Hỗ trợ doanh nghiệp

“Trợ lực” giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 15 triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Theo Chỉ thị 15, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng, ban hành các thông tư quy định về tổ chức hoạt động hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó quy định mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và áp dụng có thời hạn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; quy định việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn cho các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; quy định việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn cho các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm; quy định việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh... 

 

“Để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện đổi mới công nghệ, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của mình, Bộ KH-CN chủ trì hướng dẫn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, tiếp nhận, cải tiến, hoàn thiện, làm chủ công nghệ thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, tìm kiếm, giải mã, chuyển giao công nghệ. Các tỉnh, thành phố căn cứ vào điều kiện quỹ đất thực tế tại địa phương bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển các cụm công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, chỉ thị nêu rõ. 

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ TN-MT hướng dẫn các địa phương bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp; khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2018. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung Nghị định 66/2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trình Chính phủ trong tháng 12/2018. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn, triển khai chính sách cấp bù lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị… 

Trước đó, tháng 3 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 34 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương. Theo đó, với vai trò là quỹ tài chính Nhà nước, ngoài ngân sách do các địa phương thành lập, quỹ có vốn điều lệ thực có tại thời điểm thành lập tối thiểu 100 tỉ đồng, do ngân sách cấp tỉnh cấp. Doanh nghiệp được quỹ xem xét cấp bảo lãnh khi có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn; có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tham gia dự án đầu tư, không có các khoản nợ thuế từ 1 năm trở lên tại thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh…

Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phát triển nhanh, chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập, đóng góp ngân sách bình quân tăng 45,4%/năm.


Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển 

Cũng giống như cả nước, tại Phú Yên, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số và hàng năm đóng ngân sách chiếm tỉ lệ lớn. Sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu ngân sách cho tỉnh. Theo ông Trần Thiện Kim, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, hiện toàn tỉnh có khoảng 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động; dự ước đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động; tỉ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phần kinh tế này lên 71,5%. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh ban hành Chỉ thị 04 và Chương trình hành động 06 về lãnh đạo chỉ đạo cải cách hành chính nâng cao chỉ số PCI, PAPI. Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành công bố số điện thoại, địa chỉ thư điện tử để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp. Công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; hầu hết thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp giảm từ 35-50% thời gian so với quy định. 

Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, cuối tháng 12/2017, UBND tỉnh ra mắt Qũy Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh với vốn điều lệ ban đầu 65 tỉ đồng. Đồng chí Nguyễn Chí Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo lãnh tín dụng khẳng định việc thành lập quỹ là quyết tâm mạnh mẽ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất. 

Tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Phú Yên còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Việc huy động vốn và tiếp cận nguồn vốn của nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hiệu quả kinh doanh chưa cao. Bản thân các doanh nghiệp cũng bộc lộ nhiều hạn chế như vốn ít, sức cạnh tranh còn yếu; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn thấp, trình độ quản trị doanh nghiệp chưa tốt... Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc DNTN Minh Hùng ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ cần hỗ trợ vốn, đất, thuế, mà cần hỗ trợ về cơ chế chính sách, tư vấn pháp luật, trình độ quản trị nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Doanh nghiệp càng nhỏ thì càng gặp khó khăn trong vấn đề này. 

Từ thực tế trên, tỉnh đưa ra các giải pháp nhằm tiếp tục phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đó là có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ tương xứng, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, thông thoáng hơn để phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Có những chính sách, cơ chế về đất đai, thuế, đào tạo nhân lực, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, thông tin thị trường cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa…

Nên đọc
Theo Báo Phú Yên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo