91% doanh nghiệp còn biết quá ít về TPP
Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2015 về sự hiểu biết của các doanh nghiệp thì 91% là con số doanh nghiệp còn biết quá ít về TPP (20% doanh nghiệp chưa từng nghe về TPP, 45% doanh nghiệp có nghe nhưng không biết gì sâu, 26% doanh nghiệp đã từng tìm hiểu sơ sơ). Chỉ có 9% số doanh nghiệp đã tìm hiểu tương đối kỹ TPP. Với kết quả khảo sát này cho thấy mức độ quan tâm của các doanh nghiệp đến các hiệp định thương mại tự do còn quá thấp.
Khi TPP có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu này. Tuy nhiên, bên cạnh viễn cảnh tăng trưởng xuất khẩu thì sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi có TPP cũng rất mạnh. Việc đưa thuế nhập khẩu về 0% trong các thành viên chịu tác động của TPP sẽ làm cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước tràn về Việt nam ngày càng nhiều và khi đó các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhất là người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng thích dùng hàng ngoại nhiều hơn.
Vừa qua, tại TPHCM, Cục Xuất nhập khẩu, Báo Công Thương (Bộ Công Thương) đã tổ chức hội thảo “TPP – Cơ hội và thách thức tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì hội thảo.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Bộ, Ban, Ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các Đại sứ, Tổng Lãnh sự quán, các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế cùng đại diện hơn 200 doanh nghiệp XNK.
Hội thảo là dịp để các Hiệp hội và Doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin, đề xuất các giải pháp nhằm tận dụng tối đa các lợi thế của Hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường các nước thành viên TPP; Thảo luận những khó khăn, thuận lợi và giải pháp cần thực hiện đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi TPP chính thức có hiệu lực; Chia sẻ kinh nghiệm trong xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam; Đồng thời, đây cũng là dịp nhằm triển khai công tác tuyên truyền, đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, thiết thực và kịp thời để các cơ quan chức năng và doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức khi Hiệp định TPP có hiệu lực, góp phần thúc đẩy hoạt động Xuất nhập khẩu, đảm bảo thực hiện các mục tiêu, kế hoạch xuất nhập khẩu Chính phủ và Quốc hội đề ra năm 2016.
Tại hội thảo, có hơn 10 tham luận đại diện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các hiệp hội ngành hàng, ngành nghề thuộc các lĩnh vực khác nhau như: logicstic, cơ khí, dệt may, thủy sản.... Đặc biệt, các tham luận của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và VCCI đã chỉ ra những nội dung thiết thực, gợi mở các vấn đề cốt lõi mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam cần quan tâm giải quyết khi TPP có hiệu lực.
Theo ông Trần Ngọc Liêm - Phó Giám đốc VCCI Hồ Chí Minh, để có thể tận dụng được tối đa lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do như kỳ vọng, các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ các quy định trong hiệp định để vận dụng vào hoạt động kinh doanh của mình. Các giải pháp làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp cần được các cơ quan chức năng triển khai đến các doanh nghiệp thông qua các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo theo từng ngành hàng cụ thể, từng quy định cụ thể, tránh việc tuyên truyền mang tính chung chung.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, một trong những cấu phần quan trọng nhất, được thể hiện bằng kết quả hữu hình ngay khi một FTA có hiệu lực chính là Thương mại hàng hóa, thể hiện bằng việc phần lớn các dòng thuế về 0%. Cách duy nhất để được hưởng mức ưu đãi thuế quan lý tưởng từ FTA, đó là hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho FTA đó. Vì vậy, chúng ta phải biết tận dụng lợi thế TPP thông qua quy tắc xuất xứ. Quy tắc xuất xứ đã, đang và sẽ luôn là vấn đề then chốt, cốt lõi của bất kỳ một Hiệp định/ Thỏa thuận thương mại tự do nào, trong đó có TPP.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia hiện nay rất thấp (ngoại trừ AKFTA 85%) - trung bình 35%, tức là 65% còn lại là hàng hóa phải chịu thuế MFN cao hơn nhiều so với mức thuế FTA từ 0 - 5%. Tỷ lệ này được đo bằng tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế FTA chia cho tổng kim ngạch xuất khẩu chung đến một thị trường FTA. Một trong những lý do chính, đó là doanh nghiệp chưa có hiểu biết đầy đủ về quy tắc xuất xứ nên đã không tận dụng được ưu đãi xuất xứ, không xin được C/O ưu đãi và không được hưởng mức thuế quan 0 - 5% mà các FTA mang lại.
Nhận xét về nội dung của các tham luận tại hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: “Bộ Công Thương đánh giá cao ý thức của các doanh nghiệp trong việc đưa ra các tham luận với chủ đề đa dạng, nội dung sâu sắc, sát với thực tiễn. Về phía Bộ Công Thương, tôi xin cam kết, tất cả những vướng mắc tồn tại mà doanh nghiệp nêu lên sẽ được bàn bạc cùng các Bộ, Ban, Ngành giải quyết thỏa đáng trong phạm vi, thẩm quyền cho phép cũng như xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan cấp trên để mang lại hiệu quả tiếp cận tốt nhất cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Xuất nhập khẩu nói riêng khi TPP có hiệu lực”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo