng lao động còn thấp và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động nội bộ tại DN, hệ quả là DN khó có thể bứt phá được.
 
Việc thiếu lao động chất lượng cao đang là trở ngại cho Việt Nam. Ảnh: Hồng nụ
 
Năng suất lao động “cuối bảng”
 
Không chỉ đối diện với tình trạng thiếu lao động chất lượng cao, Việt Nam còn phải ứng phó với thực tế năng suất lao động thấp. Báo cáo của ILO và ADB (2014) gần đây cũng cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 đạt 5.440 USD/lao động, bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, bằng 1/6,5 so sánh với Malaysia, 1/3 Thái Lan và Trung Quốc. Trong khu vực ASEAN, hiện tại năng suất lao động Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar, Campuchia và đang xấp xỉ với Lào.
 
Tại một báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năm 2013, năng suất lao động chung của toàn xã hội còn thấp, bình quân mỗi lao động tạo ra khoảng 48,72 triệu đồng, tăng hơn 20 triệu đồng so với năm 2001, tính theo giá so sánh năm 2010. Trích dẫn số liệu của The Conference Board Total Economy Database, CIEM cho biết: So với các nước trên thế giới, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp. Tính theo giá USD năm 1990, năng suất lao động của Việt Nam năm 2010 đạt 5.880 USD, bằng 13,2% mức năng suất lao động của Nhật Bản, 23,3% của Malaysia, 12% của Singapore, 13,3% của Hàn Quốc, 46,5% của Trung Quốc, 37% của Thái Lan và 69,9% của Philippines.
 
Vì sao lại có tình trạng nói trên? GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em cho rằng: Một trong những yếu tố khiến năng suất lao động của Singapore cao hơn nhiều lần so với Việt Nam là hầu hết (hơn 99%) lao động nước này đã tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp - những khu vực có năng suất cao. Trong khi đó, gần một nửa lao động Việt Nam tập trung vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vốn có năng suất thấp.
 
Ông Thierry Ginger, Phó Giám đốc chương trình Mạng lưới đánh giá toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá: Hiện nay Việt Nam đối mặt thách thức về năng suất để tiếp tục tăng trưởng. Chúng ta nên hiểu năng suất lao động sẽ trở thành động lực chính cho tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai.
 
Ông Gaurav Gupta, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) cho rằng: Lợi thế của chi phí lao động thấp ở Việt Nam bị giảm đi bởi sản lượng bình quân đầu người còn yếu kém. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng năng suất lao động bình quân ở khu vực sản xuất của Việt Nam chỉ bằng xấp xỉ 7% năng suất bình quân ở Trung Quốc. Thách thức về năng suất lao động này, cùng với sự phát triển chậm chạp của lực lượng lao động lành nghề, có thể đe dọa đến sự tăng trưởng liên tục của Việt Nam. Hàng loạt các nghiên cứu cho thấy chương trình giảng dạy đã lỗi thời, giáo viên có khả năng nhưng lương được trả chưa tương xứng, và sinh viên ra trường còn thiếu những kỹ năng cần thiết mà các công ty đa quốc gia tìm kiếm.
 
“Để tiếp tục thu hút đầu tư và nâng cao trình độ của lực lượng lao động, Chính phủ nên có thêm nhiều hành động để hiện đại hóa và nâng cấp chương trình giáo dục quốc gia, đặc biệt ở cấp độ đại học và trung cấp. Điều này sẽ đảm bảo Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động lành nghề với các quản lý, kỹ sư và kỹ thuật viên máy móc giúp nâng cao chuỗi giá trị trong bối cảnh chi phí lao động đang ngày càng tăng lên” - đại diện Amcham khuyến nghị.
 
 
Theo Hải quan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo