AAA và “cuộc chiến” giành lại thị trường
Có thể, những thay đổi lớn lao vừa qua ở Công ty cổ phần (CTCP) Nhựa và Môi trường xanh An Phát (mã chứng khoán AAA) không hẳn quá nổi bật, bởi cùng thời gian này, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đã phát triển cũng nhanh không kém. Song cái khác biệt ở AAA là trong lúc đa số DN chỉ lo giữ vững được quy mô hiện tại, thì cuối năm ngoái, AAA đã phát hành thành công 9,9 triệu cổ phiếu tăng vốn, để thêm tiền đầu tư vào hai dự án lớn của họ.
“Anh có chắc tiêu thụ hết sản phẩm mà các dự án đang đầu tư sẽ làm ra?”, tôi hỏi Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty khi đang cùng nhâm nhi cà phê Highland trên đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội). Đó là câu hỏi tôi mong được đặt ra nhất với vị Chủ tịch trẻ này.
Mặc dù trước đó, câu chuyện của chúng tôi chỉ xoay quanh những kinh nghiệm quản trị, từ lúc anh là sáng lập viên của Công ty Anh Hai Duy, tiền thân của AAA, có vốn đăng ký chỉ 500 triệu đồng tại thời điểm năm 2002.
Giờ đây, vẫn DN này, nhưng vốn điều lệ đã lên tới xấp xỉ 200 tỷ đồng. Tất nhiên, khi DN tăng mạnh về quy mô sản xuất như vậy, hệ thống quản trị, năng lực quản lý, khả năng tài chính... đều phải thay đổi theo. Nhưng đó chẳng phải là điểm chung của nhiều DN thành công khác sao?
Có thể, những thay đổi lớn lao vừa qua ở AAA không hẳn quá nổi bật, bởi cùng thời gian này, nhiều DN trong nước đã phát triển cũng nhanh không kém. Song cái khác biệt ở AAA là trong lúc đa số DN chỉ lo giữ vững được quy mô hiện tại, thì cuối năm ngoái, Công ty của Dương đã phát hành thành công 9,9 triệu cổ phiếu tăng vốn, để thêm tiền đầu tư vào hai dự án lớn của họ.
Đó là dự án đầu tư mở rộng nhà máy 1 với ước tính số vốn đổ vào đó khoảng 120 tỷ đồng, định hướng xuất khẩu sản phẩm túi nhựa sang Nhật Bản; và một dự án khác tại Lào mới được nước bạn cấp phép đầu tư, có vốn điều lệ 5 triệu USD, nhưng dự kiến sẽ “ngốn” hết khoảng 10 triệu USD mới có thể hoạt động. Ở dự án này, thị trường tiêu thụ được nhắm đến là Mỹ, nơi AAA đã “mất chân” từ khi bị áp thuế chống bán phá giá vài năm về trước.
“Tôi chắc chắn”, Dương trả lời ngay, không chút do dự. Anh ước tính, với năng lực sản xuất từ các dự án mới này, doanh thu của AAA trong vòng vài năm tới có thể tăng gấp hai lần hiện tại, lên mức 2.000 tỷ đồng.
“Hai điều khác biệt giữa một DN thành công và phần còn lại: thứ nhất là có đường hướng đúng, thứ hai là quản trị tốt”, Dương nói vậy về DN mình. Không dễ bắt bẻ ý Dương, khi mà sau mấy năm khủng hoảng, AAA vẫn tồn tại, đang sản xuất hết công suất, duy trì được dòng tiền và tạo lợi nhuận cho cổ đông.
“Định hướng xuất khẩu ngay từ đầu là một lợi thế”, Dương nói. Để kim ngạch xuất khẩu chiếm trên 97% doanh thu, AAA đã đầu tư tốt cho môi trường làm việc, cho chất lượng sản phẩm, thậm chí là trách nhiệm với cộng đồng. Đó chính là sự kế thừa mà nay, DN có thể mở rộng thị trường tới các bạn hàng khó tính khác.
Theo Chủ tịch AAA tính toán, với việc nhiều DN Nhật Bản đang hiện thực hóa công thức “Trung Quốc + 1”, tức là tìm thêm một điểm đầu tư ngoài Trung Quốc, thì Việt Nam có lợi thế. Tuy nhiên, cơ hội tiếp cận khách hàng Nhật Bản chỉ đến với DN nào thỏa mãn được những đòi hỏi khắt khe của họ. Dương cho đây là điều có thể đạt được với AAA.
“Tôi thấy đây là cơ hội bắt buộc phải nắm bằng được”, Dương nói hăng say, khi mà trời đã về chiều và nắng thôi đổ xuống dòng người đang hối hả tan tầm. Nhật Bản là thị trường tiềm năng, đương nhiên. Với AAA, Dương cho biết thị trường này hiện mới chiếm khoảng 7-8% doanh số. Nhiều đơn hàng từ đây đang tăng lên, khiến sản phẩm AAA làm ra tiêu thụ hết nhanh chóng.
“Quá có cơ hội”, Dương hào hứng. Cũng bởi thị trường Nhật Bản từ trước đến nay vốn rất khắt khe về chất lượng, nhưng AAA thuộc số ít DN đáp ứng được yêu cầu của đối tác Nhật Bản, theo chính các đối tác của AAA nhìn nhận. “Tôi đánh giá được ngay nhu cầu của khách hàng”, Dương chắc chắn.
Đó không phải là canh bạc. Hay như việc đầu tư cơ sở sản xuất mới tại Lào, lại nằm trong một toan tính khác: hướng tới thị trường Mỹ. Chủ trương này của AAA không mới. Vài năm trước, DN này đã từng phải chậm lại bước tiến, khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không cấp phép cho tăng vốn (do một số lùm xùm thông tin liên quan đến DN này).
Trong kế hoạch phát triển lần đó cũng đề xuất việc đầu tư nhà máy tại Lào. Lý do là vì vào khoảng cuối năm 2009, AAA là một trong 16 công ty Việt Nam bị Bộ Thương mại Mỹ ra phán quyết áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm túi nhựa của họ, với AAA là thuế suất 52,3%. Ngay sau đó, sản phẩm của Công ty đã không còn lợi thế giá để thâm nhập thị trường này. Sản xuất tại Lào như một giải pháp để né mức thuế trên.
Và với lần tăng vốn thành công này, AAA đang dự kiến một chiến lược đầu tư khoảng 20 triệu USD vào nhà máy tại Lào; giai đoạn 1 sẽ đầu tư khoảng 10 triệu USD.
“Chúng tôi có nhiều khách hàng ở Mỹ, sau khi bị đánh thuế thì dừng quan hệ với họ”, Dương nói vậy và thêm rằng, đây thực chất là sự trở lại với các đối tác cũ. Khách hàng Mỹ cũng mong công ty sớm quay lại vì giá sẽ cạnh tranh hơn. “Tôi nghĩ thị trường Mỹ và Nhật Bản được khởi động lại sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho hoạt động của công ty”, Dương nói.
Chủ tịch AAA cũng tự đánh giá, thị trường Mỹ có nhu cầu ngang châu Âu. Cho nên, sự trở lại với thị trường này là “con bài” quan trọng để DN nâng gấp đôi doanh số hiện nay. Trong khi đó, thị trường Nhật Bản dù không lớn bằng, nhưng tỷ suất lợi nhuận lại cao hơn, không bị rào cản về thuế.
Dương tính toán, nếu việc đầu tư theo đúng kịch bản đã định, tức là vào khoảng quý III/2013 sẽ đưa vào hoạt động dự án mở rộng nhà máy 1, thì năm 2014, AAA có thể đạt doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 80 - 90 tỷ đồng. Đảm bảo trả cổ tức khoảng 15 - 20%... “Sẽ không là vấn đề gì với kế hoạch phát triển đó. Nhất là khi cổ đông tin tưởng và hưởng ứng với chiến lược của AAA”, Dương nói khi thành phố lên đèn và anh phải rời đi cho một cuộc hẹn làm việc khác.
Nhật Minh
Theo TBNH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo