Amazon e ngại startup 5 tỷ USD của Hàn Quốc
Nếu đôi giày bạn vừa đặt mua không vừa chân, không vấn đề gì. Chỉ cần qua một vài cú chạm trên ứng dụng điện thoại, bạn có thể đặt nó ngoài cửa, không cần hộp, không cần hóa đơn, cũng không cần giữ nguyên nhãn mác. Đôi giày sẽ được mang đi sau vài giờ và bạn ngay lập tức được hoàn lại tiền.
Kịch bản này không phải là một sự tưởng tượng thoáng qua cho tương lai của ngành bán lẻ trực tuyến mà là những gì thực tế đang diễn ra tại Hàn Quốc, nơi Coupang hiện là đơn vị thống trị thị trường. Theo ước tính, doanh số bán hàng của Coupang đã đạt 3 tỷ USD vào năm 2017. Startup mới được thành lập 8 năm này là một trong những startup kỳ lân tại Hàn Quốc và được nhận định là ứng viên tiềm năng sẽ IPO vào năm 2019 hoặc 2020.
Được định giá 5 tỷ USD và sở hữu 1,4 tỷ USD nhận được từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, Coupang đang là trang thương mại điện tử phát triển nhanh nhất và có tình hình tài chính tốt nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Coupang cho biết, một nửa dân số Hàn Quốc đã tải ứng dụng mua sắm của hãng vào điện thoại. Đó có thể là lý do tại sao Amazon vẫn chưa dám đặt chân vào đây.
Sehwan Choi, sáng lập TechforKorea, một trang theo dõi tình hình phát triển công nghệ Hàn Quốc cho biết: "Sức mạnh của Amazon với tư cách là một công ty thương mại điện tử đến từ dịch vụ giao hàng nhanh. Nhưng tại Hàn Quốc, phần lớn những đơn vị tham gia cuộc chơi thương mại điện tử cũng đã thực hiện dịch vụ giao hàng sau một ngày hoặc ngay trong ngày với mức giá rất rẻ".
Trong bất cứ cuộc trao đổi nào, Kim Bom, nhà sáng lập đồng thời là CEO của Coupang cũng đề cập đến mục tiêu giúp người dùng mua hàng và trả lại hàng hóa một cách dễ dàng. Điều này cũng bao gồm cả việc giảm thiểu bao bì, vật liệu phụ, cho biết chính xác nơi và thời gian giao nhận hàng hóa.
Hàn Quốc với dân số 51 triệu người, tập trung ở hầu hết các thành phố là nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, và sở hữu hạ tầng công nghệ tốc độ cao rất tiên tiến. Đây là là thị trường thương mại điện tử lớn thứ 7 thế giới (có giá trị khoảng 56 tỷ USD) và đang được kỳ vọng là sẽ vượt qua Nhật Bản và Anh trong 5 năm tới để vươn lên vị trí thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Nhờ việc dân số tập trung chủ yếu tại khu vực thành thị, nên theo ông Kim, 99,6% đơn đặt hàng qua Coupang đều được giao trong vòng 24 giờ.
Coupang sở hữu một hệ thống xe giao hàng riêng, 10.000 người trong đó bao gồm 4.000 nhân viên giao hàng. Mặc dù nhấn mạnh vào tầm quan trong của công nghệ, Coupang cũng tập trung để cá nhân hóa dịch vụ. Công ty theo dõi từng tương tác và phản ứng của khách hàng.
Ông Kim chia sẻ: "Nếu như bạn có em bé trong nhà và không muốn tiếng chuông cửa đánh thức giấc ngủ của bé, nhân viên giao hàng sẽ gõ cửa, nếu bạn không có ở nhà khi hàng được giao đến, nhân viên sẽ gửi cho bạn một bức ảnh chụp nơi họ để gói hàng".
Các mặt hàng của Coupang rất đa dạng từ đồ ăn cho thú cưng, thực phẩm hữu cơ đến sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Việc đầu tư lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng đã khiến đặt Coupang vào tình trạng báo động đỏ: Số liệu kinh doanh năm 2016 cho thấy công ty lỗ khoảng 500 triệu USD trong tổng doanh số bán hàng là 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên CEO của công ty không quá lo ngại về tình trạng này, Kim cho biết: "Chúng tôi đang đầu tư nâng cao trải nghiệm của khách hàng, và có tầm nhìn phát triển rất lâu dài".
Ban đầu, mục tiêu của ông Kim không phải là tạo nên một trang thương mại điện tử theo kiểu "Amazon của Hàn Quốc". Sau khi bỏ học tại Havard, ban đầu Kim Bom hướng đến xây dựng một trang web theo mô hình cung cấp các chương trình giảm giá hàng ngày theo kiểu Groupon, tiếp đến là nền tảng kinh doanh theo kiểu eBay. Nhưng sau khi thấy phần nửa những phàn nàn của khách hàng đều liên quan đến vấn đề việc vận chuyển, Kim đã nhận ra lĩnh vực mà ông có thể tạo nên điều khách biệt.
Việc tập trung vào phục vụ khách hàng đã giúp Coupang chiếm lĩnh thành công thị trường bán lẻ trực tuyến tại Hàn Quốc. Eric J.Kim quản lý quỹ đầu tư Goodwater, một trong những đơn vị đầu tiên rót vốn cho Coupang nhận định môi trường tại Hàn Quốc hoàn hảo để những công ty như Coupang phát triển. Eric Kim nhấn mạnh: "Hàn Quốc là thị trường quy mô lớn, GDP cao và kinh tế phát triển mạnh mẽ cũng như cơ sở hạ tầng tốt". Ông nhìn nhận chiến lược tập trung vào nâng cao trải nghiệm người dùng mà Coupang đang áp dụng là chìa khóa quan trọng để mở rộng thị trường.
CEO của Coupang cho biết, hiện nay công ty hoàn toàn tập trung vào thị trường Hàn Quốc. Nhưng một vài xu hướng mới có thể lái tầm ảnh hưởng của Coupang đến những thị trường bên ngoài biên giới.
Ông Kim cũng lưu ý rằng việc phát triển của các thành phố lớn trên khắp thế giới đã mang đến số lượng lớn người dùng các ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện cho những công ty như Coupang phát triển hiệu quả.
Tại Hàn Quốc, 80% các đơn đặt hàng được đặt qua ứng dụng di động và 90% tập trung vào dịp cuối tuần. Và đây cũng là một xu hướng đang diễn ra trên toàn cầu. CEO của Coupang nhấn mạnh: "Tôi không nghĩ rằng chỉ riêng khách hàng ở Hàn Quốc mới thích thú với việc có thể mua và đổi trả hàng hóa một cách nhanh chóng và dễ dàng".
End of content
Không có tin nào tiếp theo