“Ông lớn” Vosco báo lỗ 22 tỷ đồng
Sau khi trừ các khoản chi phí về thuế, lợi nhuận sau thuế, mức thu nhập doanh nghiệp của Vosco âm hơn 22 tỉ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 825 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế âm hơn 52 tỉ đồng.
Theo công bố báo cáo tài chính quý 2/2018 hôm 30/7 của Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOS), doanh thu thuần trong kỳ đạt hơn 382 tỉ đồng, giá vốn hàng bán đã chiếm tới hơn 98% trong doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp chỉ còn 15 tỉ đồng, con số này vẫn khả quan hơn rất nhiều so với khoản lỗ gộp 37 tỉ đồng cùng kỳ năm trước.
Do các khoản chi phí như: chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp của Vosco đều ở mức khá cao nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 28 tỉ đồng, mức lỗ này được ghi nhận giảm mạnh so với hơn 88 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2017.
Sau khi trừ các khoản chi phí về thuế, lợi nhuận sau thuế, mức thu nhập doanh nghiệp của công ty này âm hơn 22 tỉ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 825 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế âm hơn 52 tỉ đồng.
Hiện doanh nghiệp này "ôm" khoản nợ hơn 3.100 tỉ đồng gồm nợ ngắn hạn hơn 1.125 tỉ đồng, nợ dài hạn 2.042 tỉ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ "vỏn vẹn" hơn 585 tỉ đồng.
Quý 1/2018, Vosco cũng thông báo lỗ ròng hơn 30 tỉ đồng. Từ ngày 6/4/2018, cổ phiếu VOS của Vosco đã bị chuyển từ diện kiểm soát sang diện bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2017 là 10,73 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2017 trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 đã kiểm toán là là âm 791 tỉ đồng. Kiểm toán còn đưa ra ý kiến về khả năng hoạt động liên tục của công ty do nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 197 tỉ đồng.
Tính đến cuối quý 3/2017, Vosco ghi nhận 11 quý liên tiếp thua lỗ với con số lên tới gần 60 tỉ đồng, lỗ ròng hơn 231 tỉ đồng. Tính đến cuối quý 3/2017, lỗ lũy kế của Vosco là hơn 1.000 tỉ đồng. Thời gian qua, công ty này đã thanh lý một nửa đội tàu nhưng kết quả kinh doanh vẫn không thể tốt hơn.
Tại kỳ đại hội đồng cổ đông 2018 mới đây, Vosco đã thông qua mục tiêu có phần thận trọng với doanh thu chỉ bằng 73% so với 2017 và lợi nhuận trước thuế chỉ là cân bằng thu chi. Tuy nhiên, công ty đã công bố một kế hoạch dài hơi hơn cho đến tận 2020 với con số kinh doanh sẽ là có lãi.
Vosco từng được biết đến là doanh nghiệp vận tải biển quốc gia hàng đầu Việt Nam, bởi quy mô vốn, đội tàu và năng lực vận tải vượt xa bất kỳ doanh nghiệp cùng lĩnh vực trong nước nào. Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp để tăng doanh thu, kiểm soát chi phí, nhưng do lượng cung tàu tăng, khiến giá cước tiếp tục duy trì ở mức yếu trong khi giá nhiên liệu tăng mạnh, là nguyên nhân khiến công ty vẫn lỗ.
Để giúp các doanh nghiệp vận tải biển thoát cơn bĩ cực, mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tổ chức đấu thầu trong nước đối với các hợp đồng vận chuyển than nhập khẩu bằng đường biển nhưng vẫn phải bảo đảm tuân thủ các cam kết về dịch vụ vận tải biển của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bên cạnh đó, các chủ hàng Việt Nam tạo điều kiện để đội tàu của Việt Nam được vận chuyển hàng hóa theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo