66% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có xu hướng mở rộng kinh doanh
Theo kết quả “Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Châu Á và Châu Đại Dương năm 2014” vừa được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố mới đây cho thấy 66% DN Nhật Bản tại Việt Nam có xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh.
Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành VPĐD JETRO tại TPHCM cho biết, đây là cuộc khảo sát lần thứ 28 được JETRO thực hiện dưới hình thức phiếu điều tra. Đối tượng khảo sát là 10.078 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 4.767 DN đã đưa ra trả lời hợp lệ, riêng tại Việt Nam có 458 DN.
Từ kết quả khảo sát cho thấy gần 62,3% DN Nhật Bản tại Việt Nam báo lãi, cao hơn con số 59,9% của năm 2013. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với DN Nhật tại các nước khác trong ASEAN (71,2% tại Philippines, 66,9% tại Thái Lan, và 66,4% tại Malaysia) nhưng lại tốt hơn ở Indonesia (60,9%) và Trung Quốc (60,7%). Những DN có lãi cao nhất là các công ty gia công xuất khẩu, với tỷ lệ có lãi xấp xỉ 70%, trong khi nhóm không gia công xuất khẩu lại thấp nhất, chỉ đạt 56%.
Đánh giá thuận lợi trong môi trường đầu tư của Việt Nam được xếp thứ 4 trên tổng số 15 quốc gia về chi phí nhân công rẻ và hơn một nửa số DN cũng đánh giá cao tình hình chính trị, xã hội ổn định của Việt Nam. Về tình hình cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam là 33,2%, tăng 1% so với năm 2013, cao hơn Philippines (28,4%), nhưng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (66%), Thái Lan (55%), Indonesia (43%), Malaysia (41%).
Liên quan đến ngành công nghiệp phụ trợ, tính đến nay mới chỉ có 1 DN Nhật tiếp cận được những ưu đãi từ chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ của Chính phủ Việt Nam. Thực tế, mặc dù Việt Nam có rất nhiều chính sách, văn bản ưu đãi dành cho các DN để khuyến khích đầu tư, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng các DN rất khó tiếp cận. Điều này cho thấy các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn chưa phù hợp với thực tế, thủ tục để tiếp cận những ưu đãi thì quá rườm rà dẫn đến không có nhiều DN có thể thỏa mãn được những tiêu chí đưa ra trong chương trình.
Bên cạnh đó, một số rủi ro trong đầu tư mà DN Nhật Bản đang phải đối mặt là hệ thống pháp luật vẫn còn nhiều tồn tại, vận hành chưa minh bạch, nội dung xa rời thực tế, không rõ ràng dẫn tới vận hành không thống nhất giữa các bộ ngành, địa phương, cán bộ thừa hành.
Theo báo Công thương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo