6 tháng đầu năm 2018 đạt 210 triệu tiền lãi, PVTex đang trên đà hồi sinh?
Chi tiết báo cáo của Bộ, sau hơn 1 năm triển khai xử lý, trong số 6 nhà máy trước đây kinh doanh thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy có lãi trở lại, đó là Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng và Dự án nhà máy thép Việt Trung.
Cùng với đó, 4 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định, đó là Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, Công ty DQS.
Mặt khác, trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại được một phần của nhà máy, đó là Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.
Cụ thể, vào ngày 20/4/2018, PVTex đã chính thức khởi động lại 3 máy DTY. Sau hơn 2 tháng vận hành, máy móc thiết bị của 3 dây chuyền đã vận hành ổn định, chất lượng sản phẩm đã đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Về tổng thể, các chỉ tiêu như tỉ lệ phẩm cấp, hiệu suất máy và tiêu hao năng lượng đang được cải thiện và vượt các chỉ tiêu định mức kế hoạch đề ra.
Tính đến hết tháng 6 năm 2018, nhà máy đã sản xuất bán được hơn 500 tấn sợi DTY chất lượng thương mại và đã xuất bán hơn 300 tấn cho các doanh nghiệp dệt trong nước, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng và lợi nhuận chi phí cố định là 0,21 tỷ đồng (đạt 140% kế hoạch).
Hơn nữa, thông tin mới nhất từ PVTex, trong tháng 7 này Công ty sẽ tiếp tục ký hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh với đối tác để từng bước nâng công suất sản xuất DTY lên 10 dây chuyền sản xuất sợi DTY trong tháng 8/2018, và sẽ tiếp tục nâng tối đa công suất để khai thác toàn bộ 29 dây truyền DTY vào cuối năm 2018. Bên cạnh đó PVTex cũng đang tích cực đàm phán với đối tác để ký hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh toàn bộ Nhà máy xơ sợi Đình Vũ trong cuối năm 2018.
PVTex - là nhà máy do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỷ đồng) nhưng từ khi chạy thử và vận hành vào tháng 5/2014 đã liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng sản xuất.
Theo ghi nhận, sau khi vận hành khoảng 7 tháng dự án đã lỗ hơn 1.085 tỷ đồng, doanh thu không đủ bù chi phí tối thiểu. Do gặp khó khăn về thị trường và tài chính, giá bán không theo kịp giá thành sản xuất, PVTex đã phải tạm dừng hoạt động nhà máy vào tháng 9/2015. Theo đó, PVTex là 1 trong 12 dự án thua lỗ cần được tái cơ cấu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo