Agribank Bến Tre: Góp phần phát triển kinh tế địa phương
Động lực tăng trưởng kinh tế
Bến Tre là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 80 km, trong đó, trên 80% dân số sinh sống trên các địa bàn nông thôn. Diện tích toàn tỉnh là 2.360,6 km, phần tiếp giáp với biển Ðông có bờ biển dài 60km. Phía Bắc giáp Tiền Giang, phía Tây và Tây Nam giáp Vĩnh Long, phía Nam giáp Trà Vinh.
Nhận thức tầm quan trọng vị trí chiến lược của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng, ngành Ngân hàng thời gian qua đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của khu vực đồng bằng sông Cửu Long như các chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vốn, lãi suất để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng phát triển sản xuất - kinh doanh và phục vụ đời sống.
Xác định với vị trí chủ lực, chủ đạo trong thị trường tài chính trên địa bàn, bằng những giải pháp mang tính đột phá, Agribank Bến Tre đã phát huy tốt vai trò đầu tàu trong đầu tư tín dụng và cung ứng các sản phẩm dịch vụ trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.
Giám đốc Agribank Bến Tre, ông Vũ Hồng Dụ cho biết, trong thời gian qua ngân hàng luôn xây dựng mục tiêu hoạt động của mình hướng vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời bám sát chủ trương, chính sách, sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, của ngành về chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, chi nhánh đã tập trung mọi nguồn lực để củng cố và mở rộng mạng lưới hoạt động ở tất cả các vùng nông thôn trong toàn tỉnh, xây dựng đa dạng các kênh phân phối nhằm chuyển tải vốn cho mọi thành phần trên địa bàn tỉnh.
Có thể kể đến chương trình tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo Quyết định 67; Nghị định 55 về một số chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn của Chính phủ; chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển hạ tầng, các làng nghề, phát triển kinh tế trang trại, nông nghiệp sạch công nghệ cao, cho vay qua chuỗi liên kết và các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế của Đảng bộ tỉnh.
Nhờ tiếp cận được tín dụng tại Agribank chi nhánh Bến Tre, hàng trăm DN, hàng trăm ngàn hộ gia đình có đủ vốn vươn lên thoát nghèo, tổ chức sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống, tạo cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đưa kinh tế địa phương ngày càng phát triển. Với nỗ lực vượt bậc và cách làm mới, kết quả kinh doanh của Agribank Bến Tre thực sự khởi sắc với những thành quả đạt được khả quan.
Đến 31/12/2017, nguồn vốn huy động của toàn chi nhánh đạt 10.857 tỷ đồng, tăng 1.653 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng 18%, đặc biệt là nguồn tiền gửi tiết kiệm dân cư luôn chiếm tỷ trọng trên 95% trong tổng nguồn vốn giúp chi nhánh chủ động tự cân đối nguồn vốn để cho vay.
Nếu so với ngày đầu thành lập, nguồn vốn huy động tăng hơn gấp 3.500 lần và dư nợ tăng gấp 723 lần so với ngày đầu thành lập; tốc độ tăng nguồn vốn trên 25%/năm, dư nợ tăng hơn 28%/năm trong đó: cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 92,5%/tổng dư nợ, với hơn 200 ngàn khách hàng thường xuyên giao dịch.
Điều đó thể hiện vị trí và vai trò của Agribank chi nhánh Bến Tre ngày càng được nâng cao. Quan trọng hơn nữa đóng góp quan trọng tăng trưởng kinh tế vượt bậc của địa phương như kết thúc năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế chung (GRDP) trên địa bàn tỉnh ở mức khá cao 7,23% so với cùng kỳ năm trước.
Chú trọng chất lượng hoạt động
Song song với mở rộng quy mô tín dụng, lãnh đạo chi nhánh cho biết chi nhánh rất chú trọng chất lượng tín dụng nên tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp chỉ chiếm 0,29% trên tổng dư nợ.
“Mặc dù hoạt động tín dụng trên địa bàn rất vất vả vì món vay nhỏ, đường sá đi lại khó khăn, nhưng chi nhánh luôn yêu cầu cán bộ tín dụng phải bám dân theo địa bàn phụ trách để kịp thời gỡ vướng mắc giúp người dân tiếp cận vốn. Chính sự hỗ trợ tích cực cả về tinh thần cũng như vật chất của Agribank khiến người vay vốn luôn có ý thức trách nhiệm đối với món vay của mình, luôn đảm bảo trả nợ đúng hạn cho ngân hàng. Nhờ vậy, nợ xấu tại chi nhánh Bến Tre trong nhiều năm qua khá thấp ngay cả thời điểm kinh tế khó khăn nhưng con số nợ xấu chỉ dưới 1%”, lãnh đạo chi nhánh chia sẻ thêm.
Ngoài ra, trong nhiều năm qua, Agribank Bến Tre luôn chú trọng đến công tác phát triển dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ ngân hàng hiện đại đến địa bàn nông thôn. Đến nay, thị phần thẻ Agribank Bến Tre chiếm trên 64%, qua đó phát triển mạnh các hình thức thanh toán: chuyển lương, thanh toán hóa đơn (điện, nước, cước viễn thông, học phí…); chuyển tiền trên điện thoại di động, Internet (E-Mobile Banking, Internet Banking…) đến tận địa bàn nông thôn, thay thế dần việc sử dụng tiền mặt, đảm bảo thanh toán nhanh chóng, an toàn, góp phần thực hiện tốt đề án thanh toán không dùng tiền mặt của ngân hàng trên địa bàn.
Với vai trò là một ngân hàng chủ lực trên địa bàn, thực hiện kinh doanh hiệu quả, phục vụ tốt cho tín dụng nông nghiệp, nông thôn thì việc thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, công tác an sinh xã hội đã được xác định rất rõ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của Agribank Bến Tre.
Trong chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, chi nhánh đã liên tục tích cực triển khai rất nhiều chương trình, hoạt động xã hội từ thiện giàu ý nghĩa nhân văn, đảm bảo an sinh xã hội, hướng tới cộng đồng và vì sự phát triển của cộng đồng xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ bảo trợ trẻ em, Quỹ vì người nghèo, ủng hộ đồng bào gặp thiên tai, lũ lụt, tài trợ các chương trình từ thiện.
Agribank Bến Tre trong những năm qua dành hơn 34 tỷ đồng với các hoạt động chủ yếu dành hỗ trợ an sinh xã hội trong lĩnh vực giáo dục, y tế, xây nhà tình nghĩa, tình thương cho gia đình chính sách, hộ nghèo, trao tặng sổ tiết kiệm cho thương binh có hoàn cảnh khó khăn…
Riêng năm 2017, Agribank Bến Tre đã vận động cán bộ viên chức tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, đóng góp ủng hộ các quỹ số tiền 865 triệu đồng, ủng hộ xây nhà tình nghĩa, tình thương với số tiền 540 triệu đồng; chi tài trợ giáo dục, y tế 3,703 tỷ đồng. Truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đã được các thế hệ Agribank chi nhánh tỉnh Bến Tre xây dựng, gìn giữ theo suốt chặng đường 30 năm trưởng thành và phát triển.
Thời gian tới, mặc dù, cho vay nông nghiệp, nông thôn hiện nay vẫn đối mặi với nhiều khó khăn, rủi ro tương đối lớn như: thiên tai, dịch bệnh, giá cả nông sản không ổn định, nước biển xâm nhập mặn, dịch bệnh ở cây trồng vật nuôi khó kiểm soát trong khi bảo hiểm trong nông nghiệp chưa triển khai thực hiện. Nhưng, lãnh đạo chi nhánh khẳng định, năm 2018, Agribank Bến Tre tiếp tục ưu tiên nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; triển khai tốt các chủ trương, chính sách có liên quan.
Để phát huy những thành tích đạt được và hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2018 và các năm tiếp theo, ông Vũ Hồng Dụ cho biết, thời gian tới đội ngũ người lao động Agribank chi nhánh tỉnh Bến Tre tập trung làm tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, bám sát vào chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và định hướng mục tiêu của Ngành, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh, đảm bảo lợi nhuận và thu nhập của người lao động năm sau không thấp hơn năm trước, làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn
Thứ hai, chuyển biến một cách căn bản về tác phong giao dịch, lề lối làm việc, làm tốt công tác tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy với chính quyền và các đoàn thể, để xây dựng cơ quan và các đoàn thể vững mạnh toàn diện.
Thứ ba, tăng cường công tác xây dựng cơ bản và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện làm việc để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của ngân hàng hiện đại.
Thứ tư, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy Đảng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự gắn kết, đồng hành cùng phía ngân hàng để xây dựng Agribank Bến Tre phát triển một cách vững chắc, toàn diện, đóng góp phần lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Nhận thức tầm quan trọng vị trí chiến lược của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng, ngành Ngân hàng thời gian qua đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của khu vực đồng bằng sông Cửu Long như các chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vốn, lãi suất để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng phát triển sản xuất - kinh doanh và phục vụ đời sống.
End of content
Không có tin nào tiếp theo