Hỗ trợ doanh nghiệp

“Trảm” các dự án FDI lỗi hẹn

Thông điệp chỉ chọn những dự án FDI có chất lượng, trảm” những dự án FDI lỗi hẹn đã được các bộ, ngành và nhiều địa phương thực hiện nghiêm túc.Và những kết quả ban đầu đạt được có phần mừng.

Thông điệp thanh lọc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lỗi hẹn theo Chỉ thị 1617/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ được rốt ráo thực hiện. Đáng bàn, có một số địa phương chủ tâm phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng...

  

Tích cực dọn dẹp dự án xấu

 

Ngày 19/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 1617/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài. Từ đó tạo ra nền tảng, chiến lược thu hút, phát triển FDI hiệu quả trong giai đoạn 2011- 2020.

 

Thông điệp chỉ chọn những dự án FDI có chất lượng, "trảm” những dự án FDI lỗi hẹn đã được các bộ, ngành và nhiều địa phương thực hiện nghiêm túc.

 

Lãnh đạo các tỉnh thành phố cũng lên kế hoạch hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thẩm tra, cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động FDI trên địa bàn thành phố.

 

Và những kết quả ban đầu đạt được có phần mừng. Sau khi tiến hành rà soát, tỉnh Lạng Sơn đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư 5 doanh nghiệp không triển khai thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư và vi phạm Luật Doanh nghiệp. Tỉnh Bắc Ninh cũng tiến hành thu hồi giấy phép tại 16 dự án, với tổng vốn đầu tư 47,64 triệu USD.

 

Tỉnh Bắc Giang đã xử lý vi phạm hành chính 2 nhà đầu tư nước ngoài với số tiền 102,5 triệu đồng, thu hồi 12 dự án, diện tích 313,1ha. Còn tại Vĩnh Phúc, tính đến hết quý 1-2012, thu hồi 12 dự án FDI không triển khai với tổng diện tích 17,2ha.

 

Khu vực miền Trung, trong năm 2011, tỉnh Bình Định đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư 4 dự án FDI; Quảng Nam thu hồi 8 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 104,7 triệu USD.

 

Còn tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong những nơi dẫn dầu về việc thu hút nguồn vốn FDI Bà Rịa - Vũng Tàu đã xem xét chấm dứt hoạt động trước thời hạn và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư 11 dự án. Tương tự ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đã thu hồi 12 giấy chứng nhận đầu tư của 12 dự án với tổng vốn đầu tư 35,5 triệu USD.

 

Các địa phương đang tích cực dọn dẹp các dự án FDI xấu để làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có nhu cầu và năng lực thật. Đồng thời, các địa phương cũng đang tích cực quy hoạch các khu công nghiệp, bảo đảm hài hòa giữa các khu vực kinh tế, lĩnh vực phát triển để đối tác lựa chọn đầu tư .

 

Cũng có địa phương chủ tâm phớt lờ

 

Dù Thủ tướng Chính phủ đã ra "tối hậu thư” về việc thu hút vốn FDI và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong lần đối thoại trực tuyến với nhân dân vào đầu tháng 2 một lần nữa cũng nhấn mạnh: phải lọc và xây dựng bộ tiêu chí để hoàn thành mục tiêu, định hướng quản lý đầu tư FDI phù hợp chiến lược phát triển, nhưng nhiều địa phương vẫn cố tình đứng ngoài sự chỉ đạo.

 

Sau gần 8 tháng, chỉ có 7 bộ, ngành và 48 địa phương gửi báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị số 1617/CT-TTg: gồm Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các bộ khác, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa báo cáo.

 

Đáng nói hơn, một số báo cáo của các địa phương, thậm chí có cả cấp bộ gửi về Cục Đầu tư và nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư vẫn mang tính chất đối phó. Khôi hài hơn, một số địa phương như Hà Giang lại gửi nhầm bản báo cáo về một lĩnh vực khác.

 

Lý do để các địa phương "lờ” chỉ thị cũng dễ hiểu. Bởi, khi rút giấy phép các dự án FDI nhiều hệ lụy sẽ để lại mà địa phương sẽ là nơi trực tiếp chịu tác động. Chính quyền địa phương sẽ bị cho là mất uy tín trong công tác thu hút FDI.

 

Trước đây, các địa phương coi việc thu hút FDI là thước đo để đánh giá môi trường cạnh tranh, tốc độ phát triển kinh tế-xã hội. Giờ đây, nếu phải dọn dẹp dự án lỗi hẹn thì có nghĩa "bệnh thành tích” của địa phương bị phát giác.

 

Mặc dù được nhìn nhận, môi trường đầu tư của Việt Nam có tính cạnh tranh, nhưng những năm qua do thả nổi, không quản chặt chẽ nên các dự án FDI đầu tư ở Việt Nam lại sử dụng nhiều đất, năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, những dự án vốn đăng ký cao nhưng tỷ lệ vốn thực hiện quá thấp.

 

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong khẳng định, chấn chỉnh hoạt động đầu tư, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, xác định lại mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, thông qua việc áp dụng công nghệ cao là việc đặng chẳng đừng.

 

Rà soát, rút giấy phép rồi nhưng phải có cách thức xử lý, phải quản việc lấp chỗ trống, đừng để lặp lại vết xe cũ. Dự án nào còn "sống” thì phải có động thái kích vào để nhanh phát huy hiệu quả.

  Tính đến hết tháng 2-2012, tổng số dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực tại Việt Nam là 13.530 dự án với tổng vốn đăng ký gần 200 tỷ USD

 

 

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo