Hỗ trợ doanh nghiệp

“Đòn bẩy” cho phát triển doanh nghiệp

Việc áp dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng (NSCL) là những giải pháp giúp doanh nghiệp (DN) cải tiến quy trình sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của DN trên thị trường.

Nâng cao năng suất chất lượng là góp phần giữ vững uy tín doanh nghiệp


Hoạt động NSCL Việt Nam vẫn còn kém


Theo ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, hiện nay, hoạt động NSCL ở Việt Nam đang phát triển khá chậm. Nguyên nhân một phần do kinh phí hạn hẹp, một phần do nhận thức của DN. Thực tế, nhiều DN thường quan tâm tới các hoạt động áp dụng tiêu chuẩn quản lý có gắn với việc cấp giấy chứng nhận như một mục tiêu có tính hướng ngoại nhưng lại thiếu chú trọng đến cải tiến hiệu quả hoạt động nội bộ khi áp dụng các công cụ NSCL. Bên cạnh đó, nhiều DN đã sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm nhưng vẫn không bảo đảm chất lượng hàng hóa.

Theo bà Phạm Thu Giang - Phó Vụ trưởng vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), trong quá trình sản xuất, việc kiểm tra chất lượng thường được kiểm soát trong cả quá trình nhưng vẫn có một tỷ lệ sản phẩm không đạt yêu cầu. Nếu khâu kiểm soát chất lượng kém, sẽ có những sản phẩm bị lỗi hỏng ra thị trường, uy tín DN sẽ đi xuống và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh cũng như  thương hiệu của DN.

Áp dụng công cụ, hệ thống quản lý kinh tế để nâng cao NSCL

Để nâng cao NSCL ở các DN, theo ông Nguyễn Trọng Lợi - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN phát triển vừa và nhỏ 1 (SMEDEC1), một trong những nguyên tắc khi xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý là việc hoạch định phân tích các quá trình, sử dụng các nguồn lực một cách hợp lý khoa học, từ đó kiểm soát các quá trình ngay từ ban đầu.  ISO 9000 là một trong những công cụ giúp các DN thiết lập được các quy trình chuẩn để kiểm soát hoạt động, đồng thời phân định rõ việc, rõ người trong quản lý, điều hành công việc.

Bà Phạm Thu Giang cho rằng, DN có thể tích hợp các công cụ như hệ thống sản xuất tinh gọn (Lean), mô hình quản lý toàn diện (TPM)... Đối với Lean, đây là phương pháp liên tục cải tiến quy trình kinh doanh, cho nên, việc áp dụng Lean tích hợp với 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) là hoàn toàn phù hợp nhằm tối đa hóa hiệu suất thiết bị, nâng cao năng suất với một hệ thống bảo trì được thực hiện trong suốt một vòng đời thiết bị, đồng thời nâng cao ý thức và sự hài lòng với công việc của người lao động.

Cũng theo bà Giang, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 604/QĐ-TTg năm 2012, Bộ Công Thương đã thành lập Ban chỉ đạo điều hành dự án nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa công nghiệp thuộc Chương trình 712. Các tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội ngành hàng đã tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức; xây dựng, triển khai các dự án NSCL. Ngoài ra, việc áp dụng hệ thống nâng cao NSCL là nhu cầu tự thân để DN tồn tại và phát triển, do vậy, các đơn vị đều tích cực tham gia.

Dự án “Thúc đẩy hoạt động NSCL” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai từ năm 2012. Một trong các nội dung của dự án là hỗ trợ DN tiếp cận và áp dụng những giải pháp tiên tiến để nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL.

Báo Công thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo