70% doanh nghiệp Nhật sẽ mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam
Trưởng đại diện Jetro tại TP.HCM, ông Takimoto Koji cho biết, các DN Nhật Bản nhận định Việt Nam vẫn là môi trường hấp dẫn đầu tư do có lợi thế về quy mô thị trường lớn với dân số trên 100 triệu người. Lý do mở rộng đầu tư tại Việt Nam được 87,7% số DN được hỏi cho rằng mở rộng do doanh thu tăng. Những thuận lợi chính trong môi trường đầu tư tại Việt Nam, đó là quy mô thị trường và khả năng tăng trưởng, tình hình chính trị, xã hội ổn định và giá nhân công rẻ, tuy nhiên, nhiều DN cũng cho biết rào cản ngôn ngữ là đáng kể.
Kết quả trên dựa vào thực tế khảo sát tình hình hoạt động, kinh doanh của 652/2.540 DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Trong số đó, có 2/3 là DN sản xuất và 1/3 DN dịch vụ. Cơ cấu đầu tư của DN Nhật Bản trong năm 2017 có sự thay đổi so với năm 2016.
Theo đó, DN đầu tư ngành công nghiệp chế tạo giảm từ 59% năm 2016 xuống còn 40% năm 2017. Ngược lại, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh từ 7% lên 23%. Ngoài ra, đầu tư ở một số ngành khác cũng có xu hướng tăng nhẹ như kho bãi, vận chuyển, khách sạn, ăn uống, xây dựng… Dự kiến xu hướng dịch chuyển cơ cấu đầu tư năm 2017 sẽ có tiếp diễn trong năm 2018.
Sự gia tăng nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản chủ yếu nhờ các dự án lớn về cơ sở hạ tầng như xây dựng nhà máy phát điện. Cụ thể là dự án nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 Thanh Hóa với số vốn cấp phép 2.793 triệu USD, dự án nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1, Khánh Hòa có vốn cấp phép là 2.581 triệu USD, dự án khí Ô Môn “lô B”, Kiên Giang 1.278 triệu USD. Ngoài các dự án lớn thì các dự án đầu tư mới tiếp tục, chủ yếu là các dự án có quy mô vừa và nhỏ.
Trong mảng khai thác thị trường, có thể nói rằng các sản phẩm và dịch vụ của DN Nhật Bản có ưu thế về chất lượng nên dễ dàng được người tiêu dùng chấp nhận nên việc DN tăng quy mô sản xuất cũng có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa của sản phẩm.
Theo đánh giá của Jetro, tỷ lệ cung ứng nội địa ở các nền sản xuất phát triển phải tăng mạnh như Trung Quốc 67,2%, Thái Lan 56,8% trong khi ở Việt Nam thì tỷ lệ này quá thấp chỉ khoảng 33%. Tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ để nâng cao năng lực cung ứng cho DN Nhật Bản sẽ giúp tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam. Việt Nam cần cải thiện tỷ lệ cung ứng nội địa để được hưởng lợi từ sản phẩm giá trị gia tăng.
Ông Takimoto Koji cũng cho biết, bên cạnh những mặt thuận lợi, các DN Nhật Bản khi được khảo sát cũng nêu ra những rủi ro trong môi trường đầu tư. Theo đó, hơn 60% DN cho rằng “chi phí nhân công tăng cao” là một trong những trở ngại, cùng với đó là những trở ngại về hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, cơ chế, thủ tục thuế phức tạp. Một trở ngại nữa mà các DN Nhật Bản chỉ ra là khó tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện tại Việt Nam, khó quản lý được chất lượng.
Ngoài ra, môi trường đầu tư tại Việt Nam còn có nhiều rủi ro, tập trung chủ yếu vào nguy cơ tăng tiền lương và việc vận hành chính sách, quy định nhà nước tại các địa phương vẫn chưa được nhất quán, minh bạch. Nhiều DN Nhật Bản khi đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam có những sản phẩm đòi hỏi phải đưa cả máy móc thiết bị sang, thế nhưng quy định của Chính phủ Việt Nam về nhập máy móc thiết bị đã qua sử dụng đã trở thành rào cản khiến DN rất khó khăn trong việc đầu tư tại Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ Công thương đánh giá cao kết quả khảo sát của Jetro. Một lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, kết quả khảo sát giúp cho Chính phủ cũng như ngành Công thương nhìn thẳng vào những vấn đề còn tồn tại, từ đó giúp cho việc hoạch định chính sách, ban hành chính sách hiệu quả và ngày càng sát thực tế hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Phát triển du lịch đường sông gắn làng nghề gạch gốm Mang Thít
Đà Nẵng: Hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia Hội chợ Xuân 2025
Viet Unicorn ra mắt sáng kiến quốc tế hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên Việt Nam
Ứng dụng công nghệ đám mây tiên tiến đáp ứng các mục tiêu dữ liệu, AI của nhà sản xuất
Đẩy mạnh đưa thực phẩm Halal ra thế giới