Hỗ trợ doanh nghiệp

“Nhấn ga” tái cơ cấu đầu tư công

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức có hướng dẫn về việc lựa chọn dự án phải chuyển đổi hình thức đầu tư, sau khi không còn được nhận vốn từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ.

Cắt giảm đầu tư công, tái cơ cấu đầu tư công sẽ kéo theo rất nhiều dự án không còn được nhận vốn từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ nữa, mà phải chuyển đổi hình thức đầu tư sang BOT, BT, hay PPP…, hoặc bán, chuyển nhượng dự án.

 

Điều này, trên thực tế, đã được quy định trong Chỉ thị số 1792/2011/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ.

 

Tuy nhiên, suốt thời gian qua, vẫn là những câu hỏi, lựa chọn dự án nào, cắt bỏ dự án nào?

 

Đây là một công việc rất khó, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn, bởi nó gắn liền với cái gọi là lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Bởi vậy, điều quan trọng, theo các chuyên gia, phải có những tiêu chí cụ thể để qua đó các bộ, ngành, địa phương rà soát và quyết định cắt giảm, chuyển đổi hình thức đầu tư hoặc bán, chuyển nhượng dự án.

 

Hướng dẫn đã chính thức được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra.

 

Theo hướng dẫn này, dự án được lựa chọn chuyển đổi hình thức đầu tư là dự án đang được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, nhưng không đủ nguồn vốn bố trí tiếp và thuộc lĩnh vực đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT và PPP đã được quy định tại Nghị định số 24/2011/NĐ - CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2009/NĐ - CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO và BT và Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP ban hành kèm theo Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg.

 

Tuy nhiên, chỉ những dự án có thể thu phí để hoàn vốn đầu tư; các dự án có thể thanh toán bằng quyền sử dụng đất; các dự án có thể bán hoặc chuyển nhượng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước mới được phép chuyển đổi sang các hình thức BOT, BTO, hay BT.

 

“Chỉ chuyển đổi theo hình thức hợp đồng BOT hoặc PPP đối với các dự án có khả năng giao cho nhà đầu tư tiếp tục xây dựng và kinh doanh công trình để thu hồi vốn đầu tư. Còn với hình thức BT, phải đảm bảo các bộ, ngành, địa phương có khả năng thu xếp được quỹ đất để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác hoặc để tạo nguồn vốn thanh toán”, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

 

Cũng theo hướng dẫn này, nếu lựa chọn chuyển đổi dự án sang hình thức BOT hoặc PPP, các bộ, ngành, địa phương có thể rút toàn bộ vốn nhà nước đã đầu tư vào công trình.

 

Trong trường hợp này, nhà đầu tư phải hoàn trả cho Nhà nước phần vốn đã đầu tư theo tiến độ thỏa thuận với các bộ, ngành, địa phương; chịu trách nhiệm thu xếp phần vốn còn lại để tiếp tục đầu tư xây dựng công trình và được phép kinh doanh thu hồi vốn, lợi nhuận trong thời gian nhất định theo thỏa thuận.

 

Thời gian thu hồi vốn và lợi nhuận của nhà đầu tư được tính trên cơ sở toàn bộ số vốn đầu tư xây dựng công trình.

 

Một lựa chọn khác, đó là Nhà nước vẫn tiếp tục góp phần vốn đã đầu tư để tham gia hoặc hỗ trợ thực hiện dự án. Trong trường hợp này, phần vốn Nhà nước đã đầu tư được xác định theo tỷ lệ quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ - CP, Quyết định số 71/2010/QĐ - TTg và Thông tư số 3/2011/TT - BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 108/2009/NĐ - CP.

 

Nếu phần vốn Nhà nước đã đầu tư vượt quá tỷ lệ quy định tại các văn bản nêu trên, các bộ, ngành, địa phương có thể rút một phần vốn đã đầu tư hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.

 

Tất nhiên, ngoài phần vốn Nhà nước đã đầu tư, thì nhà đầu tư thu xếp phần vốn còn lại để tiếp tục đầu tư xây dựng công trình và được phép kinh doanh thu hồi vốn, lợi nhuận trong thời gian nhất định theo thỏa thuận với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Thời gian thu hồi vốn, lợi nhuận của nhà đầu tư được tính trên cơ sở phần vốn còn lại do nhà đầu tư thu xếp để hoàn thành công trình.

 

Đối với hình thức BT, cũng có hai lựa chọn tương tự cho các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, điểm khác biệt là, sau khi hoàn thành, nhà đầu tư chuyển giao công trình cho Nhà nước và được giao đất thực hiện dự án khác hoặc được thanh toán bằng nguồn vốn hình thành từ quỹ đất với giá trị tương ứng với toàn bộ số vốn đầu tư xây dựng công trình và lợi nhuận.

 

Trong khi đó, các dự án có thể bán, chuyển nhượng hoặc chuyển đổi theo hình thức liên doanh được xem xét sau khi xác định được giá trị phần vốn Nhà nước đã đầu tư và phần vốn còn lại yêu cầu nhà đầu tư tiếp tục thu xếp để hoàn thành công trình.

 

Các hướng dẫn khác liên quan đến thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư và thực hiện dự án cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể.

 

Hướng dẫn đã có, điều quan trọng nhất trong lúc này, đó là các bộ, ngành, địa phương phải tích cực rà soát để cho ra kết quả cuối cùng: dự án nào được tiếp tục đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước hay trái phiếu chính phủ, dự án nào phải chuyển đổi, bán cho nhà đầu tư khác, hoặc chuyển sang hình thức đầu tư khác.

 

Và đây là lúc đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn của các bộ, ngành và địa phương.

 

 

Thừa nhận rằng đây là một công việc không dễ dàng, nhất là khi Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương lập tức siết chặt việc đầu tư, trong khi không ít dự án còn dở dang, song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã khẳng định rằng, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm không thể cản bước quá trình tái cơ cấu đầu tư công.
 
 
 
Theo Đầu tư
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo