Hỗ trợ doanh nghiệp

10 năm, EVNNPT đã truyền tải an toàn 1.201,2 tỷ kWh

Hệ thống Truyền tải điện Quốc gia đã vươn tới tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước và kết nối với lưới truyền tải điện của các nước trong khu vực với công nghệ ngày càng hiện đại.

Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) diễn ra ngày 4/7, ông Nguyễn Tuấn Tùng, Tổng giám đốc EVNNPT cho biết, 10 năm qua (1/7/2008-1/7/2018), EVNNPT đã truyền tải an toàn với sản lượng 1.201,2 tỷ kWh, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,95%/năm, qua đó đã góp phần cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Tổng giám đốc Nguyễn Tuấn Tùng, với một quy mô lưới điện truyền tải từ những ngày đầu còn rất khiêm tốn và hoạt động trong một điều kiện cực kỳ thiếu thốn, cơ sở vật chất còn đơn sơ, nghèo nàn, hệ thống lưới truyền tải điện quá già cỗi, thiết bị không đồng bộ và không có thiết bị dự phòng, điều kiện bảo dưỡng rất hạn chế, eo hẹp nhưng các Công ty Truyền tải điện và các Ban Quản lý dự án đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ để quản lý vận hành và xây dựng nên những nền móng ban đầu của hệ thống điện truyền tải. Từ đó góp phần cùng ngành điện Việt Nam đáp ứng yêu cầu cung ứng điện trong thời kỳ khôi phục và tái thiết đất nước sau khi vừa đi qua chiến tranh.

Đường dây 500kV Duyên Hải-Mỹ Tho do Ban quản lý dự án các công trình điện miền Nam làm chủ đầu tư.. Ảnh: TTXVN.

Đáng chú ý, vào tháng 5/1994, với sự kiện đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam mạch 1 được hoàn thành và đưa vào vận hành đã đánh một dấu mốc hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của truyền tải điện Việt Nam.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Hệ thống điện Việt Nam đã có “trục xương sống” chạy suốt từ Bắc vào Nam chỉ sau 2 năm xây dựng thần tốc và đã được kết nối thành một hệ thống điện thống nhất trên toàn quốc.

Nửa năm sau khi đường dây 500kV Bắc - Nam được đưa vào vận hành, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (sau là Tập đoàn Điện lực Việt Nam-EVN) chính thức hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện năng trên toàn quốc từ khâu phát điện, truyền tải đến phân phối.

Quang cảnh lễ kỷ niệm 10 năm EVNNPT. Ảnh: TTXVN.

Với sự chỉ đạo của EVN, hệ thống truyền tải điện Việt Nam đã được đầu tư phát triển mạnh mẽ với hàng loạt các dự án quan trọng được đưa vào vận hành như đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 2 cùng nhiều công trình 500kV, 220kV đã tạo nên một hệ thống điện truyền tải Quốc gia tiến lên quy mô, hiện đại để góp phần cung cấp điện cho phát triển kinh tế của đất nước trong thời kỳ đổi mới và phát triển.

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2008 trên cơ sở tổ chức lại 4 Công ty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4 và 3 Ban QLDA các công trình điện miền Bắc, miền Trung, miền Nam theo Quyết định số 223/QĐ-EVN ngày 11/4/2008 của Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

 

Tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do EVN là chủ sở hữu, có chức năng, nhiệm vụ chính là quản lý vận hành và đầu tư phát triển lưới điện truyền tải điện 220kV trở lên trong toàn quốc và liên kết với khu vực với mục tiêu đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam. 

Kể từ thời điểm này, công tác quản lý vận hành và đầu tư phát triển Hệ thống truyền tải điện Quốc gia cấp điện áp từ 220kV trở lên đã được thu về một mối thống nhất. Với vai trò là “xương sống” của Hệ thống điện Việt Nam, Hệ thống truyền tải điện Quốc gia đã trở thành bộ phận quan trọng trong hạ tầng cơ sở, là tiền đề để xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Sự kiện này đã đánh dấu sự phát triển của ngành điện và mở ra giai đoạn phát triển mới trong lĩnh vực truyền tải điện Việt Nam.

Ngay từ khi bắt đầu đi vào hoạt động, EVNNPT đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể như: Hệ thống truyền tải điện Quốc gia chưa đáp ứng được nhu cầu truyền tải điện, tình trạng quá tải xẩy ra trên diện rộng ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, nguy cơ sự cố cao. Trong khi đó, giá truyền tải điện quá thấp, chỉ chiếm khoảng 6% giá bán điện bình quân toàn EVN, trong khi ở các nước trên thế giới thường chiếm từ 10-12%. Vì vậy không có đủ vốn đối ứng phục vụ công tác đầu tư xây dựng.

Bên cạnh yêu cầu tiến độ các công trình rất căng thẳng, đặc biệt là tiến độ các công trình lưới điện đồng bộ với các công trình nguồn điện thì nhiều công trình đã bị chậm tiến độ trong khi việc bồi thường giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Nhu cầu vốn cho đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải cũng ngày càng tăng cao trong khi vốn khấu hao cơ bản của Tổng công ty chỉ đủ trả nợ gốc và lãi vay, việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn.  

 

Đến nay, sau 10 năm đầu tư và phát triển, lưới điện truyền tải đã phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và ngày càng được nâng cao về chất lượng, công nghệ. Tính đến thời điểm hiện tại, EVNNPT quản lý vận hành tổng số 24.423 km đường dây từ 220-500kV, tăng 2,22 lần so với ngày đầu thành lập; quản lý vận hành 142 trạm biến áp (TBA) với tổng dung lượng máy biến áp là 82.438 MVA, tăng 2,29 lần về số TBA và tăng 3,72 lần về tổng dung lượng so với ngày đầu thành lập.

Hệ thống Truyền tải điện Quốc gia đã vươn tới tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước và kết nối với lưới truyền tải điện của các nước trong khu vực với công nghệ ngày càng hiện đại. Về quy mô hệ thống điện truyền tải của EVNNPT đã đứng thứ 3 trong các nước ASEAN và đứng thứ 8 trong 24 tổ chức truyền tải điện của châu Á về chiều dài đường dây, đứng thứ 4 các nước ASEAN và đứng thứ 11 trong 24 tổ chức truyền tải điện của Châu Á về dung lượng máy biến áp. 

Toàn cảnh Trạm biến áp 500kV Pleiku. Ảnh: TTXVN.

Bên cạnh việc đầu tư phát triển lưới điện truyền tải để tăng cường khả năng và độ tin cậy cung cấp điện, EVNNPT đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: thường xuyên kiểm tra, theo dõi trong quá trình vận hành để xử lý kịp thời các khiếm khuyết, bất thường trên lưới điện; từng bước trang bị đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động; nâng cao chất lượng công tác quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật; thực hiện tốt sửa chữa, thí nghiệm định kỳ để đảm bảo thiết bị vận hành an toàn; phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng công an và chính quyền địa phương các cấp để bảo vệ an toàn lưới điện truyền tải.

Mặc dù các đường dây 500kV Bắc - Nam luôn phải truyền tải cao để đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam đã gây ảnh hưởng lớn đến tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải nhưng tổn thất điện năng trên hệ thống điện truyền tải trong 10 năm qua đã giảm từ 3,14% năm 2010 xuống còn 2,45% năm 2017. Với kết quả này, tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải của EVNNPT đã giảm về mức tương đương với tổn thất điện năng của các tổ chức truyền tải điện của các nước tiên tiến trên thế giới như RTE (Pháp), Elia 50 HZ (Đức), REE (Tây Ban Nha), PSE SA (Ba Lan), Transgrid (Australia), KEPCO (Hàn Quốc), TEPCO (Nhật Bản).     

Cũng trong 10 năm qua, EVNNPT đã tập trung hoàn thành một khối lượng đầu tư phát triển lưới điện truyền tải rất lớn, đưa vào vận hành 470 công trình lưới điện truyền tải, giải tỏa công suất của các Trung tâm điện lực và các nhà máy thủy điện lớn như Sơn La, Lai Châu, Duyên Hải, Vĩnh Tân, Mông Dương, Vũng Áng..., đảm bảo cấp điện cho miền Nam, cung cấp điện cho các khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước…

 

Đáng chú ý, hệ thống điện truyền tải đã vươn tới tất cả các tỉnh thành trên cả nước, kết nối với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Camphuchia và đã đóng một vai trò hết sức quan trọng là trục xương sống của hệ thống điện Việt Nam.

Đặc biệt hệ thống 500kV đã được đầu tư phát triển rất nhanh chóng và thực sự đóng vai trò là hệ thống năng lượng huyết mạch truyền tải công suất từ các Trung tâm điện lực và các nhà máy thủy điện lớn, tăng cường năng lực truyền tải điện Bắc - Nam để đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam trong thời gian qua.

Từ năm 2012 đến nay, Tổng công ty đã hoạt động có lợi nhuận, năm sau cao hơn năm trước với tổng lợi nhuận sau thuế đạt 1.246 tỷ đồng. Từ các chỉ tiêu tài chính xấu, không đáp ứng được yêu cầu theo quy định tại những năm đầu thành lập, từ nhiều năm trở lại đây tất cả các chỉ tiêu tài chính của Tổng công ty đều đảm bảo đáp ứng theo quy định của nhà nước và các tổ chức tín dụng quốc tế.

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù Thủ tướng Chính phủ có chủ trương hạn chế các nguồn vốn ODA nhưng EVNNPT đã chủ động thu xếp các nguồn vốn thay thế nguồn vốn ODA, các nguồn vốn không có bảo lãnh của Chính phủ để đảm bảo vốn đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng của Tổng công ty trong thời gian tới.

Thực hiện các Đề án Tối ưu hóa chi phí, Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và Năng suất lao động của Tổng công ty, qua 3 năm triển khai Tổng công ty tiết kiệm được 8.536 tỷ đồng trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng. Sau 10 năm, năng suất lao động theo chiều dài đường dây tăng 1,8 lần, năng suất lao động theo dung lượng máy biến áp tăng 2,7 lần.

 

Tổng giám đốc Nguyễn Tuấn Tùng cũng cho biết, theo Chiến lược phát triển Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040, sẽ phát triển Tổng công ty đến năm 2020 trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu khu vực ASEAN, năm 2025 trở thành một trong các tổ chức truyền tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện. Sản lượng điện truyền tải đến năm 2020 đạt 219,2 tỷ kWh. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,67% trong giai đoạn 2018-2020. Tổn thất điện năng tới năm 2020 đạt ≤  2,15%.

Để đạt được mục tiêu đề ra, trên những chặng đường sắp tới, Tổng công ty đã đề ra 7 nhóm giải pháp triển khai cụ thể. Đồng thời đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp, chỉ tiêu cụ thể theo kế hoạch đề ra.

Nên đọc
Theo BNEWS/TTXVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo