Hỗ trợ doanh nghiệp

Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế cho các doanh nghiệp Việt

Khi áp dụng theo chuẩn mực quốc tế, hệ thống kế toán, kiểm toán sẽ phản ánh thông tin sát thực hơn, tạo điều kiện cho người điều hành quản trị doanh nghiệp (DN) ra các quyết định chính xác. Mặt khác, hiện một số DN Việt Nam đã tham gia thị trường vốn quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ yên tâm hơn về các thông tin được công bố đạt chuẩn.

Đây là nội dung được các chuyên gia, đại biểu nhận định tại Hội thảo “Kinh nghiệm áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) của một số quốc gia và định hướng của Việt Nam” do Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa tổ chức.

Ông Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, hiện chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) được đánh giá là bước tiến lớn trong sự nghiệp cải cách kế toán, góp phần nâng cao tính minh bạch, trung thực của báo cáo tài chính. Dù vậy, sau 10 năm áp dụng trong khi thế giới có nhiều cải tiến, thì chuẩn mực Việt Nam trở nên lạc hậu, thiếu nhiều chuẩn mực so với mặt bằng chung.

Viết chú thích ảnh ở đây.

VAS chỉ hướng đến việc ghi nhận tài sản và nợ phải trả theo giá gốc nên báo cáo tài chính chưa phản ánh đúng và đầy đủ tình hình tài chính của DN tại thời điểm báo cáo.

Trong khi đó phạm vi áp dụng của một số chuẩn mực lại chưa phù hợp với bản chất của một số loại tài sản nên chưa được điều chỉnh, phản ánh đúng bản chất, đặc điểm và giá trị.

Theo Chiến lược đến năm 2020, kế toán kiểm toán của Việt Nam sẽ tiệm cận thông lệ quốc tế. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra cho Bộ Tài chính là xây dựng lại hệ thống báo cáo tài chính Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế và một hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam.

“Khi áp dụng theo Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) do Uỷ ban Chuẩn mực Kế toán quốc tế ban hành, các doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ phản ánh thông tin sát thực hơn, tạo điều kiện cho người điều hành quản trị DN ra các quyết định chính xác. Mặt khác, hiện một số DN Việt Nam đã tham gia thị trường vốn quốc tế mà áp dụng chuẩn quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ yên tâm hơn về các thông tin được công bố”, ông Vũ Đức Chính đánh giá về tầm quan trọng của chuẩn mực mới.

Dù có nhiều ưu việt, nhưng IFRS là những nguyên tắc chung, có tính chất khuyến cáo cho các quốc gia, không gắn trực tiếp với quốc gia nào. Vì vậy, khi triển khai áp dụng chuẩn mực này tại Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc.

 

Không có nhiều DN không muốn áp dụng IFRS do ngại công khai về tình hình tài chính của mình; Nguồn nhân lực nhìn chung còn hạn chế, yêu cầu kỹ thuật của IFRS khá phức tạp, một số xét đoán mang tính chủ quan, đòi hỏi cao về trình độ và đạo đức nghề nghiệp của người làm kế toán…

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) một trong số không nhiều các đơn vị lập báo cáo tài chính theo tiệm cận gần đến chuẩn mực IFRS trên cơ sở chuyển đổi từ báo cáo tài chính theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) đã được kiểm toán.

Việc lập báo cáo tài chính theo IFRS ngoài việc giúp EVN tăng tính minh bạch về tài chính, còn là mấu chốt quan trọng để nâng cao khả năng huy động vốn và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh, hội nhập quốc tế.

Nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã áp dụng xây dựng phương án, lộ trình, cách thức áp dụng chuẩn mực quốc tế đối với từng nhóm đối tượng cụ thể tại Việt Nam, xây dựng hệ thống chuẩn mực phù hợp với quốc tế; cập nhật hệ thống chuẩn mực VAS hiện hành và ban hành mới một số chuẩn mực mới.

Đáng chú ý, từ năm 2014,  Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 200/2014/TT-BTC  ngày 22/12/2014 về chế độ kế toán DN thay thế Quyết định 15/2006 ngày 20/03/2006 và đặc biệt là Thông tư 202/2014/TT-BTC về hướng dẫn lập báo cáo tài chính hợp nhất đã đưa chế độ kế toán và lập báo cáo tài chính của Việt Nam tiến lại gần hơn tới các tiêu chuẩn quốc tế trong IAS và IFRS.

 

Đối tượng bắt buộc phải tham gia phải đạt chuẩn mực quốc tế bao gồm các công ty niêm yết, các DN chưa niêm yết nhưng có lợi ích cho công chúng quy mô lớn như ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán, các tổ chức tài chính và DNNN. Trong khi đối tượng tự nguyện là tất cả các DN khác. Báo cáo tài chính Việt Nam được áp dụng để lập và trình bày báo cáo tài chính của DN độc lập, báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế nghĩa là hệ thống kế toán kiểm toán sẽ có một “ngôn ngữ” chung cho toàn bộ các doanh nghiệp ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Điều này sẽ rất có lợi khi doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường vốn quốc tế, các báo cáo tài chính được làm theo chuẩn mực quốc tế, sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm hơn về các thông tin đưa ra.

“Lộ trình áp dụng IFRS (hoặc chuẩn mực tương đương) của mỗi nước rất khác nhau, tùy vào tình hình thực tế của từng nước, và phải đảm bảo lên kế hoạch kỹ trước khi áp dụng”, ông Sekiguchi Tomokazu đại diện KPMG Việt Nam chia sẻ.

Nên đọc
Theo Báo Chính phủ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo